Liên quan vụ việc vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "lò vôi" - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam) tố "lương y" Võ Hoàng Yên lừa đảo tiền cứu trợ với số tiền trên 3,8 tỉ đồng, chuyên gia pháp lý cho rằng trong hoạt động ủng hộ từ thiện, nếu người trung gian có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong sáng 2.3, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và ông Võ Hoàng Yên đã có buổi “đối chất” xung quanh việc vợ chồng ông Dũng tố cáo ông Yên lợi dụng việc chữa bệnh, làm từ thiện để chiếm đoạt tiền.
Người trung gian không phải là chủ sở hữu tài sản từ thiện
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Đỗ Trúc Lâm (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết pháp luật không cấm hoạt động ủng hộ từ thiện giữa các cá nhân trong xã hội. Theo quy định tại bộ luật Dân sự, có hai loại giao dịch dân sự, một là tặng cho tài sản giữa người ủng hộ và người được ủng hộ, hai là ủy quyền giữa người ủng hộ với người trung gian có vai trò đại diện đảm trách việc quản lý và chuyển quà tặng đến người được ủng hộ.
Trong đó, “Người trung gian không phải là chủ sở hữu tài sản từ thiện, họ chỉ được sử dụng tiền từ thiện đã quyên góp được vào đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng đã thống nhất ban đầu với người ủng hộ. Nếu trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện này mà tất cả các cá nhân đều tự nguyện, không có sự lừa dối thì chắc chắn đó sẽ là nghĩa cử cao đẹp và mang lại lợi ích cho xã hội. Ngược lại, nếu người trung gian có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì rõ ràng là vừa vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật”, LS Trúc Lâm phân tích.
Người ủng hộ tiền từ thiện có quyền đòi lại tiền ?
Về vấn đề này, LS Lâm cho biết về mặt dân sự, người ủng hộ tiền từ thiện có quyền đòi lại số tiền đã bị người trung gian chiếm giữ sử dụng không đúng mục đích. Khi phát hiện người trung gian có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản từ thiện thì người ủng hộ có quyền tố cáo sự việc đến cơ quan công an, kèm theo các tài liệu chứng minh cho việc chuyển tiền, giao tài sản, mục đích, đối tượng được nhận ủng hộ, sự kiện lừa dối... Việc điều tra xử lý sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
Còn hiện hành, pháp luật quy định, tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Về hành chính, theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi "dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Về hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 bộ luật Hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định theo tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, ... người phạm tội sẽ bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 -5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, LS Lâm cho biết.
Liên quan vụ việc vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng tố "lương y" Võ Hoàng Yên lừa đảo tiền cứu trợ với số tiền trên 3,8 tỉ đồng, LS Lâm phân tích: “Nếu người tố cáo mà bịa đặt thông tin hoặc vu khống cho người khác thì bị xử lý về tội vu khống, phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, tài sản (nếu có) cho ông Yên”.
|
Bình luận (0)