Hằng ngày đi qua những giao lộ lớn, chúng ta không khỏi nhức mắt trước cảnh xả rác công khai liên quan đến việc phát - nhận tờ rơi quảng cáo.
Nhân viên công ty địa ốc trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú) tràn xuống đường để phát tờ rơi
|
Len lỏi giữa dòng xe cộ để phát tờ rơi...
|
... và rốt cuộc là rác đầy đường - Ảnh: Như Lịch
|
Hơn 80% thả xuống đường
|
Đặc biệt, tại những giao lộ lớn như Trường Chinh - Cộng Hòa, Lý Thường Kiệt - Cách Mạng Tháng Tám... vào giờ cao điểm thường có nhiều nhóm thanh niên túc trực phát tờ rơi. Mỗi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ là họ len lỏi trong những hàng xe cộ ken đặc để đưa hoặc dúi, nhét cho người đi đường. Và sau khoảng một tiếng đồng hồ, rác đã phủ kín giao lộ và bay lả tả theo những vòng xe.
Trăn trở trước tình trạng xả rác bừa bãi, thạc sĩ xã hội học Vũ Thiện Toàn cùng 13 tình nguyện viên CLB Vòng kết nối đã thực hiện khảo sát “Đánh giá việc phát tờ rơi quảng cáo tại các giao lộ” thuộc Q.Bình Thạnh và Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Kết quả cho thấy phần lớn nhân viên tham gia phát tờ rơi là sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học. Theo phân công của những công ty, họ sẽ đứng tại các giao lộ, cổng trường học, trạm dừng xe buýt... để phát, dán cho hết các tờ quảng cáo.
“Mặc cho người nhận có quan tâm tới thông tin hay không và thái độ tiếp nhận của người nhận như thế nào, những nhân viên này chỉ biết cố gắng đưa những tờ rơi đó vào tay hay giỏ xe của người đi đường. Trong khi đó, tâm lý chung của nhiều người nhận là cảm thấy rất bực tức, khó chịu, phiền phức...”, đại diện nhóm khảo sát cho hay.
Cũng theo nhóm khảo sát, bình quân mỗi ngày có khoảng 3.000 - 4.500 tờ rơi được phát tại mỗi giao lộ. Hơn 80% người nhận tờ rơi sau đó thả xuống đường, trong đó 1/3 số người nhận rồi thả ngay, không xem qua nội dung. Chưa đầy 20% còn lại nhận tờ quảng cáo rồi cho vào giỏ xe, hộc xe...
Vi phạm pháp luật
Từng trải qua 1 tháng phát tờ rơi cho trung tâm dạy đàn, Nguyễn Quốc Cường, cựu sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở TP.HCM, nhìn nhận đa số sinh viên thích làm công việc này. Bởi thời gian làm việc thường chỉ vài tiếng/ngày, mỗi giờ kiếm được 30.000 đến 35.000 đồng (hoặc khoảng 100.000 đồng cho 1.000 tờ rơi).
Cường kể: “Do thấy tội nghiệp cho những sinh viên nên nhiều người miễn cưỡng cầm. Những ai có ý thức thì đem về bỏ thùng rác, đa phần cầm xong lại thả ngay xuống đường. Bản thân tôi sau này nhận ra mình cũng có phần lỗi vì đã gián tiếp tạo ra cảnh xả rác trên đường phố, nên đã quyết định không làm công việc này nữa”.
Theo thạc sĩ Vũ Thiện Toàn, việc phát tờ rơi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật là hành vi vi phạm luật Quảng cáo, luật Bảo vệ môi trường. Đó là chưa kể, không ai kiểm soát các nội dung trong những tờ rơi ấy. “Luật thì có, nhưng vấn đề xử phạt đối với những cá nhân, doanh nghiệp phát tờ rơi trái quy định hiện đang gặp những khó khăn nhất định do tính chất nhỏ lẻ. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nói “không” với cách thức quảng cáo như trên. Song song đó, cần tăng mức phạt đối với những tổ chức, cá nhân phát tờ rơi không đúng quy định”, ông Toàn đề nghị.
Ý kiến
Không dám làm khi công an, dân phòng nhắc nhở
Lúc tôi tham gia phát tờ rơi tại một điểm gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cảnh sát giao thông đến nhắc nhở chúng tôi không được xả rác. Những lần sau, tôi không dám ra điểm đó phát nữa. Không chỉ có công an, chúng tôi cũng lánh mặt khi gặp các chú dân phòng.
Quốc Cung (Sinh viên ngành công nghệ thông tin, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Gánh nặng dồn về công nhân vệ sinh
Trước đây, trong trường tôi cũng có tình trạng sinh viên phát tờ rơi giới thiệu hoạt động nào đó. Ban đầu các bạn không nghĩ đến tác hại của việc xả rác, khiến rác vương vãi khắp trường. Sau này, Đoàn trường và Hội Sinh viên đã hướng cho các bạn làm poster dán ở bảng tin, hoặc treo băng rôn hay đưa thông tin lên Facebook. Đối với việc xả tờ rơi quảng cáo ngoài đường, theo tôi là đang trong vòng luẩn quẩn, người này đổ lỗi cho người kia. Rốt cuộc, nhân viên công ty vệ sinh môi trường là người thiệt thòi nhất vì họ phải gánh thêm phần việc không đáng có.
Trương Văn An (Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
|
Bình luận (0)