Không đội mũ bảo hiểm, chạy xe trên vỉa hè, lấn vạch dành cho người đi bộ, vượt đèn đỏ, nhấn còi inh ỏi, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, chạy xe vào đường ngược chiều... là những hình ảnh diễn ra nhan nhản trên đường phố.
“Nhà gần đội chi cho mất công”
Mặc dù cơ quan chức năng đã quy định phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi đi xe máy nhưng nhiều người vẫn xem nhẹ, thờ ơ.
|
|
|
Cứ thấy xe cộ hơi đông một chút là một số người chạy xe tràn lên vỉa hè, giành hết phần đường của người đi bộ. Đã đi sai đường rồi lại còn nhấn còi inh ỏi nữa chứ, khiến nhiều lần tôi giật mình muốn té luôn
|
|
|
Bà Nguyễn Bạch Tuyết
người dân ngụ ở Q.1
|
|
|
Tới một số trường tiểu học ở TP.HCM như: Thạnh Mỹ Tây, Phù Đổng (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) vào buổi sáng và buổi chiều, chúng tôi nhận thấy nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con mình.
Chúng tôi hỏi chị N.T.H, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phù Đổng: “Chị có biết quy định buộc học sinh đội mũ bảo hiểm khi đến trường?”. Chị H. trả lời: “Có chứ”. “Vậy sao không thấy chị đội mũ bảo hiểm cho con?”. Chị H. phân trần: “Vì tôi thấy từ nhà đến trường cũng gần nên đội chi cho mất công. Mà đội hay không đội tôi thấy có quan trọng gì đâu”.
Còn lý do mà chị N.T.T, phụ huynh một học sinh Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây không cho con mình đội mũ bảo hiểm là “vì bé còn nhỏ, hơn nữa tôi thấy đội nón bảo hiểm vướng víu quá”. Khi được hỏi: “Nếu CSGT phạt thì sao?”. Chị T. trả lời: “Thì khi nào phạt hẵng hay, mà sao để công an phạt được, vì mình phải canh công an chứ”!
“Giật mình muốn té luôn”
Câu chuyện văn hóa giao thông không chỉ dừng lại ở chuyện đội mũ bảo hiểm, không ít lần chúng tôi chứng kiến cảnh một số người phóng xe gắn máy trên vỉa hè, khiến khách bộ hành hú vía. Bà Nguyễn Bạch Tuyết, ngụ Q.1, tâm sự: “Buổi sáng tôi thường đi bộ tập thể dục trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn gần Thảo Cầm Viên. Cứ tưởng đi trên vỉa hè thì yên tâm, nào ngờ hiểm nguy vẫn rình rập”. Bà Tuyết bức xúc: “Cứ thấy xe cộ hơi đông một chút là một số người chạy xe tràn lên vỉa hè, giành hết phần đường của người đi bộ. Đã đi sai đường rồi lại còn nhấn còi inh ỏi nữa chứ, khiến nhiều lần tôi giật mình muốn té luôn”.
Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đưa con
đi học không đội mũ bảo hiểm - Ảnh: Lê Thanh
|
Sự thể hiện thiếu văn hóa tại các nút giao thông khi có đèn tín hiệu cũng là điều đáng bàn. Đó là: không dừng xe đúng làn đường, vạch quy định, vượt đèn đỏ dẫn tới va chạm với các phương tiện khác. Anh Nguyễn Phúc Hưng, ngụ Q.5, kể: "Cách đây không lâu khi đi trên đường Hùng Vương vào một buổi chiều, mặc dù khi thấy đèn đỏ là tôi dừng xe đúng vạch nhưng có một thanh niên chạy xe phía sau nhấn còi inh ỏi, cố tình chen lấn lên phía trước rồi húc vào xe tôi khiến tôi ngã ra giữa đường. Cũng may là hôm đó không bị chuyện gì nghiêm trọng, nhưng tôi thấy văn hóa giao thông của một số người trẻ bây giờ sao kém quá”.
Nhiều lần chứng kiến cảnh một số người cố tình vượt đèn đỏ tại các ngã tư, chị Trần Thị Nga, nhân viên kinh doanh của một công ty bảo hiểm tại Q.3, lắc đầu ngao ngán: “Tôi không hiểu vì sao có một số người khi gặp tín hiệu đèn đỏ họ không dừng lại mà cứ đi theo ý thích của mình và chả quan tâm gì cả. Do không ý thức chấp hành luật giao thông như thế nên rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra. Theo tôi, mỗi người hãy thực hiện tốt văn hóa giao thông, đó cũng chính là biện pháp để bảo vệ mình cũng như mọi người xung quanh”.
Sự hơn thua, hiếu thắng đang trỗi dậy
Anh Lê Văn Sâm, giáo viên một trường tiểu học tại H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Thực chất văn hóa giao thông cũng đâu phải cái gì xa vời, mà nó chính là cách ứng xử có văn hóa của con người được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật. Những đặc trưng của văn hóa giao thông được thể hiện ở nhiều góc độ như: có ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác, nhường nhịn và giúp đỡ người khác khi lưu thông trên đường”.
Thản nhiên đi xe máy trên lề đường - Ảnh: Lê Thanh
|
Hình ảnh một số thanh niên điều khiển xe gắn máy khi xảy ra va quệt tí xíu là dừng xe giữa đường chửi bới, cãi lộn với nhau, thậm chí đánh nhau cũng diễn ra nhan nhản. Họ quyết không nhường nhịn nhau.
Chị Nguyễn Thị Liễu, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM kể: Có lần tôi chứng kiến một tình huống va quệt bình thường trên đường nhưng đã trở thành một cuộc cãi vã, rồi dẫn đến đánh nhau gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. “Lẽ ra khi xảy ra tình huống như thế, người gây ra tai nạn chỉ cần chủ động nói lời xin lỗi, còn người bị nạn biết bỏ qua thì đâu có chuyện gì xảy ra. Theo nhìn nhận của tôi, dường như sự nhường nhịn, tha thứ dần dần bị mất đi, thay vào đó là sự hơn thua, hiếu thắng đang trỗi dậy trong một bộ phận giới trẻ ngày nay”.
Anh Sâm khuyên: “Mỗi người trong chúng ta cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, bình tĩnh khi tham gia giao thông. Đừng thờ ơ với văn hóa giao thông và đặc biệt phải biết nói lời xin lỗi khi chẳng may va quệt với người khác. Thay vì hô hào chung chung thì mỗi người nên thể hiện bằng chính những hành động có văn hóa đi đường của mình. Đó chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng nó giúp xã hội tốt đẹp hơn”.
Ý KIẾN
Cha mẹ phải làm gương cho con
Trẻ con giống như một tờ giấy trắng, vì vậy hơn ai hết cha mẹ phải nghiêm khắc với chính bản thân mình để làm gương cho con cái. Nếu cha, mẹ cứ hời hợt, thờ ơ với văn hóa giao thông thì vô tình đã gieo vào tâm trí trẻ ý thức kém ngay từ nhỏ và khi lớn lên con mình sẽ có cách hành xử thiếu văn hóa là điều khó tránh khỏi.
Bạch Tú Uyên
(ngụ Q.12, TP.HCM)
Muốn làm ra vẻ ta đây
Mỗi lần về quê, tôi thường thấy nhiều thanh niên đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, đã thế họ còn chở ba, chở bốn chạy vèo vèo, lạng lách trên đường, ai cũng phải né. Sở dĩ họ làm như thế là muốn chứng minh cho mọi người xung quanh biết rằng họ chẳng sợ ai mà phải khiến cho người khác phải sợ mình.
Nguyễn Ngọc Như
(sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
|
Bình luận (0)