Virapura - kinh đô Hoàn Vương nằm ở khu vực nào?

Nam Hoa
Nam Hoa
17/10/2021 10:00 GMT+7

Một số tài liệu cho rằng kinh đô Champa thời Hoàn Vương nằm ở lãnh thổ xứ Kauthara (Khánh Hòa) bởi khu đền tháp Po Nagar do các vị vua Hoàn Vương xây dựng - dựa theo một số bia ký tại cụm đền tháp Po Nagar ở TP.Nha Trang. Nhưng thực tế không phải như vậy...

Từ những kết quả nghiên cứu giá trị...

Trong bài viết trước đây về tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận đã chỉ ra rằng, với những kết quả nghiên cứu khảo cổ gần đây, cụm đền tháp Hòa Lai trên đất Panduranga thời Hoàn Vương có quy mô còn lớn hơn cụm đền tháp Po Nagar ở Kauthara (Khánh Hòa).

Sách Vương quốc Champa xuất bản lần đầu năm 1910, được G. Maspero sử dụng những nguồn sử liệu rất có giá trị, gồm những văn khắc cổ bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ được chuyển ngữ bởi các chuyên gia nổi tiếng về cổ ngữ thời đó, thêm nữa là các các thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam đề cập tới vương quốc Champa xưa. G. Maspero viết trong Vương quốc Champa (NXB Khoa học xã hội, 2020) về một bia ký Champa cổ có ghi lại như sau: “… Satyavarman cư ngụ ở Panduranga, nơi mà tổ tiên ông đã sống và chú ông là Prithivindravarman đã sống trước ông…”.

Cụm Tháp Bà Po Nagar ở cửa sông Cái - TP. Nha Trang (Khánh Hòa)

NAM HOA

Vua Satyavarman là cháu gọi Prithivindravarman bằng cậu và là vị vua thứ hai của vương triều Panduranga, kế vị Printhivindravarman năm 774 khi Prithivindravarman chết trận lúc chỉ huy quân Champa chống trả quân Java đổ bộ vào vùng Kauthara. Với chi tiết trên, G. Maspero đã nhận định rằng, ít nhất hai vị vua đầu tiên của Hoàn Vương đã đóng đô ở đất Panduranga, chứ không phải ở Kauthara.

Trong tài liệu Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Huy nói chi tiết hơn: “… việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố Sư tử hay Trà Kiệu, Quảng Nam) về Virapura (thành phố Hùng Tráng - nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận)…”.

... đến sự trùng hợp với truyền thuyết địa phương

Các địa danh cũ được nhắc tới trong tài liệu của ông Nguyễn Văn Huy, đến nay đều đã thay đổi, nhưng vẫn còn một địa điểm mang cái tên Hòa Trinh ở phía nam TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 30 km, đó là ga đường sắt Hòa Trinh nằm tại thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Khu vực này cách TP.HCM khoảng 310 km.

Về địa danh Palai Bachong mà ông Nguyễn Văn Huy nói đến, palai hay palei nghĩa là “làng”, Palai Bachong nghĩa là “làng Bachong”, rà lại các palei Chăm ở khu vực phía Nam Phan Rang, có một palei có tên gần tương tự: palei Bhơng Con (làng Chung Mỹ), thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Di tích khu đền tháp Hòa Lai ở phía bắc TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)

NAM HOA

Palei Bhơng Con vốn tách ra từ palei CaKlaing (làng dệt Mỹ Nghiệp). Làng Mỹ Nghiệp là vùng đất nổi tiếng, có lịch sử và văn hóa lâu đời, được nhiều người biết đến. Rất có thể vùng Phước Dân xa xưa là nơi vương triều Panduranga đặt kinh đô Virapura.

Thêm một chi tiết có liên quan đến việc kinh đô Virapura rất có thể từng được xây dựng ở vùng đất phía nam TP.Phan Rang - Tháp Chàm là trong tài liệu Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam có đoạn viết về vị vua thứ hai của vương triều Panduranga: “Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện”.

Cây Kraik, đến thời vua Po Romé ở thế kỷ 16 (khoảng 8 thế kỷ sau thời của Satyavarman) đã xuất hiện trong truyền thuyết Chăm là một loại cây thần bản mệnh của vương triều Champa. Vùng thị trấn Phước Dân ngày nay lại thuộc khu vực cúng tế ở tháp Po Romé, rất có thể phong tục trồng cây Kraik đã được lưu truyền tại vùng này từ thời Satyavarman?

Và khi kể về thời của vị vua cuối cùng của giai đoạn Hoàn Vương, tài liệu đã dẫn viết: “Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên (khu đền tháp) Po Nagar, Senapati Par (vị tể tướng phụ chính cho vị vua Vikrantavarman còn nhỏ tuổi) cho xây thêm hai tháp mới… Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.