(TNO) Danh ‘công xưởng thế giới’ của Trung Quốc sẽ thuộc về các nước khu vực Đông Nam Á trong 10 - 15 năm tới. Các nhà sản xuất thế giới sẽ bị thu hút bởi thế mạnh của Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia...
Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp xe Piaggio ở Việt Nam - Ảnh: Reuters
|
Bloomberg hôm nay 29.4 đưa tin các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ cho rằng với hai yếu tố là lực lượng lao động trẻ, rẻ và vị trí chiến lược, Đông Nam Á sẽ sớm thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”.
“Chúng tôi tin rằng Đông Nam Á sẽ lấy danh “công xưởng của thế giới” từ Trung Quốc trong vòng 10 đến 15 năm tới vì các công ty sẽ tận dụng lực lượng lao động phong phú và rẻ của các vùng như sông Mê kông”, các chuyên gia kinh tế của ANZ cho biết.
Các chuyên gia này nhận định: “Hầu hết các nước thành viên của ASEAN nằm ở ngã ba Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các thành viên trên đất liền của ASEAN lại nằm giữa hai nước đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ. Tiếp cận với các tuyến đường bộ và hàng hải cho phép ASEAN tham gia vào mạng lưới sản xuất đang mở rộng của châu Á".
Đến năm 2030, hơn một nửa số dân 650 triệu người ở Đông Nam Á sẽ có độ tuổi dưới 30, một phần của tầng lớp trung lưu mới nổi với mức chi tiêu cao.
Kết nối giữa những nơi có lao động với giá rẻ như Myanmar, Campuchia và Lào, các nhà sản xuất hiệu quả ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các hãng sản xuất kỹ thuật cao hơn ở Singapore và Malaysia sẽ hỗ trợ sự chuyển đổi này.
Chuyển “công xưởng của thế giới” từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á sẽ là một phần trong mục tiêu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang vươn lên trở thành “trụ cột thứ ba” của tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngân hàng ANZ ước tính các nước ASEAN có thể nâng giá trị thương mại nội khối lên đến 1 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN từ các nền kinh tế lớn, vốn từng vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2013, có thể lên đến 106 tỉ USD trong năm 2025.
Bình luận