Ngày 18.4, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ VH-TT-DL công nhận "lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long" và "nghệ thuật hát bội Vĩnh Long" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di tích Văn Thánh miếu và lễ hội Văn Thánh miếu
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, Văn Thánh miếu Vĩnh Long, tại làng Long Hồ (nay là TP.Vĩnh Long), được khởi công xây dựng năm 1864 và hoàn thành năm 1866.
Sau khi hoàn thành, giới quan lại sĩ phu thành lập hội Văn Thánh miếu để trông nom gìn giữ, tế tự. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là thiết chế văn hóa chính thống của triều đình Huế, được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25.3.1991.
Hằng năm, trong các dịp lễ hội Văn Thánh miếu, người dân Vĩnh Long cùng các tỉnh lân cận và TP.HCM về đây tưởng nhớ tiền nhân hữu công; bày tỏ niềm tự hào về truyền thống văn hóa của vùng đất được mệnh danh "địa linh nhân kiệt".
Nghệ thuật hát bội Vĩnh Long
Hát bội là một nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo, tiêu biểu của dân tộc. Nghệ thuật hát bội gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nghệ thuật hát bội đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của người dân Vĩnh Long qua nhiều thế hệ.
Đến nay, Vĩnh Long vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng 43 nghệ nhân ưu tú, trong đó có 8 nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình hát bội. Gánh hát bội Đồng Thinh của Vĩnh Long được đại diện Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài.
Vĩnh Long là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, trải qua gần 300 năm đã hình thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà. Đến nay, Vĩnh Long có 57 di tích cấp tỉnh, 12 di tích cấp quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sáng 18.4 (tức mùng 10.3), tại nhà thờ Hùng Vương nằm trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo tỉnh tổ chức dâng lễ vật giỗ tổ Hùng Vương.
Tại đây, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đọc văn khấn Quốc tổ Hùng Vương. Trước là dâng vật phẩm để tưởng nhớ, ghi ơn các vua Hùng đã có công dựng nước, sau là cầu mong cho quốc thái dân an.
Ngay sau lễ viếng, mỗi đơn vị, các sở, ban, ngành và địa phương lần lượt đến viếng, thắp hương và dâng vật phẩm lên vua Hùng. Đây là nghi lễ nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng; thể hiện lòng thành kính tri ân của người dân Vĩnh Long đối với tiền nhân, đồng thời giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ, để kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận (0)