Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong cảm ơn Quốc hội VN đã giúp IPU tổ chức rất thành công hội nghị. Sau 3 phiên họp với 5 chủ đề, 1 ngày đi thực tế tìm hiểu cuộc sống người dân tại vùng đất ngập nước H.Cần Giờ, TP.HCM, hội nghị đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra và thành công tốt đẹp. Các đại biểu đánh giá cao vai trò chủ nhà của VN.
Tại buổi họp báo, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, cho biết Chính phủ VN đã quan tâm đầu tư 61 dự án, trị giá 15.000 tỉ đồng nhằm phòng chống tình trạng BĐKH và nước biển dâng. Đảng, Nhà nước VN đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm để các khu vực, các đối tượng người dân thích ứng tốt hơn với tình trạng BĐKH. Đồng thời huy động được nhiều nguồn lực tư nhân, sự hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức nước ngoài vào các dự án phòng chống BĐKH, đảm bảo sinh kế và ổn định cuộc sống người dân.
Trước đó, phát biểu tại phiên bế mạc, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội VN Tòng Thị Phóng cho rằng BĐKH là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân. Hội nghị đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các quốc hội nhằm ứng phó kịp thời với BĐKH và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội cho rằng việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Kết quả hội nghị cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ tại hội nghị sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và những nghị viện thành viên khác của IPU thời gian tới.
Tại hội nghị đã công bố bộ tiêu chí tự đánh giá do IPU và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xây dựng. Như vậy, đây là lần đầu tiên quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bình luận (0)