Vlog đã và đang trở thành trào lưu được đông đảo cư dân mạng đặc biệt yêu thích. Vlog là blog truyền tải nội dung dưới dạng clip, trong đó tác giả dùng lời nói, động tác của mình để truyền tải nội dung đến khán giả.
Vlog xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam từ năm 2011, bắt đầu từ Vlog có tên “Bạn nghĩ là bạn giỏi tiếng Anh”, “Xin tiền một thằng Tây” của duhocsinhmy, kế đến là Vlog của Jvevermind phản pháo lại duhocsinhmy “(RE: duhocsinhmy) “tán gái” + “xin tiền một thằng Tây” = giỏi tiếng Anh” đã gây sóng gió trong cộng đồng trẻ Việt.
|
Không khó để bắt gặp những Vlog được các thành viên liên tục đăng tải trên YouTube, mạng xã hội. Vlog nhận được sự quan tâm không nhỏ của cộng đồng mạng. Dưới mỗi Vlog là hàng ngàn lượt yêu thích và những lời tán dương. Nổi bật nhất trong số đó là Vlog có tên: “Thời đi học - Bắt nạt nhau” của Vlogger Jvevermind với 2.020.577 lượt xem và hơn 42.600 lượt thích, Vlog “Bạn nghĩ mình cá tính?” của Vlogger An Nguy với hơn 371.000 lượt xem và gần 15.000 lượt thích, “Công nghệ và cuộc sống” của Huyme production cũng gây sóng gió khi nhận được 12.732 lượt thích.
Vlogger An Nguy (tên thật là Ngụy Thiên An) chia sẻ: “Thực ra ý định ban đầu của mình cũng chỉ là quay cho bạn bè ở nhà xem với nhau thôi, vì mình ở xa mà bạn bè lại muốn được nhìn thấy nhau. Cách đây vài năm mình cũng từng làm một vài video như thế, chỉ có điều là không chia sẻ lên YouTube. Lần này mình chia sẻ lên YouTube nên nhiều bạn đã đem chia sẻ lại nên mới được nhiều người biết đến”.
Một Vlog thường kéo dài khoảng từ 3 đến 10 phút, bàn về những vấn đề khá thời sự hiện nay như: “giáo dục hóc xương gà”, “văn hóa dùng điện thoại”, “fan cuồng Kpop”, “bụi đời Chợ Lớn”... Hay những vấn đề hết sức gần gũi, cần thiết đối với giới trẻ: “bạn thân”, “những điều cần cân nhắc trước khi đi du học”, “ra ở riêng”. Các Vlogger nêu ra quan điểm bằng những lập luận chặt chẽ, thể hiện cá tính độc đáo của mình.
Điểm khác lạ trong Vlog là phong cách của người nói thay đổi liên tục. Phong cách ấy thể hiện qua biểu cảm của nét mặt, qua các bối cảnh tự dàn dựng. Một người có thể đóng hai vai như anh chàng Jvevermind đóng giả gái để giả giọng mẹ hoặc bạn gái, nét mặt siêu dễ thương của cô nàng An Nguy, phong cách rất quái dị của anh chàng điển trai Lamvietanh… Việc nghe kết hợp với nhìn sẽ gây thích thú hơn cho độc giả, nội dung dễ được tiếp thu hơn các chữ viết rất nhiều.
Vlogger An Nguy chia sẻ: “Theo mình thì tùy thuộc vào mục đích của Vlog mà có những nét khác nhau để thu hút người xem. Xét một cách khái quát thì việc chọn chủ đề tốt, cách phân tích vấn đề theo nhiều mặt cộng với cá tính của mỗi người sẽ để lại ấn tượng với người xem”.
Quy trình làm Vlog luôn khó khăn và đòi hỏi cao hơn blog rất nhiều. Vlogger cần đáp ứng được một số điều kiện tất yếu như: ăn nói lưu loát, tự tin để có thể thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng và thuyết phục; khả năng “đề kháng” cao đối với những nhận xét từ cộng đồng...
Thanh Hiền - Ngọc Thiện
>> Cư dân mạng nhốn nháo vì.... cúp điện
>> Cư dân mạng tranh cãi vụ tạc tượng thủ khoa
>> 24 giờ bi kịch của một hot girl cư dân mạng
>> Cư dân mạng "nóng" với clip cướp giật táo tợn
>> Chú ý tập hợp bạn trẻ cư dân mạng
Bình luận (0)