VN trong cuộc đua du lịch ASEAN

16/11/2016 07:25 GMT+7

Nhiều chuyên gia nước ngoài kêu gọi VN phát huy thế mạnh riêng để xây dựng thương hiệu du lịch và không bị tụt hậu trong cuộc đua mới.

Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), trong vòng 10 năm tới, ngành du lịch Đông Nam Á sẽ chứng kiến một đợt phát triển “bùng nổ” mới với tốc độ phát triển du lịch hằng năm cả khối sẽ đạt 6,2%.
Vốn đầu tư cho du lịch ước đạt trên 780 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng đầu tư ở khu vực trong giai đoạn từ nay đến năm 2026. Trong báo cáo Đầu tư du lịch và lữ hành ASEAN vừa công bố, WTTC cho biết tổng số du khách đến ASEAN hằng năm hiện nay vào khoảng hơn 105 triệu người và con số này sẽ tăng mạnh trong vòng một thập niên tới. Vì thế, khu vực sẽ chứng kiến một cuộc đua mới vô cùng quyết liệt giữa các thành viên ASEAN.
Theo ông David Scowsill, Chủ tịch WTTC, dù kinh tế toàn cầu trì trệ nhiều năm qua nhưng nhiều người vẫn không giảm thói quen du lịch, trong khi Đông Nam Á có lợi thế là “điểm đến an toàn” so với nhiều nơi khác do nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố thường xuyên là tương đối nhỏ. Trong đó, VN được dự báo sẽ nằm trong nhóm 5 nước ASEAN sẽ chạy đua quyết liệt trong đầu tư du lịch, bên cạnh Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, trong nhóm này thì Singapore và Indonesia đang dẫn đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để đón đầu tăng trưởng du lịch còn Thái Lan và Malaysia ráo riết chạy đua. Trong khi đó, một số chuyên gia đánh giá VN dường như chưa có sự chuẩn bị đúng mức cho cuộc cạnh tranh mới.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Tim Russell, người từng làm du lịch ở VN từ năm 2003 và đang mở công ty du lịch tại Thái Lan, nhận định phát triển du lịch VN đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây như nới lỏng thị thực nhập cảnh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. “Theo tôi, VN chưa xây dựng được thương hiệu du lịch, di sản thì tiếp tục bị tổn hại trong khi các vấn đề về môi trường vẫn còn là mối quan ngại lớn”, ông nói. Theo ông, VN được xem là điểm du lịch văn hóa, phiêu lưu và trải nghiệm nhưng chưa thu hút du khách quay lại như Pháp, Tây Ban Nha ở châu Âu hay Thái Lan ở Đông Nam Á. Sắp tới, VN sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn cạnh tranh về bãi biển, mua sắm hay các dịch vụ về đêm với Thái Lan, cạnh tranh về hạ tầng và điểm du lịch với Singapore hay về di sản với Campuchia. “Do đó, VN cần tận dụng thế mạnh riêng của mình là nét văn hóa cuộc sống đường phố, thức ăn đường phố cũng như cảnh quan tuyệt vời ở nông thôn và đồi núi để làm nên thương hiệu riêng”, ông nhận định.
Ông Mark Bowyer, người có 25 năm kinh nghiệm làm du lịch ở VN và sở hữu một tạp chí về du lịch VN - Campuchia - Lào, cho biết cuộc đua trong thập niên tới sẽ hướng đến những du khách “chất lượng” và VN cần đầu tư nhiều hơn vào văn hóa, không gian công cộng và môi trường thiên nhiên. “Đây là những thế mạnh sẵn có của VN nhưng cũng chính là những lĩnh vực bị quên lãng trong 2 thập niên qua”, ông nói. Ngoài ra, ông Bowyer cho rằng VN cần cải tiến hơn nữa thủ tục và miễn giảm phí thị thực. “Thái Lan đã đi trước về khía cạnh này và đã tận hưởng những thành công mà đúng ra VN phải được hưởng nhờ tiềm năng vượt trội”, ông nói, đồng thời cảnh báo về phát triển du lịch thiếu bền vững, gây tổn hại đến di sản và môi trường.
Thái Lan thu phụ phí hàng không
Từ ngày 15.11, Thái Lan bắt đầu áp dụng quy định buộc tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến và đi phải trả thêm phí 15 baht/người (gần 10.000 đồng), theo tờ The Nation. Tiền thu được sẽ dùng để nâng cấp ngành hàng không, trong đó có việc nâng cao an toàn bay. Theo Hiệp hội Du lịch Thái Lan, trong năm 2016, nước này đón 32 triệu du khách và hơn 6 triệu người Thái ra nước ngoài. Từ đó, các chuyên gia tính toán phụ phí mới có thể mang về hơn 31 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia du lịch cũng lên tiếng phê phán chính phủ Thái Lan để Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế can dự vào quá trình ra quyết định thu thêm phí cũng như sẽ hưởng một phần số tiền thu được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.