Chúng ta ở thành phố nên thường xuyên được thưởng ngoạn những chương trình âm nhạc chuyên nghiệp trên sân khấu biểu diễn, phòng trà, băng đĩa, truyền hình. Những ca sĩ chuyên nghiệp đem tiếng hát của họ làm đẹp cho cuộc đời, làm đẹp cho lòng ta. Chúng ta yêu quý họ, mến mộ tiếng hát của họ, nhập tâm đến nỗi chỉ nghe tiếng ca mà không cần nhìn thấy hình ảnh, ta vẫn nhận ra được ca sĩ nào đang hát.
Có những ca sĩ khác tên tuổi ít được biết đến, vẫn thường đem tiếng hát đi khắp nơi trên cả nước phục vụ cho các chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi, bà con trên các rẻo núi cao, nơi bưng biền xa xăm hay trong những làng quê hẻo lánh.
tin liên quan
Thương lắm miền Trung quanh năm mưa lũSự biến đổi khí hậu đã và đang chứng minh sức mạnh hoang dã của nó. Miền Trung lại một lần nữa oằn mình hứng chịu và chống chọi với mưa lũ.
Họ là những ca sĩ, nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật quân đội, các trung tâm văn hóa cấp tỉnh hay cấp huyện, các đoàn nghệ thuật tỉnh, các tổ chức thông tin văn hóa địa phương. Họ cũng có thể là những ca sĩ quần chúng có giọng hát đẹp tự nhiên, đang làm công việc trong một cơ quan nhà nước ở địa phương. Tôi tạm gọi họ là những ca sĩ tỉnh. Mùa xuân này, họ cũng đang “chạy show” nhiều nơi như các ca sĩ nổi tiếng ở các thành phố lớn vậy.
Xin bạn đừng nghĩ ca sĩ tỉnh không có tài năng như ca sĩ ở các thành phố lớn. Không, họ là những con người tài năng, phần lớn đã được học hành bài bản, thông thường là cử nhân hay cao đẳng thanh nhạc. Cá biệt có người là thạc sĩ, xuất thân từ các trường đại học nhạc, đại học văn hóa hay cao đẳng văn hóa. Họ học nhạc và học ca hát từ 3 năm đến 7 năm mới trở thành ca sĩ. Tên tuổi, hình ảnh của họ thường ít xuất hiện trên các tờ báo ở các thành phố lớn bởi họ chỉ là ca sĩ tỉnh.
Họ hoạt động văn hóa nghệ thuật trên một địa bàn nhỏ, không có công nghiệp âm nhạc giải trí lớn như TP.HCM và Hà Nội. Họ cũng không có cơ hội tiếp cận với công nghiệp thu âm tiên tiến, với những nhạc sĩ sáng tác thành danh và những nhạc sĩ làm nhạc beat nổi tiếng. Tiếng hát của họ chưa được thu thanh mà nếu đã có thu thanh thì phòng thu các tỉnh hay thành nhỏ cũng không mới mẻ, hiện đại gì cho lắm.
Chính vì vậy, tiếng hát và tài năng của họ chưa đến được với công chúng yêu nhạc đông đảo trên cả nước. Vậy nhưng hoạt động văn hóa nghệ thuật của họ thì rất thật và công lao của họ trong việc đưa văn hóa nghệ thuật đến những người bình dân, người nghèo thì rất lớn.
Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang là một ca khúc rất khó hát của tôi. Có một nam ca sĩ - tên là Bảo Thanh, thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu hát rất tốt ca khúc này. Bản thu thanh của em được thu từ năm 1999 - nghĩa là ở thời điểm máy móc phòng thu chưa tiên tiến lắm. Thú thật là cho đến nay, tôi chưa nghe một nam ca sĩ chuyên nghiệp nào hát bài này tốt hơn Bảo Thanh. Nhiều nhạc sĩ quen biết với tôi nói rằng khi nghe Bảo Thanh hát live ca khúc này trên sân khấu, họ “nổi da gà”.
TP Bạc Liêu còn có giọng ca vàng Lâm Ngọc Hoa. Lâm Ngọc Hoa xuất thân trong gia đình có truyền thống chơi đờn ca tài tử Nam bộ nên thẩm âm khá tốt giai điệu Nam bộ. Em đã đem vốn liếng đó làm sở trường cho mình, tự học và chuyển sang dòng nhạc bolero. Và quả nhiên, em đã thành công với những bài bolero nhẹ nhàng của nhiều nhạc sĩ ngày xưa, đạt danh hiệu Quán quân mùa giải bolero năm 2015. Giọng hát bolero của Ngọc Hoa mang theo yếu tố sông nước, đồng bãi miền Tây, rất trữ tình ngọt ngào.
Trung tâm văn hóa TP.Sóc Trăng là một trung tâm nhỏ nhưng có một giọng ca chất giọng alto nhẹ rất tốt. Đó là nữ ca sĩ Lý Ngọc Nguyên. Giọng Ngọc Nguyên dày, phát âm mềm mại, nhả chữ chuẩn xác. Nghe Ngọc Nguyên hát bài bolero Tấm ảnh không hồn của nhạc sĩ Lê Dinh, người nghe nhạc sành điệu ngày xưa đều xác nhận rằng chưa có nữ ca sĩ chuyên nghiệp nào hát tốt bài này như Ngọc Nguyên.
Tỉnh An Giang có một giọng ca nữ hát mảng dân ca Nam bộ rất thành công là Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh là thạc sĩ báo chí, hiện đang làm trong bộ phận truyền hình của Báo Nhân Dân tại Cần Thơ. Mỹ Hạnh phát âm tốt, có năng khiếu thanh nhạc khá vững vàng, được xem là ca sĩ nổi tiếng về dân ca Nam bộ ở đồng bằng sông Cửu Long.
TP.Rạch Giá ở cuối trời đất nước cũng có những giọng ca đẹp, được học hành bài bản đang hoạt động văn hóa nghệ thuật trong Trung tâm văn hóa tỉnh Kiên Giang. Thế Huy là một giọng nam trung đẹp, phát âm tốt, nhạc cảm khá bén nhạy, chuyên hát dòng nhạc sang. Trung tâm này còn có hai nữ ca sĩ Quỳnh Anh và Kim Phụng có cùng giọng nữ trung, chuyên hát dòng nhạc dân ca Nam bộ khá tốt. Cả hai em đều có âm vực rộng, xuống thấp vẫn đủ và lên cao vẫn còn dư.
Đoàn nghệ thuật của Cục Chính trị Quân khu 5 đóng tại Đà Nẵng có một đội ngũ ca sĩ trẻ xuất thân từ Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, hát rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ, công chức và nhân dân các tỉnh nam Trung bộ rất mến mộ tiếng hát của các em Xuân Đề, Thảo Vân, Y Thanh Nhị, Kim Tín, Anh Tuấn, Diễm Trâm, Tiến Dũng, Ngọc Diệp, Thanh Yên, Ngọc Lê. Ngoài công tác biểu diễn, các em còn giúp cho các tỉnh trên địa bàn quân khu thực hiện các chương trình ca nhạc. Đáng tiếc là 3 thành phố Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn chưa có phòng thu nào trang bị máy móc mới, lọc âm tốt để nâng tiếng hát các em lên.
Âm nhạc ngày nay là như vậy; 50% là chất giọng và tài năng ca sĩ, 50% là kỹ thuật phòng thu. Những chương trình ca nhạc trên ti vi sở dĩ hấp dẫn người xem, ai xem cũng khen ca sĩ hát hay là nhờ các công ty hợp tác sản xuất chương trình chịu đầu tư các phòng thu thanh tiên tiến nhất.
Tỉnh Quảng Nam có hai giọng nữ trung khá tốt, mới nổi lên nhưng đầy hứa hẹn là em Tường Vy - cán bộ Phòng Nội vụ huyện Duy Xuyên và Khánh Trâm - nghệ sĩ trong Đoàn nghệ thuật Khu di tích Mỹ Sơn. Các em phát âm tốt, kỹ thuật thanh nhạc và phong cách biểu diễn tốt như ca sĩ chuyên nghiệp. Các em hát những ca khúc mới viết về quê nhà mình nên tình cảm đầu tư trong bài hát khá sâu đậm.
Đoàn dân ca tỉnh Quảng Nam có em Thu Hương, xuất thân là nghệ sĩ dân ca nhưng trở thành ca sĩ hát mảng tân nhạc khá thành công. Thu Hương được học hành bài bản từ trường nhạc ra, chất giọng cao hơn nữ trung một chút nhưng lại thấp hơn nữ kim một chút. Với lối phát âm rặt ròng âm vị của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, em hát khá thành công những ca khúc mới phát triển trên nền tảng giai điệu đặc trưng của đất Quảng Nam.
Tỉnh Trà Vinh có Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh, tập trung những giọng ca đẹp của các em ca sĩ người Việt gốc Khmer. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình đều có đoàn nghệ thuật riêng cho các giọng ca người dân tộc. Ca sĩ trong các đoàn này được học hành bài bản, nữ ca sĩ có giọng nữ kim tốt. Họ xuất hiện trên các chương trình của VTV, đem lại cho bà con cả nước loại hình ca nhạc mới thú vị.
Mùa xuân, các ca sĩ tỉnh cũng tất bật đi làm show, thậm chí là chạy show như các bạn ca sĩ chuyên nghiệp ở Hà Nội hay TP.HCM. Tuy nhiên, hoạt động của họ diễn ra ở các tỉnh hay thành phố nhỏ nên thu nhập của họ cũng khiêm tốn hơn rất nhiều so với ca sĩ chuyên nghiệp. Bù lại, họ có một ưu điểm mà nhà tổ chức biểu diễn nào cũng quý mến, ấy là không “làm giá” như một số ca sĩ chuyên nghiệp. Đơn giản, họ muốn được phục vụ mọi người, nhất là phục vụ bà con yêu văn hóa nghệ thuật ca nhạc như những nghệ sĩ chân chính.
Bình luận (0)