Với chủ đề “Môi trường xanh cho cánh đồng vàng” và “Vinh danh hạt ngọc Việt”, Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 - Sóc Trăng 2011 sẽ có nhiều hoạt động sâu rộng nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế và người dân trong nước về các tư liệu lịch sử của nền văn minh lúa nước; những nông cụ, vật dụng sinh hoạt trong sản xuất nông nghiệp qua nhiều thế hệ. Đồng thời lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, xúc tiến thương mại và đầu tư; tiếp thị truyền thông hàng hóa nông sản của tỉnh Sóc Trăng và Việt Nam với khách hàng quốc tế... Theo Ban tổ chức, trong tuần lễ tổ chức Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011 sẽ diễn ra các hoạt động chính: Hội chợ triển lãm nhằm tái hiện mô hình công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại; mô hình phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ; triển lãm “Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”; giới thiệu triển lãm về tiềm năng kinh tế nông nghiệp, nông thôn đặc thù, mũi nhọn kinh tế của các tỉnh, thành trong cả nước.
Quảng bá về Festival lúa gạo lần 2 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: T.T.PH |
Tại Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011 còn diễn ra chuỗi các cuộc hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với nhà nông, như: Hội thảo “Đặc sản gạo Sóc Trăng - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”; “Định vị thương hiệu lúa gạo VN - Gạo VN ai bán, ai mua?”… Ngoài ra còn có các chương trình hội diễn, hội thi dự kiến tổ chức song hành, như: bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật, dân ca 3 miền; đêm hội tôn vinh và trao tặng danh hiệu cúp vàng xuất khẩu gạo; các hội thi: Gạo ngon thương hiệu Việt; Đờn ca tài tử Nam bộ; Người đẹp miệt vườn; Nhiếp ảnh Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, chương trình Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011 diễn ra cùng thời điểm Lễ hội đua ghe ngo - Oóc Om Boc của đồng bào Khmer Nam bộ nên có thêm chương trình đua ghe ngo trên sông Maspero (Sóc Trăng). Ban tổ chức cũng xem xét có thể nâng cấp thành Hội đua ghe ngo quốc tế, mời thêm các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar... tham dự. Bên cạnh đó, lễ hội đâm cốm dẹp sẽ tái hiện làng nghề làm cốm dẹp truyền thống tại Sóc Trăng, cùng các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Qua kinh nghiệm từ festival lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, địa phương đề nghị Công ty cổ phần Hội chợ quốc tế & Phát triển nông thôn tiếp tục làm việc với các Tổng lãnh sự quán các nước, các bộ, ngành T.Ư, các doanh nghiệp để vận động tài trợ cho Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011. Ngoài ra, Công ty nên sớm chuẩn bị treo pa-nô, áp phích quảng bá về Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011 trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh thành trong cả nước. UBND tỉnh sẽ nhắc nhở các đơn vị xây dựng khẩn trương thi công các công trình giao thông để phục vụ lễ hội đua ghe ngo. Các sở, ban ngành nên sớm có kế hoạch cụ thể để phối hợp với công ty tổ chức sự kiện lập kế hoạch chi tiết. Tỉnh thành lập các tiểu ban để tích cực tham gia công tác chuẩn bị. Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ bước đầu cho các sở, ban ngành tỉnh thực hiện theo từng lĩnh vực để thực hiện có hiệu quả, thành công chung của festival, đồng thời cố gắng vận động các nhà tài trợ để không sử dụng đến ngân sách nhà nước”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hội chợ quốc tế & Phát triển nông thôn, nói: “Festival lúa gạo lần 2 - Sóc Trăng 2011 thực hiện theo phương châm tiết kiệm triệt để nhưng phải hoạt động chất lượng theo chiều sâu, độc đáo, sáng tạo và hiệu quả. Toàn bộ chi phí tổ chức sẽ được vận động hỗ trợ, không dùng ngân sách nhà nước. Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện Festival lúa gạo lần thứ 2 - Sóc Trăng 2011 đã cơ bản hoàn thành”.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)