(iHay) Nhiều ngày nay, thấy bạn bè chia sẻ câu chuyện của một nữ nhà báo Mỹ với thông điệp ‘Đừng bao giờ hỏi người khác sao chưa có con?”, tôi chợt nghĩ về hành trình đi tìm con của những người hiếm muộn mà càng xót xa.
>> Cảm động hai vợ chồng già qua đời cách nhau 28 tiếng
Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Có rất nhiều lý do để một cặp vợ chồng trẻ chưa sinh con. Có thể do họ chưa chuẩn bị tâm thế làm cha, làm mẹ thật vững vàng, do vướng bận công việc, do kinh tế còn khó khăn, còn muốn tận hưởng cuộc sống son rỗi… Nhưng dù vì những lý do rất chủ động đó thì khi liên tục nhận được những câu hỏi “sao chưa có con” từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… sẽ không ít người, đặc biệt là phụ nữ, cảm thấy không thoải mái.
Còn đối với những cặp vợ chồng đang khó đường con cái, đang ngày đêm nhọc công đi vái tứ phương cầu con, tìm con thì những câu hỏi “vì sao” như vậy quả thực giống như con dao sắc nhọn cứa sâu hơn vào nỗi đau âm ỉ trong lòng họ. Nỗi đau đó, nỗi sợ hãi đó chắc chỉ có ai trong hoàn cảnh hiếm muộn mới thấu hiểu.
Tôi bị ám ảnh về một buổi sáng sớm mùa đông rét buốt da, buốt thịt, tôi chở chị họ đến chờ trước cổng nhà một bà lang ở làng Phú Mỹ (Từ Liêm, Hà Nội) để chờ bốc thuốc. Bình thường hai anh chị tôi vẫn tự đi, nhưng hôm đó anh rể có việc bận nên chị rủ tôi đi cùng cho đỡ buồn. Tôi cũng không tưởng tượng được nếu như đi một mình thì chị tôi sẽ tủi thân như thế nào.
Chúng tôi đến nhà bà lang từ 4 giờ sáng, xếp hàng lấy số rồi chờ đến 6 giờ 30 nhà bà mới mở cổng. Thời tiết thật kinh khủng, trời lạnh buốt, đứng ngoài trời gió cảm tưởng như người bị thổi xiêu vẹo. Hết đứng lại ngồi, đếm từng giây cho cái màn đêm nhanh tan đi. Mà càng sốt ruột thì trời càng lâu sáng. Chị tôi cứ lặng lẽ ngồi ôm gối co ro. Đây đâu phải lần đầu đi khám vất vả như thế, chị quen rồi!
Anh chị tôi lấy nhau từ năm chị 21 tuổi. Hồi đó, chị tôi xinh nhất làng, nhiều người hỏi cưới lắm nhưng bác tôi không dám gả. Bởi vì chuyện hàng tháng của chị rất thất thường. Con gái ở quê 21 tuổi mà chưa chồng đã có thể coi là ế. Cả họ sốt ruột. Và bác tôi quyết định gả chị cho anh, một trong những chàng trai kiên trì theo đuổi chị nhất.
11 năm cưới nhau, anh chị vẫn không có con. Gia đình tôi đều hiểu “lỗi” là do ai. Rồi đông tây y, kết hợp cúng bái, ai chỉ chỗ nào, thầy lang nào, bệnh viện nào anh chị cũng bổ nhào đến chạy chữa. Rồi ai chỉ chùa nào thiêng, đền nào linh, anh chị và cả bác tôi cũng lặn lội đến làm lễ cầu con. 11 năm trời ròng rã, con vẫn chưa về với anh chị.
Cái khổ không con đi liền với cái khổ bị dân làng điều tiếng. Người ta đồn thổi chị tôi thời con gái hư hỏng nên giờ “tịt” rồi. Phía nhà anh rể giục anh sớm “giải quyết” cô vợ không biết đẻ này đi. Đối diện với những miệng lưỡi người đời quá cay nghiệt, chị chỉ biết ra đường cúi mặt đạp xe thật nhanh, cầu trời khấn phật đừng gặp ai hỏi han gì cả. Đặc biệt, những ngày Tết, nhà chị lúc nào cũng đóng cửa im lìm.
Nhưng trời phật còn thương khi cho chị một người chồng tốt. 11 năm anh cùng chị ngược xuôi chạy chữa, chưa bao giờ anh kêu than chán nản, chưa bao giờ anh có ý định bỏ chị. Người đuối sức, nản chí luôn là chị. Còn anh luôn là người vực dậy tinh thần cho cả hai vợ chồng. Tiền bạc làm ra bao nhiêu là đi chạy chữa. 11 năm ròng anh chị vẫn sống trong một căn nhà vách đất, lợp lá cọ, và vẫn luôn hi vọng.
Rồi bố mẹ tôi nói chị lên nhà tôi ở, để tiện nhờ một bác sĩ là bạn thân của bố mẹ ở viện 108 chữa vô sinh cho chị. Nhưng chị chỉ ở nhà tôi hơn 1 năm. Không kiên nhẫn với phương pháp tây y được nữa, chị lại bỏ về quê, lại cùng chồng bắt đầu những hành trình ngược xuôi để tìm con…
Không biết những hành trình của anh chị khi nào mới tới được cái đích hạnh phúc. Hiếm muộn chẳng những là thiệt thòi của anh chị tôi mà nó còn khiến cuộc sống của họ cứ mở ra từng trang, từng trang u buồn, bế tắc.
Mới đây tôi lại nghe tin anh chị dành dụm được chút tiền để vào Sài Gòn cầu khấn ở chùa Ngọc Hoàng, một trong những ngôi chùa nổi tiếng mà những cặp vợ chồng hiếm muộn hay lui tới. Chữa trị ở bao nhiêu bệnh viện, gõ cửa bao nhiêu nhà thầy lang, rồi họ lại đặt niềm tin vào cửa phật mà quan niệm rằng thành tâm đi lễ ở các chùa thiêng thì may mắn sẽ mau đến và con sẽ mau về.
Chợt nghĩ hạnh phúc của đời người liệu cứ phải đi theo khuôn mẫu sự nghiệp, gia đình, sinh con đẻ cái chăng? Tôi chỉ hi vọng đừng ai hỏi anh chị tôi “sao chưa có con” nữa, thậm chí cầu mong anh chị cũng có thể quên cái câu hỏi đó đi, để bớt lặn lội ngược xuôi, để sống những ngày an nhiên bên nhau. Vợ chồng không con vẫn có quyền và có thể hạnh phúc mà...
Nguyên Minh
>> Rớt nước mắt với 'lá thư cuối cùng của bố'
>> Làm sao để dạy con biết yêu thương?
>> Dạy con gái theo cách của ba
Bình luận (0)