Theo công bố, Biểu cam kết về hàng hóa của Việt Nam khi vào WTO có tới 3.800 dòng thuế sẽ phải cắt giảm. Cụ thể, Việt Nam cam kết ràng buộc với toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu hiện hành, gồm 10.600 dòng thuế. Thuế suất cam kết cuối cùng sẽ giảm còn 13,4% so với mức thuế hiện hành là 17,4%. Thời gian thực hiện là sau 5 - 7 năm.
Trước mắt các mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế ngay đầu năm 2007 gồm 1.812 dòng thuế, chiếm 17% biểu thuế, mức cắt giảm bình quân 44% so với hiện hành. Theo bà Nguyễn Thị Bích, đây là các mặt hàng đang có thuế suất cao từ 30% trở lên và chủ yếu là hàng tiêu dùng nên đa số người dân sẽ được hưởng lợi; riêng ngành dệt may có mức cắt giảm thuế tương đối lớn, sẽ có tác động quan trọng tới sản xuất và giá cả của nhóm hàng dệt may. Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều từ cạnh tranh của hàng nhập khẩu do việc giảm thuế (ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch nhập khẩu) gồm: các sản phẩm gỗ, giấy, ô tô, xe máy, sản phẩm hóa chất, đồ nhựa, dệt may, máy móc thiết bị các loại...
Đặc biệt các mặt hàng như mỹ phẩm các loại, xà phòng giảm 20 - 40%, đồ trang sức bằng kim loại quý, đá quý, ngọc trai giảm 25%, quạt điện giảm 25%, một số linh kiện chính của xe ô tô giảm 10 - 17%, bánh kẹo các loại giảm 20 - 30%, một số dầu thực vật giảm 20 - 40%.
Một số mặt hàng giảm thuế nhập khẩu 1.2007 Bia giảm 20%; Sản phẩm nhựa dùng trong gia đình giảm 20%; Hàng dệt may giảm 63%; Giày dép mũ các loại giảm 20%; Đồng hồ các loại giảm 25%; Chè giảm 20%; Thịt chế biến (hộp) giảm 20%; Gạch ốp giảm 17%; Đồ sứ giảm 17 - 20%; Thủy tinh, kính giảm 10%; Một số loại ắc quy giảm 20%; Một số hàng tạp hóa khác giảm 20 - 25%. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng, gồm: trứng, đường, thuốc lá lá, muối (muối trong WTO không được coi là mặt hàng nông sản). Đối với 4 mặt hàng này, mức thuế trong hạn ngạch là tương đương mức thuế MFN hiện hành (trứng 40%, đường thô 25%, đường tinh 50-60%, thuốc lá lá: 30%, muối ăn 30%), thấp hơn nhiều so với mức thuế ngoài hạn ngạch.
Ngoài ra, đối với các loại phí và lệ phí áp dụng với dịch vụ công, Việt Nam cam kết sẽ áp dụng các loại phí và lệ phí theo quy định của WTO. Cụ thể là mức phí sẽ phản ánh đúng giá trị của dịch vụ được cung ứng. Mức phí quá cao đang được áp dụng với một số dịch vụ (chủ yếu là phí hải quan) sẽ phải điều chỉnh giảm.
Hiện nay, bình quân các ngành có mức bảo hộ thực tế khoảng 30%, việc cắt giảm thuế theo cam kết WTO sẽ giảm mức độ bảo hộ chung này xuống chỉ còn khoảng 15%, giảm 50%. Mức độ chênh lệch về bảo hộ giữa các ngành sẽ thu hẹp đáng kể, những ngành bảo hộ cao hiện nay sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
X.D
Bình luận (0)