Chính thức khai mạc tại Campuchia từ ngày 5.5.2023, SEA Games 32 là kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp đưa thể thao điện tử (eSports) vào nội dung thi đấu chính thức tranh huy chương. Trong tổng số 6 môn thi đấu được công bố, có tới 4 tựa game đang do VNGGames phát hành, gồm: PUBG Mobile, Mobile Legends: Bang Bang, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và VALORANT. Trong đó, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến, Mobile Legends: Bang Bang và VALORANT sẽ thi đấu theo thể thức đồng đội, riêng PUBG Mobile được đón chờ với 2 nội dung thi đấu là đồng đội và cá nhân.
Theo Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), đây đều là những tựa game eSports đang có hoạt động phong trào phổ biến, có giải đấu chuyên nghiệp trong nước và thành tích thi đấu quốc tế ấn tượng. Tại SEA Games 32, VIRESA đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Liên đoàn Thể thao điện tử Campuchia EFC. Theo đó, VIRESA sẽ hỗ trợ toàn lực, truyền lại kinh nghiệm và tiếp lửa để Liên đoàn Thể thao điện tử Campuchia có thể tổ chức bộ môn thể thao điện tử tại SEA Games 32 thành công. Là đối tác chiến lược của VIRESA, VNG đã phối hợp chặt chẽ cùng VIRESA tổ chức tuyển chọn vận động viên, sử dụng chính các giải đấu chuyên nghiệp do VNG tổ chức làm thước đo đánh giá năng lực các tuyển thủ. Năm nay, ngoài những gương mặt quen thuộc, có khá nhiều vận động mới lần đầu tham dự SEA Games. Các đội tuyển tham gia thi đấu sẽ được doanh nghiệp tài trợ chi phí trong quá trình tập luyện, đào tạo.
Đáng chú ý, giải đấu eSports giao hữu tiền SEA Games mang tên SEA Esports Championship 2023 đã được VIRESA và VNG tổ chức thành công trong tháng 3/2023. Đây là giải đấu có quy mô toàn khu vực, tạo cơ hội cho các đội tuyển quốc gia giao lưu và cọ xát kinh nghiệm đối với 3 bộ môn PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và VALORANT trước khi bước vào thực chiến tại SEA Games 32.
"Năng lực của VNG đã được chứng minh rất rõ qua nhiều hoạt động từ trước đến nay và toàn diện từ các khâu tổ chức, sản xuất, truyền thông cho đến hỗ trợ và đào tạo vận động viên thi đấu, đặc biệt là kỳ SEA Games 31 vừa qua. Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng khi lựa chọn VNG làm đối tác chiến lược cho SEA Games 32 lần này." ông Đỗ Việt Hùng, Tổng thư ký VIRESA chia sẻ.
SEA Games 32 là lần đầu tiên Campuchia đảm nhận vai trò đăng cai đại hội thể thao Đông Nam Á và cũng là lần đầu tiên một giải đấu eSports tầm cỡ khu vực diễn ra tại quốc gia này. Vì vậy, cùng với VIRESA, VNG đã tích cực hỗ trợ nước chủ nhà tổ chức vận hành và quảng bá các bộ môn do VNGGames phát hành.
Cụ thể, VNG đã phối hợp cùng với các nhà phát triển và các tổ chức eSports toàn cầu quảng bá cho các bộ môn thi đấu và điều chỉnh lịch các giải eSport để tránh ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của các vận động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho SEA Games 32. Trong vai trò nhà phát hành, VNG luôn chủ động tư vấn chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm quảng bá cũng như tổ chức giải đấu cho nước chủ nhà.
Đặc biệt, VNG đã trực tiếp đưa một số thiết bị, máy móc lớn, chuyên dụng cho khâu sản xuất và phát sóng giải đấu sang Campuchia từ sớm, đồng thời cử đội ngũ nhân sự gồm 35 người có chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn tới SEA Games để hỗ trợ Ban tổ chức. "Chúng tôi mong muốn SEA Games 32 tại Campuchia sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa những giá trị của thể thao điện tử cũng như tinh thần đoàn kết, tương trợ trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện eSports trong khu vực. Điều này cũng thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy phong trào thể thao điện tử tại toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á", ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi Trực tuyến của VNG cho biết.
Trước đó, tại kỳ SEA Games 31, VNG cũng là đối tác đồng hành chặt chẽ cùng đoàn thể thao eSports Việt Nam, khi vừa tham gia tổ chức và vận hành giải đấu, vừa tài trợ cả kinh phí lẫn nguồn lực cho Ban tổ chức, góp phần vào thành tích đáng tự hào 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc của đội tuyển.
Nhờ dân số trẻ, am hiểu công nghệ, Việt Nam đang là một trong những quốc gia giàu tiềm năng phát triển eSports nhất trong khu vực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021, ước tính cứ 10 người thì có 2 người chơi game eSports (thể thao điện tử). Còn theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành game trong nước đã đạt hơn 7.000 tỉ đồng năm 2021 và tăng lên mốc hơn 10.000 tỉ đồng vào năm 2022.
Bình luận (0)