Vĩnh biệt tác giả 'Em đến thăm anh một chiều mưa'

14/05/2014 09:00 GMT+7

Tô Vũ, một trong những nhạc sĩ thuộc dòng nhạc tiền chiến hiếm hoi còn hiện diện trong thế kỷ 21, vừa từ giã chúng ta.

Vĩnh biệt tác giả
Nhạc sĩ Tô Vũ - Ảnh: H.Đ.N

Người viết bài này từng được may mắn trò chuyện với GS-NS Tô Vũ khá nhiều lần khi gia đình ông còn ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cách đây hơn 10 năm (sau đó gia đình ông chuyển về quận 9). Ấn tượng đầu tiên là ông có một trí nhớ siêu phàm về bạn bè đồng lứa, những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông rất hoạt bát, sử dụng từ ngữ chính xác, hóm hỉnh và đặc biệt cặp mắt lúc nào cũng như đang cười, tạo cảm giác thân tình cho người đối diện. Sau này, nhiều lần gặp ông ở Hội m nhạc TP.HCM, thấy các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Bảo... gọi ông bằng thầy.

Được tin nhạc sĩ Tô Vũ qua đời, ca sĩ Ánh Tuyết xúc động: “Những ca khúc của nhạc sĩ tuy ít, nhưng đã ghi dấu ấn vào tâm tư tình cảm của người hâm mộ trong hơn nửa thế kỷ qua bởi sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng mà rất sâu sắc. Nhớ cách đây không lâu, trong một buổi gặp gỡ vào hôm sinh nhật tôi, có ai đó nói: “Ánh Tuyết hát nhạc Văn Cao hay lắm”. Ông hóm hỉnh: “Ánh Tuyết hát nhạc Tô Vũ cũng hay vậy”. Tôi hiểu đó không hẳn là một lời khen, mà là mình được người nhạc sĩ lão thành này dành cho sự động viên, khích lệ”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, một trong những học trò của thầy Tô Vũ, cho biết: “Hiếm có một giáo sư âm nhạc nào uyên bác như thầy, thầy có thể nói chuyện cả ngày để tôi ghi âm lại về âm nhạc Chăm, Khmer, cồng chiêng... Sau này trong quá trình tiếp xúc với thầy, tôi càng kính nể sự uyên bác cả về chèo, ca trù, quan họ, đàn đá, đờn ca tài tử, cải lương, thang âm, điệu thức làn điệu dân ca các vùng miền... của thầy. Đặc biệt thầy rất giỏi nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc... Mỗi lần tôi tới nhà thăm thầy, thầy đều nhắc nhở tôi cố gắng làm tốt đề tài nghiên cứu sinh về âm nhạc Chăm mà thầy rất tâm đắc và tận tình dìu dắt, hướng dẫn”. 

 

Sau thời gian điều trị bệnh, nhạc sĩ Tô Vũ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 30 ngày 13.5 tại nhà riêng (quận 9, TP.HCM), thọ 91 tuổi. Lễ nhập quan được tiến hành lúc 14 giờ 30 ngày 13.5, sau đó di quan về Nhà tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Lễ viếng từ 8 giờ đến 15 giờ ngày 14.5, lễ truy điệu được tiến hành lúc 17 giờ cùng ngày, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM.

Tên nhân dân đặt cho

GS-NS Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng sống từ thời thơ ấu đến hết tuổi thanh niên ở Hải Phòng, tạo dựng sự nghiệp ở Hà Nội và cuối cùng chọn TP.HCM làm nơi an hưởng tuổi già. Thời niên thiếu (1930) ông cùng anh ruột là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng) theo học đàn nguyệt nhưng chính thầy lại khuyên hai anh em nên học một nhạc cụ Tây phương. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là ông thầy dạy môn văn chương Pháp: thầy Ngô Đình Hộ (chính là nhạc sĩ Lê Thương, tác giả 3 bài Hòn vọng phu bất hủ). Khi cách mạng bùng nổ, hai anh em họ Hoàng tham gia Việt Minh từ rất sớm. Hoàng Phú gia nhập Ban văn nghệ tuyên truyền Kiến An (trong giai đoạn này ông đã sáng tác các ca khúc nổi tiếng Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa...).

Riêng nghệ danh Tô Vũ thì ông bảo: “Trước đó tôi có 4 học bổng đi học ở Pháp, khi anh Hoàng Quý mất, tôi phải về xin dạy hợp đồng ở Trường Bình Chuẩn (Hải Phòng) để nuôi các em. Lúc ấy, mấy ông bạn từ Hà Nội xuống Hải Phòng chơi với bọn tôi như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đều để râu như một kiểu “mốt”. Tôi cũng bắt chước để râu và mặc bộ quần áo nâu như họ. Có một ông đem cho tôi cái nón Sơn Tây. Trời mưa, đường trơn đi phải chống gậy... thế là có người bảo tôi giống hệt cái hình vẽ tích ông Tô Vũ chăn dê trên lọ độc bình. Thấy người ta cứ gọi tôi là “ông Tô Vũ”, nhà thơ Thế Lữ bảo: “Đấy là tên nhân dân đặt cho anh. Thôi thì anh cứ nhận lấy!”.

Hà Đình Nguyên 

>> Nhạc sĩ Tô Vũ qua đời
>> Nhạc sĩ Tô Vũ: đèn lay trước gió
>> Nhạc sĩ Trần Lập làm 'hạm trưởng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.