Trong buổi chiều của ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, bên ngoài điểm thi Trường THPT Quốc Học (TP.Huế), rất đông phụ huynh hồi hộp dõi chờ đợi, mong con thi tốt.
Ở một góc nhỏ trong công viên Lê Lợi, đối diện Trường THPT Quốc Học, có đôi vợ chồng người đồng bào người Pa Kô cũng đang gửi gắm niềm hy vọng lớn lao vào cô con gái đang là thí sinh của kỳ thi THPT năm nay.
Ông Doan và bà Đẹp ngồi chờ con thi ở góc công viên Lê Lợi |
LÊ HOÀI NHÂN |
Đó là đôi vợ chồng ông Lạc Long Doan (49 tuổi) cùng vợ Hồ Thị Đẹp (46 tuổi, ở xã miền núi Hồng Vân, H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế).
Trò chuyện cùng PV Thanh Niên, họ không ngần ngại chia sẻ niềm tin sẽ sớm thoát cảnh nghèo nơi vùng biên ải và con đường ngắn nhất chính là "con chữ".
Tia sáng ấy, họ đặt hết vào cô con gái Lạc Thị Phương Lan, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phương Lan vừa bước vào phòng thi cách đó ít phút.
Bà Đẹp đón con bằng xe máy, sau khi Lan kết thúc môn thi |
LÊ HOÀI NHÂN |
Kể về con gái, ông Doan tự hào nói: “Nhà tôi có 4 người con, nhưng Lan là đứa học giỏi và chăm chỉ nhất. Ngồi đây chờ, tôi cũng hồi hộp lắm, mong con làm bài tốt, thi đậu vào trường y”.
Bà Đẹp tiếp lời chồng: "Đời sống vợ chồng tôi đã cơ cực rồi nên chỉ mong đời con thay đổi nhờ việc học. Cháu là niềm hy vọng của gia đình”.
Vượt núi về xuôi động viên con
Ông Doan kể, khi nghe con báo sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, vợ chồng ông nhờ người thân trong bản lo chuyện nương rẫy, lợn gà để về xuôi một chuyến.
Đúng 7 giờ sáng 5.7, họ rời bản làng, băng qua dãy Trường Sơn cao tít. Họ đi trên 2 chiếc xe máy, chở theo cả đứa con trai út 8 tuổi. Hành trang chỉ gồm những bộ áo quần, “dằn túi” một số tiền nhỏ để lo cho con.
Ông Doan giải thích: “Hai vợ chồng phải đi 2 xe vì phải đi qua nhiều đoạn đường đồi dốc, nhất là đường đất của quả đồi A Nong. Nếu chỉ đi 1 xe không thể đi được, 2 xe còn để phòng sự cố”.
Ông Doan tự hào kể về cô con gái |
LÊ HOÀI NHÂN |
“Ở miền núi nên cũng khó khăn, nhưng mình nghĩ nó học 12 năm mới đi thi một lần. Thương con nên vợ chồng tôi cũng ráng về đây, vợ chồng tôi ở nhờ nhà người quen để đưa con đi thi, động viên con”, ông Doan nói thêm.
Nghe chồng kể, trong ánh mắt của người phụ nữ Pa Kô bỗng có chút xúc động. “Mình không có điều kiện như người thành phố, bồi dưỡng cho con đi học thêm. Nhưng cũng vui mừng vì con học giỏi”, bà Đẹp nói.
Động lực vươn lên từ người cha họ Lạc
Dưới bóng cây cổ thụ, cuộc trò chuyện giữa PV và đôi vợ chồng miền sơn cước kéo dài theo quãng thời gian chờ xong buổi thi chiều 7.7. Họ kể nhiều về cuộc sống cơ cực, nhưng trong ánh mắt luôn toát lên niềm hào lớn lao.
Trong nhóm phụ huynh đưa con đi thi, một người đàn ông là đồng hương của đôi vợ chồng Pa Kô này cũng tham gia góp vui bằng câu chuyện về những ngày cơ cực của chính ông Doan.
“Ông Doan mang họ Lạc cũng rất tình cờ. Ngày xưa ông ấy thất lạc cha, đến tuổi đi học, thầy giáo trong làng (cũng chính là bố của tôi) hỏi họ gì, anh ấy tự nghĩ ra họ mới, Lạc. Lạc Long Doan”, người này cười.
Vợ chồng ông Doan đi xe máy gần 150 km để về xuôi đưa con đi thi |
LÊ HOÀI NHÂN |
Thấy PV nửa ngờ nửa tin, ông Doan gật đầu rồi giải thích: “Năm tôi học lớp 3, lúc đó tôi chỉ có tên chứ không có họ, chỉ biết cha tôi là người miền Bắc gặp mẹ tôi là người đồng bào Pa Kô. Cuộc sống lưu lạc nên tôi không rõ cha họ gì. "Lạc" ở đây là lạc mất dòng họ, lạc tổ tiên”, ông Doan nói.
Thế rồi buổi thi cũng kết thúc, cô con gái đi nhanh về phía cha mẹ đang chờ, nở nụ cười thật tươi khoe làm bài khá tốt.
Sau phần phần thi môn toán, Lan chia sẻ niềm vui cùng bố mẹ khi làm bài thi tốt |
LÊ HOÀI NHÂN |
“Kết quả của buổi thi môn toán rất giống với những gì em mong đợi, em khá tự tin về bài thi của mình”, Lan nói với PV rồi ôm chầm lấy mẹ.
Với Lan, hôm nay là một ngày hạnh phúc, khi bố mẹ đã tạo thêm động lực lớn cho mình. Những ngày tiếp theo, đôi vợ chồng Pa Kô lại tiếp tục đứng đây đợi con và chỉ mong con thi thật tốt…
Bình luận (0)