Virus HPV rất dễ lây lan

28/05/2012 09:20 GMT+7

Cũng như các loại vắc-xin khác, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa nhiễm HPV không có hiệu quả phòng bệnh 100%

Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là virus Human Papilloma Virus (HPV). Đây là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tại hội thảo cập nhật thông tin liên quan đến an toàn tiêm chủng và HPV vắc-xin, tổ chức tại TP Nha Trang, ngày 26-5.

Vấn đề còn được khẳng định chắc chắn nữa khi mà các phân tích về bệnh học đã chứng minh được rằng HPV có mặt trong 99,7% trường hợp ung thư tế bào gai ở cổ tử cung. Tuy vậy, các chuyên gia dịch tễ cũng khẳng định rõ là HPV có tới 100 tuýp nhưng chỉ 13 tuýpgây ra ung thư cổ tử cung, đặc biệt 2 tuýp mang tên HPV 16 và HPV 18 chính là thủ phạm của hơn 70% trường hợp.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy hằng năm có khoảng 490.000 phụ nữ trên toàn cầu mắc bệnh ung thư cổ tử cung và hơn 270.000 phụ nữ trong số này tử vong. ThS-BS Lê Thị Kim Dung, giảng viên Bộ môn Sản của Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết ở nước ta, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ước tính của WHO cho thấy hằng năm, nước ta có khoảng 6.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới phát hiện và khoảng 3.000 trường hợp tử vong.

Con đường lây nhiễm của HPV, theo TS-BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TPHCM, chính là nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo chứ không qua đường máu hoặc qua các dịch khác của cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo...). Tuy nhiên, HPV lại có khả năng lây lan dễ dàng và rộng rãi do hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có biểu hiện triệu chứng. Hơn nữa, đa sốngười nhiễm không hay biết mình nhiễm nên vô tình truyền bệnh cho bạn tình. Nam cũng như nữ đều có khả năng bị HPV tấn công. Riêng ở nữ giới, nguy cơ nhiễm cao nhất là ở thời điểm bắt đầu có quan hệtình dục và nhiều trường hợp nhiễm dai dẳng ở cổ tử cung tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Nếu các tổn thương này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỉ lệ lành khá cao.

Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, hiện đã có vắc-xin phòng ngừa nhiễm HPV và ở tầm quốc gia thì từ năm 2008, nước ta đã có dự án triển khai tại 4 quận, huyện của TP Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa để đánh giá các chiến lược tiêm vắc-xin này nhằm xem xét khả năng triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, cũng như các loại vắc-xin khác, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa nhiễm HPV không có hiệu quả phòng bệnh 100% mà chỉ có tác dụng phòng được các trường hợp ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2tuýp HPV 16 và 18 và một vài tuýp nguy cơ cao khác.

Hiệu quả phòng ngừa cao nhất của vắc-xin phòng ngừa HPV cũng được PGS-TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định là ở những người chưa tiếp xúc với virus, tức là chưa có quan hệ tình dục. Đối với những trường hợp đã nhiễm một trong các tuýp HPV có trong vắc-xin trước khi tiêm thì vắc-xin chỉ có tác dụng bảo vệ cơ thể không nhiễm các tuýpcòn lại của vắc-xin.

Theo ThS-BS Trần Đặng Ngọc Linh, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, với phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên thường xuyên đi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung để điều trị kịp thời, ngăn chặn các tế bào tiền ung thư phát triển thành các tế bào ung thư cổ tử cung.

Theo Người Lao Động

>> Bạn biết gì về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục?
>> Đề phòng bệnh lây nhiễm để tránh bị ung thư
>> HPV liên quan nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.