Vợ chồng công nhân bỏ phố về quê làm 'nông dân hạnh phúc'

22/08/2022 08:56 GMT+7

Trở về quê sau 4 năm xuống miền xuôi làm công nhân với số tiền nợ 40 triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ Thái - Mường quyết tâm gây dựng cuộc sống mới. Họ trồng rau, nuôi gà... và lan tỏa văn hóa dân tộc mình qua 2 kênh YouTube khiến nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có rất nhiều người nước ngoài theo dõi và muốn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam .

“Tôi sẽ đến Việt Nam học làm nông”, bình luận của một tài khoản tên Collins dưới một video về nuôi gà trên kênh YouTube “Rừng và tôi” (hiện có hơn 47.000 lượt đăng ký) được nhiều người bấm like. Trong khi đó, kênh Emily Bushcraft (hiện 52.000 lượt đăng ký) cũng thu hút nhiều người nước ngoài khi chia sẻ về hành trình trồng trọt, chăn nuôi của anh Hà Văn Sáng (25 tuổi) và vợ là Quàng Thị Vi (21 tuổi).

Ngôi nhà nhỏ bình yên giữa núi rừng của vợ chồng anh Sáng

NVCC

Về quê tìm sự bình yên

2 kênh YouTube trên nằm trong số những thành quả lao động đáng ngưỡng mộ của đôi vợ chồng sau khi bỏ phố về quê. Anh Sáng cho biết, 4 năm làm công nhân ở Hưng Yên, có lẽ điều quý giá nhất anh có chính là tìm được người kết bạn trăm năm. Cả hai là đồng hương và là đồng nghiệp, giúp đỡ nhau trong thời gian mưu sinh xa quê.

Đôi vợ chồng trẻ vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi và lấy đó làm chất liệu cho 2 kênh YouTube

Đầu năm 2020, chị Vi mang thai. Họ quyết định về lại quê, ở bản Nguồn, xã Mường Lang, H.Phù Yên (Sơn La) bắt đầu gây dựng cuộc sống mới. Lúc đó, anh đang mắc nợ 40 triệu và nghĩ rằng nếu cứ mãi làm công nhân với đồng lương ít ỏi thì cuộc đời của hai vợ chồng chỉ xoay quanh những ngày chạy ăn từng bữa.

Gia đình hai bên nghe tin thì hết sức phản đối, bởi bao người trẻ trong làng rời quê đến các thành phố lớn lập nghiệp, còn anh chị lại chọn đi ngược về quê, nơi quanh năm người dân chỉ biết làm nông. Thế nhưng, cả hai quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy rằng lựa chọn của họ là đúng đắn.

Trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình, anh chị “đồng vợ đồng chồng” nuôi gà, dê và trồng rau các loại. Họ dựng một ngôi nhà gỗ để tiện chăm sóc vườn tược.

Vốn sinh ra ở làng quê, quen với các công việc đồng áng nên anh chị không thấy quá khó khăn. Song, cả hai phải nỗ lực rất nhiều để gây dựng mọi thứ từ con số 0, nhất là những ngày đầu lại là thời điểm vợ mang thai. Anh Sáng từng phải đi suối bắt cá, cua ốc và vào rừng hái măng đem bán để mua sữa cho vợ.

Để có thêm thu nhập, vợ chồng anh lập 2 kênh YouTube nói trên kể lại những câu chuyện hằng ngày nuôi gà, nuôi dê bằng những thước phim rất đời thường, gần gũi… và cũng để quảng bá văn hóa địa phương đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

“Mình là chàng trai dân tộc Mường, còn vợ là cô gái dân tộc Thái. Dân tộc tụi mình có nhiều nét văn hóa độc đáo. Thông qua kênh YouTube, mình không chỉ kiếm thêm tiền mà còn cho mọi người thấy bản sắc văn hóa dân tộc mình, về thiên nhiên và con người nơi đây”, anh Sáng tâm sự.

May mắn, hành trình bỏ phố về quê của anh chị nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhất là người nước ngoài, và cả hai xem đó là động lực to lớn để tiếp tục giấc mơ làm giàu trên chính quê hương mình.

Cơ hội từ nỗ lực vươn lên

Ở quê, vợ chồng anh Sáng qua lại giữa nhà của ba mẹ và căn nhà gỗ mới dựng trong trang trại, cách nhau chừng 4 km. Căn nhà gỗ hiện chưa có điện lưới nhưng họ không thấy quá bất tiện.

Nhờ công việc làm nông cũng như thu nhập từ YouTube, sau hơn 2 năm về quê, anh chị đã trả hết nợ và cuộc sống có phần dư dả. Thêm nữa, họ cảm nhận được cuộc sống bình yên từng ngày và nhìn thấy cơ hội vươn lên ở ngay làng quê của mình.

“Nói thật là thu nhập từ YouTube cao hơn so với việc làm nông, nhưng nhờ công việc làm trang trại mà kênh của mình mới được nhiều người biết tới. Mình thoải mái với cuộc sống hiện tại, không phải lo ăn từng bữa như trước”, anh Sáng chia sẻ.

Hiện trang trại của anh chị có khoảng 300 con gà, 20 con dê và trồng nhiều hoa màu, có thể tự cung tự cấp về thực phẩm. “Sắp tới, mình sẽ mở rộng quy mô trang trại và xây thêm ao nuôi cá”, anh nói.

Còn với chị Vi, cuộc sống từ ngày về quê “toàn là màu hồng” bởi được ở cạnh gia đình, được tiếp tục nghề làm nông, nhất là con cái được gần gũi ông bà, họ hàng chăm sóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.