Không chỉ quyết định lược bỏ những môn môn thể thao nằm trong hệ thống của Olympic như bắn cung, bắn súng, canoeing, rowing,... chủ nhà Campuchia còn đưa vào những môn truyền thống của quốc gia này vào chương trình thi đấu, là võ Bokator, Kun Khmer và cờ Ouk Chaktrang (cờ ốc).
Võ Bokator
Võ Bokator có luật thi đấu mang đặc trưng riêng không giống bất kì môn võ nào từng xuất hiện tại SEA Games. Khi lên sàn đấu, vận động viên võ Bokator đeo găng hở ngón tương tự găng võ thuật tự do (MMA), đeo mũ - giáp - bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Ngoài ra, các võ sĩ mặc quần ngắn thi đấu đặc trưng, kèm khố truyền thống của người Campuchia. Một trận đấu của môn Bokator diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, thời gian nghỉ là 1 phút giữa các hiệp.
Về phương thức tính điểm, vận động viên được công nhận điểm dựa vào 4 cách tấn công: đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia võ thuật Việt Nam, môn võ Bokator có nhiều nét tương đồng với võ cổ truyền Việt Nam. Dù có một số ít những điểm khác biệt về động tác, nhưng cơ bản môn này vẫn cùng sở hữu các đòn đấm, đá, chỏ, gối hay vật ngã,…
Võ Bokator, Kun Khmer và cờ Ốc tại SEA Games 3 môn truyền thống của Campuchia có gì hay
Kun Khmer
Kun Khmer là môn võ quốc gia của Campuchia và có nguồn gốc từ Đế Quốc Khmer xưa. Kun Khmer, hay tên đầy đủ là "Kbach Kun Pradal Khmer", còn có tên gọi khác là Pradal Serey.
Dù môn võ này có nhiều nét tương đồng với Muay Thái, bao gồm cả những đòn đấm, đá, chỏ, gối, và kỹ thuật ôm khóa, người dân Campuchia khẳng định rằng Kun Khmer có lịch sử và truyền thống rất riêng, thậm chí còn có ý kiến tin rằng Muay Thái có nguồn gốc từ môn võ này.
Luật thi đấu của Kun Khmer khá giống Muay Thái, mỗi trận đấu thường kéo dài 5 hiệp với mỗi hiệp 3 phút. Võ sĩ không được tấn công khi đối thủ gục dưới sàn, không cắn, không đánh vào gáy hoặc hạ bộ. Võ sĩ cũng không được nắm dây đài và trọng tài sẽ yêu cầu trận đấu kết thúc nếu một võ sĩ không còn khả năng thi đấu.
Điểm khác biệt lớn nhất trong lối đánh của Kun Khmer đó chính là môn võ này chú trọng các đòn đấm và cùi chỏ hơn, trong khi đó các võ sĩ Muay Thái tập trung vào các đòn đá và đầu gối.
Cờ Ouk Chaktrang
Cờ Ouk Chaktrang hay còn gọi là cờ Khmer và ở Việt Nam có tên gọi là cờ Ốc. Bàn cờ và quân cờ của cờ Ouk Chaktrang về cơ bản giống như cờ Makruk của Thái Lan. Điểm đặc biệt là quân tượng được quy ước là vị quý tộc, còn quân xe được quy ước là thuyền chiến. Vua đi như vua cờ vua, nhưng nước đầu được đi như mã. Hậu đi như tể tướng cờ Shatranj, nhưng nước đầu được đi về phía trước hai ô. Mã đi như mã cờ vua. Thuyền đi như xe cờ vua. Tốt đi như tốt cờ vua, được phong ở hàng số 6.
Vì cờ Ouk Chaktrang biến hóa chậm, nên các ván đấu có thể dài lê thê, thậm chí đến mức nhàm chán. Do vậy, chiến thuật và chiến lược sẽ rất khác, không có những nước cờ thần tốc, táo bạo của cờ vua hay cờ tướng.
Bình luận (0)