Như thành tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 và thành tích của Lê Văn Công tại Paralympic Rio 2016, cả hai đều đứng (hay ngồi) nhận huy chương ở bục cao nhất, với tấm huy chương vàng. Riêng thành tích của Lê Văn Công còn phá kỷ lục thế giới về nâng tạ của người khuyết tật dưới 50 kg với 183 kg.
Còn nhớ, đội tuyển bóng đá nữ VN đã 4 lần vô địch SEA Games, 2 lần vô địch giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á, trong khi đội tuyển bóng đá nam chỉ duy nhất 1 lần vô địch giải bóng đá Đông Nam Á. So ra về thành tích, thì bóng đá nữ VN hơn bóng đá nam VN nhiều lần. Nhưng, ai cũng biết, so về tiền thưởng của nhà nước hay tiền của các tổ chức các cá nhân “thưởng nóng” cho hai đội bóng này, thì đội tuyển bóng đá nam vượt hơn đội tuyển nữ gấp nhiều lần.
Không ai phủ nhận trong thể thao đặc thù, có những đội tuyển mang tính “đại diện” cho môn thể thao ấy nhiều hơn những đội tuyển khác. Như nói tới bóng đá thì người ta nghĩ ngay tới bóng đá nam, hay nói tới Olympic thì nghĩ ngay tới giải Olympic chính thức. Nhưng cũng nên nghĩ lại, vì sao thế giới tổ chức giải Olympic cho người khuyết tật ngay sau giải Olympic chính thức? Vì sao bên cạnh bóng đá nam với các giải vô địch từ quốc gia tới thế giới, còn có giải vô địch bóng đá nữ cũng từ quốc gia tới thế giới?
Với VN, đã có những thời điểm người hâm mộ VN chuộng bóng đá nữ hơn bóng đá nam, vì ở bóng đá nữ người ta nhìn thấy sự trong sáng đẹp đẽ, sự vô tư hồn nhiên cống hiến hết mình của cầu thủ, và không gặp phải những “scandal” của nạn bán độ. Ngay cả thành tích được xem là vô tiền khoáng hậu khi đội tuyển nam futsal VN lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng chung kết Futsal World Cup (và đã có trận thắng đầu tiên hết sức thuyết phục) cũng chưa nhận được sự quan tâm như môn bóng đá nam, dù việc lọt vào vòng chung kết World Cup của môn này còn là chuyện rất xa vời...
Chúng ta cần thành tích của những đội đại diện, của những cá nhân đại diện cho các môn thể thao đỉnh cao, nhưng cũng cần sự công bằng để có thể phát triển hài hòa các môn thể thao dành cho nhiều “đại diện” từ giới tính tới người kém may mắn, người khuyết tật trong xã hội. Đó là quan điểm hết sức nhân bản của một thế giới văn minh, của một xã hội phát triển.
Chúng ta trong quan điểm chính thức chưa bao giờ có sự phân biệt trong thể thao thành tích cao và thể thao “đặc biệt” như thể thao của người khuyết tật. Nhưng trong thực tế, qua chế độ tiền thưởng, qua các phần thưởng của các tổ chức hay cá nhân dành tặng VĐV đạt thành tích cao, thì người ta vẫn nhận rõ ra sự phân biệt ấy. Đã đành, không thể cào bằng, nhưng cũng đừng quá bất cập, nhất là thiếu đi sự công bằng cần thiết. Vì sự công bằng, đó là điều đầu tiên mà thể thao yêu cầu, nó cũng là đạo đức khi đánh giá thể thao và vận động viên. Bởi, có công bằng thì thể thao mới phát triển hài hòa được.
Bình luận (0)