Nhân công rẻ không phải là lợi thế
Theo Giáo sư Michael Porter, xây dựng chiến lược cạnh tranh của quốc gia chính là tạo ra nét đặc biệt cho quốc gia của mình trong khu vực và trên thế giới. Dẫn chứng Singapore, Giáo sư Michael Porter phân tích, Singapore không có tài nguyên, không có diện tích rộng lớn, không có dân số hùng mạnh nhưng Singapore đã tận dụng tối đa lợi thế trung tâm của mình để xây dựng chiến lược trở thành trạm trung chuyển toàn cầu và đã thành công.
Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là, ngành may mặc, da-giày, đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu ra các nước trên thế giới nhiều như vậy tại sao Việt Nam không đặt chiến lược trở thành trung tâm thiết kế của thế giới? Việt Nam có một địa hình thuận lợi với bờ biển kéo dài, tại sao Việt Nam không thể trở thành cửa ngõ cho các quốc gia muốn tiếp cận với biển? Tại sao Việt Nam không trở thành trung tâm hậu cần kho vận cho thế giới khi mà Việt Nam là tổng cung nhiều mặt hàng thiết yếu trên thế giới? Trong mắt các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến nhân công giá rẻ và Việt Nam cũng coi đây là lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng theo Giáo sư Michael Porter, "lương thấp không phải là thành công và các bạn phải làm thế nào để có lương cao hơn". Những thành công trong xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã quá cao, quá nóng, không thể cao hơn nữa. Chính vì vậy, tăng trưởng trong quá khứ không phải là vấn đề phải quan tâm mà vấn đề là phải duy trì như thế nào, làm thế nào để định vị vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới hay nói cách khác, làm thế nào để xây dựng một chương trình hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
“Một số công ty đặt mục tiêu chiến lược là phải cạnh tranh để trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Đây là tư duy nguy hiểm... GS M.Porter |
Độc đáo chứ không phải là số 1
Đó là lời khuyên của Giáo sư Michael Porter đối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược cho mình. Theo ông, phần lớn công ty trên thế giới đã và đang làm việc chăm chỉ nhưng không có chiến lược cụ thể. Một số công ty có xây dựng chiến lược nhưng lại sai lầm khi đặt mục tiêu của chiến lược là phải cạnh tranh để trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Đây là một tư duy nguy hiểm, vì theo thời gian, sẽ không có công ty nào là số 1, không có sản phẩm nào là tốt nhất. Sản phẩm hay dịch vụ tốt nhất phụ thuộc vào chính nhu cầu của người sử dụng. Câu trả lời là không phải có cái tốt nhất mà là cái độc đáo nhất. Đây chính là nền tảng tư duy để hình thành chiến lược công ty. Thách thức của chiến lược này là đưa ra cái độc đáo mà đối thủ của mình không có chứ không phải đưa ra những sản phẩm giống nhau và các suy nghĩ giống nhau. Để xây dựng chiến lược công ty thì xác định vị thế của công ty trong ngành đang hoạt động và phân tích cấu trúc ngành đó là việc không thể thiếu.
Giáo sư Michael Porter đã đưa ra một số ví dụ thành công trên thế giới từ việc xây dựng chiến lược đúng đắn dựa trên các tiêu chí trên như công ty cho thuê xe số 1 tại khu vực Bắc Mỹ Enterpise Rent-A-Car của Mỹ với chiến lược cung cấp xe hơi thay thế tại chỗ cho các tài xế đang đưa xe đi sửa chữa hoặc những người cần thêm một xe nữa để đi lại với mức phí thấp. Hay Công ty IKEA chuyên sản xuất và bán đồ nội thất của Thụy Điển với chiến lược cung ứng đồ nội thất có phong cách, tiết kiệm không gian, có thể nâng cấp được. Một chiến lược thành công là phải đem lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo Giáo sư Michael Porter, một chiến lược thành công phải đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp trong dài hạn chứ không phải chớp nhoáng, chụp giật như nhiều doanh nghiệp đang làm hiện nay.
Giáo sư Michael Porter là một nhà tư tưởng chiến lược xuất sắc của thế giới, một trong những giáo sư lỗi lạc trong lịch sử của Đại học Harvard (Mỹ), được mệnh danh là “Cha đẻ chiến lược cạnh tranh”. Những lý thuyết, mô hình về chiến lược và cạnh tranh của ông đã được giảng dạy ở khắp các trường kinh doanh trên thế giới. Những cuốn sách kinh điển của ông như Lợi thế cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh quốc gia đã trở thành sách gối đầu giường của giới kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trong nhiều thập kỷ nay. Ông cũng là Chủ tịch của bảng xếp hạng "Năng lực cạnh tranh toàn cầu" (Global Competitiveness Report) đã trở thành thước đo quan trọng giúp các quốc gia trên thế giới biết được mình đang đứng ở đâu và tự đánh giá về năng lực cạnh tranh của mình. |
Nguyên Hằng
Bình luận (0)