Và lẽ nào, là vợ chồng thì không nên khởi nghiệp cùng nhau? Chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều của những bạn trẻ đang khởi nghiệp, nhiều người trong số này cũng đang điều hành doanh nghiệp của chính họ cùng với người bạn đời hoặc người yêu của mình.
Vợ chồng không nên làm chung
Anh Nguyễn Đức Hải, nhà sáng lập và CEO Công ty thiết bị thể thao dưới nước Hai Watersports, cho biết quan điểm của anh là vợ chồng không nên khởi nghiệp chung. “Vì tính chất công việc, tôi vẫn thường mang công việc từ công ty về nhà để giải quyết, nếu như cả hai vợ chồng làm cùng công ty của chính mình, cả ngày hai vợ chồng chúng tôi sẽ chìm trong công việc, không khí rất căng thẳng. Từ đây, có khi sự lãng mạn giữa hai vợ chồng cũng mất luôn khi mà 24 giờ trên 7 ngày, lúc nào vợ chồng cũng thấy nhau, tranh luận nhau về công việc…”, anh Hải cho hay.
Theo anh Hải, “Khi vợ nắm hết mọi chi tiết công việc của chồng nhiều khi không hay, rất dễ xảy ra các nghi kỵ, ghen tuông, dù thực tế không hề có”. Do đó, anh Hải cho rằng để gia đình hạnh phúc, “vợ có thể giúp chồng quản lý gia đình, chăm sóc con cái, nếu yêu thích đi làm có thể chọn công ty khác, hoặc kinh doanh riêng”.
Vợ chồng làm chung, rất dễ có rạn nứt khó hàn gắn
Ông Nguyễn Vũ Phước, người sáng lập và sở hữu công ty Kiến Vàng, người từng ly hôn với vợ, cũng là người cùng điều hành doanh nghiệp với mình chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Tôi chỉ nói trong chiêm nghiệm cuộc sống của mình, một người không phải là nhà tâm lý học, nên có thể đúng có thể sai, tôi luôn khuyên các bạn trẻ rằng “vợ chồng không nên làm chung với nhau”.
“Có lẽ quan điểm của tôi trái ngược với ông bà chúng ta thường nói “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn '', đó chỉ là tát biển Đông thôi còn đem cá biển Đông về nuôi sinh lời, tôi chắc rằng 90% khó giữ được sư đồng thuận. Khi mới bắt đầu khởi nghiệp vợ chồng luôn chung ý hướng là '' quyết tâm làm giàu”, nhưng khi đã khá lên rồi thì suy nghĩ chắc chắn sẽ lệch lạc và khi đó doanh nghiệp sẽ có hai ông chủ, khi đó nhân viên rất khó làm việc, đối tác cũng dễ bất mãn, những rắc rối sẽ thường xãy ra từ chuyện rất cỏn con dẫn đến chuyện đại sự”, ông Phước nói.
|
“Khi bàn tới chuyện chiến lược phát triển, mỗi người sẽ mỗi quan điểm, khó có sự đồng thuận... Trong thời điểm đang có đủ điểu kiện tài chính như vậy, một trong hai bên sẽ bất mãn và tự quyết, rất dễ dẫn tới rạn nứt. Sự rạn nứt trong trường hợp này khó hàn gắn vì ai cũng cho mình là giỏi và sẳn sàng ''chiến '' tới cùng”, ông Phước nói thêm.
Do đó, ông chủ Kiến Vàng cho rằng: “Tôi không tán đồng quan điểm, phải bắt vợ ở nhà, lui về cơm nước, đó là ích kỷ và định kiến. Để giữ được hạnh phúc, nếu hai vợ chồng, mỗi người nên tách ra kinh doanh hoạt động riêng của mình, mỗi buổi cơm tối có thể cùng nhau chia sẻ công việc mỗi người, truyền lửa cho nhau, đó mới là hạnh phúc thật sự”.
Có mặt thuận lợi, cũng có mặt khó khăn
Lê Trương Mỹ Kiều, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chủ nhân giải nhì và giải dự án ấn tượng nhất cuộc thi Start-up Zone 2018 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Mặt tốt của việc vợ chồng khởi nghiệp cùng nhau, đó là cả hai cùng hiểu nhau, lợi nhuận cả vợ và chồng nhận được sẽ thuộc về gia đình họ, quyền quản lý về mọi mặt sẽ khó bị thất thoát ra ngoài, điều này giúp tăng lợi nhuận cá nhân”.
“Tuy nhiên, mặt không tốt là con người thường có lòng tham vô đáy và sự chiếm hữu, không thích thua cuộc, nên dễ xảy ra mâu thuẫn gia đình, do đó 2 vợ chồng phải thật sự cân đối được lý trí và tình cảm sự nghiệp mới bền chặt và gia đình hạnh phúc. Tôi thường thấy, nếu cả hai vợ chồng đều quá giỏi, họ khó bền chặt với nhau, trừ khi một trong ai đó nhún nhường chấp nhận lùi về sau một chút”, Kiều nói.
Không liên quan giữa hạnh phúc và cùng khởi nghiệp
Vũ Thị Thái An, nhà khởi nghiệp với sản phẩm Tubudd giúp kết nối du khách và người bản địa, đồng hành với cô trong việc quản lý Tubudd là người bạn trai của mình, cho rằng: “Việc vợ chồng hay là hai người yêu nhau không liên quan gì đến việc có nên khởi nghiệp cùng nhau hay không. Quan trọng là điểm nhìn, tính cách, quan điểm và tính trách nhiệm của mỗi người. Giống như đứng trước các câu hỏi, lấy nhau rồi có nên có con hay không, hay con đầu còn nhỏ có nên có thêm con thứ 2 không, thì việc này là tùy vào mỗi người, mỗi gia đình, không ai có một câu trả lời được gọi là chính xác”.
Còn bạn, bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Vui lòng cùng gửi bình luận cho chúng tôi phía dưới bài viết. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận (0)