Lê Duy Hạnh sinh năm 1947 tại Bình Định, vào Sài Gòn học đại học và tham gia các phong trào sinh viên. Sau đó ông vào chiến khu rồi ra Hà Nội học trường viết văn, và trở về Sài Gòn hoạt động trong giới sân khấu.
Ông viết kịch bản rất nhiều, cả kịch nói lẫn cải lương. Những vở nổi tiếng có thể kể đến như: Diễn kịch một mình, Mặt trời đêm thế kỷ, Hoàng hậu hai vua, Dời đô, Sáng mãi niềm tin, Miền nhớ, Hoa độc trong vườn, Lý Chiêu Hoàng, Trời Nam, Tâm sự Ngọc Hân, Chiếc áo thiên nga, Nỏ thần, Đôi bờ, Vua thánh triều Lê, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc…
Kịch bản của Lê Duy Hạnh rất sâu sắc, giá trị vẫn không mất theo thời gian, thời đại, vì ông luôn thâm thúy trong câu chuyện, ẩn giấu nhiều lớp ý nghĩa, hoặc thăm thẳm triết lý nhân sinh, không chạy theo thị trường. Nhiều vở còn mang tính thể nghiệm, như Diễn kịch một mình, Hồn thơ ngọc, Độc thoại đêm... khiến các đạo diễn hứng khởi dàn dựng. Có vở mang chất thơ như Hồn thơ ngọc, hoặc chất anh hùng ca như Nỏ thần, Chiếc áo thiên nga…
Chọn dàn dựng kịch bản của ông cũng chính là thử thách của nhiều đạo diễn, nhưng nhờ vậy sân khấu có thêm những tác phẩm trang trọng, hoặc hoành tráng, hoặc độc đáo, không rơi vào dễ dãi, cũ mòn.
Ngoài việc tự viết kịch bản, ông còn hỗ trợ thế hệ sau bằng cách biên tập, thẩm định, góp ý kịch bản của họ. Ai cũng học được từ ông những bài học quý giá.
Lê Duy Hạnh còn là vị lãnh đạo lâu nhất của Hội Sân khấu TP.HCM, có 5 nhiệm kỳ trong vai trò Chủ tịch hội. Uy tín của ông chính từ sự tận tụy, uyên bác, trầm tĩnh, luôn tìm ra hướng giải quyết cho sân khấu. Trong thời gian ông tại nhiệm, ông đã thúc đẩy để hình thành và phát triển giải Trần Hữu Trang, Liên hoan sân khấu Mùa thu. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Lao động hạng nhất và rất nhiều giải thưởng khác về sân khấu.
Soạn giả Lê Duy Hạnh bị bệnh nhiều năm nay, bệnh của người già, yếu hẳn người không đi đứng nhanh được, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Hằng tháng, hằng tuần, hoặc ngày lễ luôn có những nhóm bạn bè, nghệ sĩ đến thăm ông tại tư gia, ông rất vui khi ngồi nói chuyện với đồng nghiệp. Ông nói: "Tôi còn nhiều ý tưởng sân khấu, nhưng ngồi viết không nổi". Mọi người đề nghị ông đọc cho vợ ông ghi ra giùm, ông lắc đầu: "Không quen. Phải cầm cây viết rồi viết trực tiếp trên giấy mới được. Tôi vẫn lao động theo kiểu xưa, chứ ngồi gõ máy tính cũng không ra kịch bản. Gõ việc khác thì được, nhưng đụng tới kịch bản thì phải viết tay thôi".
Nghĩa là bây giờ soạn giả Lê Duy Hạnh đã ôm theo những ý tưởng đó về thế giới khác. Đành hẹn với sân khấu một kiếp nào đó… Tài hoa ấy chắc chắn sẽ còn tái ngộ!
Bình luận (0)