Đó là thông tin Bộ NN-PTNT phản ánh trong báo cáo gửi đến lãnh đạo Chính phủ liên quan đến công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và đảm bảo nguồn cung thịt lợn.
Cụ thể, theo Bộ NN-PTNT, thống kê báo cáo từ các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, trong tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 4.500 tấn thịt lợn. Trong đó, thịt lợn nhập khẩu từ các nước Đức, Ba Lan, Brazil và Mỹ .
Theo thống kê từ 11.2019 đến nay, sản lượng thịt lợn nhập khẩu về để bù đắp thiếu hụt thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi, bình ổn giá thịt lợn trong nước là khoảng 17.421 tấn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra ở nhiều quốc gia gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Phía đơn vị cung cấp thịt lợn xuất khẩu thường dựa trên kế hoạch và hợp đồng ký trước từ 3 - 5 tháng. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu cần có số vốn lớn vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỉ đồng.
Đặc biệt, diễn biến mới đây của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, trong đó có việc nhập khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó trong việc đi lại, di chuyển sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Để hỗ trợ thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn đạt chỉ tiêu 100.000 tấn theo chỉ đạo của Chính phủ góp phần bình ổn nguồn cung, Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp với các doanh nghiệp bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.
Bộ NN-PTNT đề nghị và Bộ Công thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn, tìm kiếm sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Bình luận (0)