VINIF đắc lực hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

12/01/2024 18:11 GMT+7

Với mức kinh phí tài trợ từ 2 - 10 tỉ đồng cho mỗi dự án KH-CN và nghiên cứu ứng dụng, số dự án thương mại hóa thành công và chuyển giao công nghệ/thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp lần lượt đạt tỷ lệ 21% và 50% là những thống kê đáng mơ ước cho bất cứ một nhà đầu tư, quỹ nào.

Đó là những thành quả mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) có được sau 5 năm nhờ cơ chế tài trợ, quản lý minh bạch, đột phá.

Từ thực trạng thương mại hóa các sản phẩm KH-CN

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, thương mại hóa các sản phẩm KH-CN qua nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò thiết yếu trong xác định tiềm lực, vị thế của một quốc gia. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn dành ngân sách lớn đầu tư cho các hoạt động R&D, chiếm tới 3 - 4% GDP. 

Theo công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2022, 5 quốc gia tiêu nhiều tiền nhất cho R&D là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc, với số tiền tương ứng là 660 tỉ USD, 556 tỉ USD, 194 tỉ USD, 148 tỉ USD và 105 tỉ USD, chiếm từ 2,6 - 5% GDP. 

Việt Nam đứng thứ 55 với mức chi tiêu 900 triệu USD, chiếm 0,4% GDP. Tuy nhiên, nếu tính theo chi tiêu thu nhập đầu người cho phát triển KH-CN, cụ thể là R&D, thì Việt Nam chỉ dành ra 10 USD/người cho hoạt động này, tức đứng thứ 84 trên thế giới.

VINIF đắc lực hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu- Ảnh 1.

Tọa đàm "Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm KH-CN"

VINF

Thực tế cho thấy, đa số các nghiên cứu của Việt Nam vẫn đang đi theo hướng hàn lâm, với kết quả là các công bố quốc tế, hoặc xa hơn là đi đến các phát minh sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Theo các thống kê trên thế giới, tỷ lệ chuyển hóa từ các phát minh sáng chế thành sản phẩm chỉ khoảng 2 - 5%. Theo thống kê của Việt Nam, tỷ lệ các dự án nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu có thể thương mại hóa sản phẩm là 0,9%. 

Rõ ràng, cần một cú hích tiên phong trong việc đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu trong trường đại học; mà đường đi sáng nhất vẫn phải là sự hợp tác, chung tay của các doanh nghiệp trong việc phối hợp với các trường, viện, hoặc tự mình thực hiện các dự án nghiên cứu hướng đến các sản phẩm có tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đến phát huy thế mạnh đầu tư cho khoa học ứng dụng từ nguồn lực tư nhân

Năm 2023 được xem là một năm có nhiều tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của KH-CN khi nhiều cơ chế, chính sách quan trọng dần được hoàn thiện, thúc đẩy ứng dụng vào phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ ra Văn bản 690, trong đó nêu bật điểm "chấp nhận rủi ro, tính đặc thù và độ trễ trong nghiên cứu khoa học". Phó Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Từ các văn bản này, việc sửa đổi về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ được thay đổi. Theo đó, Bộ KH-CN cũng đã trình lên luật KH-CN sửa đổi, tiếp thu các góp ý từ phía các cơ quan trong xã hội.

Ngay trước những sự kiện quan trọng này, tọa đàm "Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm KH-CN " diễn ra vào sáng 26.7.2023 tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ chương trình hội thảo "Dấu ấn 5 năm hoạt động" của Quỹ VINIF đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành trong nước về KH-CN , GD-ĐT.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của những quỹ tư nhân như Quỹ VINIF, với cơ chế tài trợ, quản lý năng động, tầm nhìn hướng đến những nghiên cứu mũi nhọn, mang tính ứng dụng cao, sẽ giúp ích nhiều cho các nhà khoa học trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của mình.

VINIF đắc lực hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu- Ảnh 2.

Thống kê chi tiết tình hình thương mại hóa sản phẩm trong các dự án do Quỹ VINIF tài trợ

VINF

Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, Tập đoàn Vingroup, để sản phẩm nghiên cứu có thể ra thị trường, nhà khoa học cần dấn thân, hy sinh, trang bị kỹ năng để thu hẹp khoảng cách từ phòng thí nghiệm tới người dùng.

"Nhiều nhà khoa học có các ý tưởng tốt nhưng để từ đó trở thành sản phẩm được người dùng đón nhận cần nhiều thứ, từ vốn đến sự năng động của tác giả. Khi nhà khoa học đảm bảo sản phẩm mang lại tiềm năng lớn, Quỹ VINIF sẽ giúp kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu", GS Văn nói.

Theo cách làm này, chỉ sau 5 năm ra đời và phát triển, Quỹ VINIF đã triển khai 7 chương trình tài trợ lớn, hoàn toàn phi lợi nhuận, với tổng kinh phí cho các nhà khoa học đến nay đã là 800 tỉ đồng. Bảy chương trình lớn đó bao gồm các dự án KH-CN, học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, học bổng sau tiến sĩ, đề án hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành khoa học dữ liệu, hội thảo/hội nghị, bài giảng đại chúng/giáo sư thỉnh giảng và lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử. 

Trong đó, chương trình tài trợ dự án KH-CN đạt được những thành quả đáng ghi nhận, có đóng góp nổi bật cho sự phát triển tích cực và bền vững của xã hội, với trên 500 công trình công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, trên 400 sản phẩm các loại, 70 phát minh sáng chế; đặc biệt là nhiều dự án được tài trợ sau khi nghiệm thu đã thương mại hóa, chuyển giao công nghệ, thành lập các doanh nghiệp start-up, spin-off thành công.

Thương mại hóa là đặc trưng của các dự án nghiên cứu do VINIF tài trợ

Trong 5 năm, Quỹ VINIF đã tài trợ cho 117 dự án KH-CN và nghiên cứu ứng dụng, là các công trình mũi nhọn với kinh phí tài trợ từ 2 - 10 tỉ đồng/dự án. Cho đến nay, đã có 34 dự án nghiệm thu và hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ đăng ký, trong đó có nhiều công trình công bố trên tạp chí Q1 cùng các sản phẩm có giá trị và tính ứng dụng cao. 

Một điểm rất đáng chú ý đó là trong số các dự án được nghiệm thu, các dự án thương mại hóa sản phẩm thành công và các dự án chuyển giao công nghệ/thành lập doanh nghiệp start-up, spin-off lần lượt chiếm tỷ lệ lên tới 21% và 50%. Những con số này là rất cao, không chỉ so với mặt bằng chung tại Việt Nam mà có thể so với các dự án R&D tại nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Trung Quốc…

Quả thật, Quỹ VINIF đã và đang trở thành nguồn cảm hứng cho những sự thay đổi về cơ chế quản lý các dự án KH-CN, bên cạnh những tác động tích cực đến môi trường GD-ĐT sau đại học của Việt Nam. Trong năm 2023, với đề xuất tham khảo ý kiến từ Bộ KH-CN, VINIF là quỹ tư nhân góp ý xây dựng luật KH-CN sửa đổi, theo hướng nâng cao mức đãi ngộ cho các nhà khoa học, đồng thời nâng cao tính bền vững cho thị trường KH-CN tại Việt Nam.

Nối tiếp những thành công trong những năm qua, trong năm 2023, Quỹ VINIF vẫn tiếp tục tài trợ mạnh mẽ tới 160 tỉ đồng cho các chương trình nâng tầm KH-CN và GD-ĐT. Trong đó, Quỹ VINIF tài trợ thêm 16 dự án nghiên cứu mới với kinh phí 73 tỉ đồng, tuyển lựa từ 170 hồ sơ đầu vào, thông qua một hội đồng khoa học gồm 400 chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực, trải qua nhiều vòng thẩm định đánh giá.

Với tiêu chuẩn xét chọn cao, ưu tiên các nghiên cứu đảm bảo những yếu tố có thể thương mại hóa sản phẩm trên thị trường, các dự án trên hứa hẹn sẽ tạo ra thêm nhiều doanh nghiệp mới, làm sôi động thị trường KH-CN cho đất nước.

Tính tổng số các chương trình triển khai trong 5 năm qua, Quỹ VINIF đã tài trợ 800 tỉ đồng cho hơn 3.000 nhà khoa học, tạo ra trên 1.000 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế, 500 sản phẩm KH-CN dưới nhiều dạng, 200 giải thưởng KH-CN, hàng trăm sáng chế và giải pháp hữu ích cùng trên 20 doanh nghiệp start-up, spin-off và thương mại hóa các sản phẩm KH-CN, tạo ra doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.