Vinh danh “Gương sáng biên cương” tại tòa soạn Báo Thanh Niên

Lê Nam
Lê Nam
22/12/2021 16:44 GMT+7

Phát động từ tháng 5.2021, chương trình “Gương sáng biên cương” do Báo Thanh Niên và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức đã đến nhiều vùng biên cương của Tổ quốc để tìm hiểu, ghi nhận về 57 “Gương sáng biên cương”.

Chiều 21.12, tại TP.HCM, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức chương trình họp mặt và giao lưu, tuyên dương điển hình “Gương sáng biên cương” có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển các vùng biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia.

Để có biên giới hòa bình, ổn định và phát triển như ngày nay, là sự hy sinh xương máu, đóng góp công sức của biết bao thế hệ người Việt Nam; trong đó có những gương điển hình mà Báo Thanh Niên giới thiệu trong chuyên trang “Gương sáng biên cương” suốt 8 tháng qua. Theo Ban tổ chức, tất cả những gương sáng đều xứng đáng được vinh danh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, việc đi lại khó khăn, đồng thời khuôn khổ chương trình còn hạn hẹp, nên Ban tổ chức không có điều kiện mời tất cả tấm gương về tham dự chương trình giao lưu, gặp mặt.

Các Gương sáng biên cương và đại biểu tham dự chương trình chụp hình lưu niệm tại buổi giao lưu

Độc lập

Trong số 10 điển hình “Gương sáng biên cương”, có chị Nàng Xô Vi, 25 tuổi, cô giáo người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa XV). Nàng Xô Vi được ví là người truyền cảm hứng cho người trẻ, nhất là con em đồng bào dân tộc vùng biên cương, không chỉ miền biên viễn Ia H’Drai (thuộc tỉnh Kon Tum) nơi cô ở và dạy học…

Chị Nàng Xô Vi (váy trắng) cùng các nhân vật "Gương sáng biên cương" khác tham gia giao lưu tại chương trình

lê nam

Trong khi đó, Thào A Dê là “huyền thoại” ở vùng núi rừng Tây Bắc với nghị lực vươn lên và giúp quê hương thay da đổi thịt từng ngày. Anh là diễn viên đóng vai cậu bé người Mông bỏ học để về nhà đi rừng trong bộ phim “Thung lũng hoang vắng” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (năm 2001).

Anh Thào A Dê vượt hàng nghìn km vào TP.HCM tham dự chương trình

lê nam

Thào A Dê là người luôn hết mình vì cộng đồng. Từ ngày làm Bí thư Đoàn phường Ô Quý Hồ (thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), anh A Dê đã lập nên nhiều “kỳ tích” của lòng nhân ái ở nơi bốn mùa mây phủ này. Đó là các dự án thiện nguyện do anh kêu gọi từ cộng đồng để chăm lo cái ăn, cái mặc cho bà con vùng cao…

Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 5 điểm cầu: Đồn biên phòng Pò Hèn (ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); Phòng khám đa khoa quân dân y Axan (ở xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam); Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (ở tỉnh Kon Tum); Công ty TNHH cao su Việt Lào (trụ sở ở Lào) và Công ty cổ phần cao su Chư Sê Kampong (trụ sở ở Campuchia).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.