Trèo tường vào công viên nước, người lớn đang dạy trẻ con bài học gì?

21/04/2015 14:40 GMT+7

Vài chục ngàn đồng tiền vé có đáng là động cơ để người lớn bỏ qua lòng tự trọng, quên mất nguy hiểm đang rình rập cả mình, cả đứa con bé bỏng mà mình đang ẵm trên tay không? Tôi nghĩ là không đáng.

Vài chục ngàn đồng tiền vé có đáng là động cơ để người lớn bỏ qua lòng tự trọng, quên mất nguy hiểm đang rình rập cả mình, cả đứa con bé bỏng mà mình đang ẵm trên tay không? Tôi nghĩ là không đáng.

Phụ huynh cố đẩy, kéo con em qua hàng rào để vào công viên nướcPhụ huynh cố đẩy, kéo con em qua hàng rào để vào công viên nước  - Ảnh: Anh Tuấn
Dư luận đang rúng động vì vụ việc người dân trèo rào vào công viên nước Hồ Tây ở Hà Nội để tranh thủ một ngày bơi tắm miễn phí. Nam thanh nữ tú và cả bố mẹ bế, ẵm, đùn đẩy trẻ em vượt qua cái hàng rào cao quá 2m, tua tủa xiên sắt nhọn. Bất cứ ai nhìn cảnh người cha cắp đứa con trèo qua cũng rùng mình nghĩ đến hậu quả nếu chẳng may người cha trượt chân, hay tuột tay.
Mấy chục, một hay vài trăm ngàn đồng tiền vé có đáng là động cơ để những người đã ở độ tuổi trưởng thành như vậy bỏ qua lòng tự trọng, quên mất nguy hiểm đang rình rập cả mình, cả đứa con bé bỏng mà mình đang ẵm trên tay không? Tôi nghĩ là không đáng. Và nếu lúc bình tĩnh tỉnh táo, không ông bố bà mẹ nào lại đặt con mình vào thế hiểm nguy chỉ vì vài chục ngàn, một vài trăm ngàn như vậy, chưa nói đến sự nhục nhã khi có người quay phim phát tán đi (điều gần như chắc chắn trong thời đại phổ cập smartphone), hay tấm gương xấu mà họ nêu ra cho con cái. Những người bố, người mẹ đưa con đi chơi hôm đó chắc hẳn là những người rất quan tâm chăm sóc con mình. Vì lẽ gì họ lại ở trong trạng thái gần như mất kiểm soát bản thân như vậy ? Và họ nhắn nhủ điều gì, qua hành động trèo vào công viên bằng mọi giá, đến con em của họ? Chính những câu trả lời của một vài cá nhân có mặt trong buổi "công thành" hôm đó đã gợi cho tôi ý tưởng viết những dòng này.
Hành động bế con trèo rào của người cha đưa vào đầu đứa bé ý nghĩ là nếu nó muốn cái gì là phải đạt bằng được, bất chấp hậu quả, bất kể luật lệ. Một sự tuyệt đối cố chấp. Một sự kiên định cực đoan.
 
Khi được phỏng vấn, có nhiều câu trả lời xoay quanh một ý sau: "Đã đến cổng công viên mà không được vào, nên tấm tức, cố vào bằng được tắm cho bõ". Hoặc là: "Đã hứa với con là đi công viên nước rồi, đến nơi công viên không nhận thêm khách vui chơi nên phải trèo tường vào vì đã hứa với con". Cả hai cách trả lời đều có cùng ý nghĩa: Đã định/nói/hứa là sẽ đi chơi công viên nước, nên phải vào được công viên nước bằng mọi giá. Mới nghe, người ta sẽ nghĩ là đây là vấn đề giữ lời hứa với trẻ con, và đã hứa, lời hứa phải được thực hiện.
Tôi thì lại thấy cách cư xử của người lớn ở nước ta trong cuộc sống hằng ngày nhiều khi thiếu sự linh hoạt, thiếu khả năng bỏ qua một cách nhẹ nhàng, thiếu sự định đoạt mức ưu tiên trong hoạt động. Người cha, thay vì bất chấp phạm pháp, nguy hiểm để đưa đứa trẻ vào tắm bằng được, nếu anh ta giải thích cho đứa trẻ là công viên quá nhiều người rồi, lần này cha con mình không vào được, để ngày mai quay lại, và thuyết phục để đứa bé hiểu và chấp nhận điều đó, thì anh ta đã mang lại cho con mình một bài học rất quý giá về sự tương đối, linh động trong cuộc đời.
Cuộc đời là tập hợp những yếu tố tương đối, bất định, không chính xác hoàn toàn như chúng ta mong muốn. Một lần đi tắm ở công viên nước có thiết yếu không? Không. Nếu không đi bơi hôm đó có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không? Cũng không. Nhưng hành động bế con trèo rào của người cha đưa vào đầu đứa bé ý nghĩ là nếu nó muốn cái gì là phải đạt bằng được, bất chấp hậu quả, bất kể luật lệ. Một sự tuyệt đối cố chấp. Một sự kiên định cực đoan.
Mở rộng ra, ở nước mình, quan hệ xã hội hay được đặt trên nền tảng mâu thuẫn. Một cái nhìn, cho dù chỉ vô tình, cũng có thể gây ra cái chết thương tâm chỉ vì người bị nhìn cho là mình bị nhìn đểu. Một cú va chạm dù rất nhỏ nhặt cũng có thể là tiền đề cho những cuộc ẩu đả đổ máu. Hay những sự khó chịu lặt vặt cũng trở thành cơ sở cho những cuộc cãi cọ, oán hờn rất vô ý nghĩa. Tất cả chỉ vì chúng ta không biết "BỎ QUA".
Có người nói với tôi là hành động của người cha ở công viên nước toát lên lòng quyết tâm, sẽ là bài học cho con mình. Tôi không cho đó là lòng quyết tâm. Tôi cho đó là sự cố chấp, ngoan cố. Người cha sẽ dạy lòng quyết tâm cho con nếu như ông ta đưa con về, chỉ cho con là mình phải cố gắng kiếm ra tiền để không cần được miễn phí vẫn có thể đi được công viên nước. Đó mới là lòng quyết tâm chân chính. Sử dụng mọi thủ đoạn để vào được công viên nước miễn phí, chấp nhận nhục nhã, nhất định đó không phải là lòng quyết tâm mà người cha, mẹ nào muốn dạy cho con.
Con người được sinh ra với những bản năng và nền giáo dục mà chúng ta tiếp nhận sẽ giúp chúng ta chế ngự những bản năng ấy. Phản ứng bầy đàn thuộc về bản năng. Nhưng hiện tượng bầy đàn sẽ bớt đi nếu mỗi cá nhân được giáo dục để biết bỏ qua một cách nhẹ nhàng những điều không thực sự thiết yếu.
Cha mẹ có nghĩa vụ giáo dục con cái. Giáo dục không chỉ là những điều chúng ta nói trực tiếp với con, mà phần lớn là những cư xử của chính chúng ta, và con trẻ sao chép lại. Nói cách khác, khi đã có con, cha mẹ không chỉ sống đời sống của mình nữa, mà phải sống cả cho con. Chỉ cần, trước mỗi hành động, xử sự, ta trấn tĩnh vài giây, tự hỏi xem ta đang truyền giá trị gì cho con cái chúng ta, thì xã hội cũng yên ổn đi biết bao, cuộc đời sẽ đẹp lên nhường nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.