Vợ chồng thời bão giá

21/07/2011 19:23 GMT+7

Cơn “bão” giá không những làm teo tóp bữa cơm của nhiều gia đình thu nhập thấp mà còn là nguyên nhân làm mất đi những ứng xử nhã nhặn trong đời sống vợ chồng.

Đi chợ

Đang nuôi con ăn học, lương hai vợ chồng cũng ba cọc ba đồng nên bữa cơm nhà vợ chồng y sĩ Dung thường là những món không thể đạm bạc hơn: cá khô kho mặn, đậu phụ chiên, canh mì gói… Đĩa rau muống thì “một mềm hai cứng” vì phần gốc xù xì cũng được đưa vào sử dụng. Giờ không ai dám nói “rẻ như rau” bởi giá rau cũng đỏng đảnh làm cao. Riêng “bộ tứ” thịt - tôm - cá - mực thì giá đã lên đến… ngọn tre.

“Sợ con suy dinh dưỡng, lâu lâu tui mon men đến hàng thực phẩm tươi sống, tần ngần, đắn đo mãi mới mua được vài lạng bồi dưỡng cho con. Có hôm bị một bà sang trọng mắng cho: không mua thì tránh ra, sao cứ đứng như trời trồng vậy? Tui tức muốn chết mà hổng biết tức ai”, chị Dung nói.

 
Minh họa: Dad 

Thời “bão” giá, câu ca dao “Râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” được nhiều gia đình động viên nhau “áp dụng” chờ qua cơn sốt giá. Một bác về hưu nói: “Chờ để mà... chờ thôi. Huyết áp tăng rồi còn hạ, chứ giá tăng thì có chịu hạ bao giờ, chỉ đứng đó rồi tăng tiếp”. Có ông nháy mắt cười cười: “Râu tôm với chả ruột bầu. Ăn uống thế nó cồn cào ruột gan, ngủ không được, nửa đêm trằn trọc, vỡ… kế hoạch như chơi chớ ở đó mà gật gù khen ngon”.

Bữa cơm

Anh Nam, hiệu trưởng một trường THCS, kể: Trong bữa cơm mình thường  né đề tài chợ búa vì sợ bà xã thêm buồn. Bởi khi đã bắt trúng “tần số” thì thế nào ca sĩ “Hiền Thê” cũng hát lên điệp khúc “tăng giá”. Lương hai vợ chồng 7 triệu/tháng. Một đứa đại học và một đứa cao đẳng “ngốn” gần hết 5 triệu rồi. Số còn lại phải căng ra cho hàng chục khoản cần chi: Tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền gạo, tiền chợ… Nhớ dạo trước, lương mới vừa nhúc nhích thì giá đã cất cánh bay lên! Bạn bè khách khứa đến nhà chơi, gồng mình để có được những bữa cơm vui thì sau đó là những bữa cơm vơi. Bỗng nhớ thời bao cấp…

Từ chợ về, vừa đặt cái giỏ xuống, chị Ngân đã mè nheo với chồng: “Ông coi, gần hai trăm ngàn mà chỉ mua được nhiêu đây”. Chị lấy ra từng thứ trước mặt anh chồng: một bó rau lang, dăm bảy cái củ sắn, mấy lạng thịt mỡ, một mớ cá tạp và vài trái dưa muối. Rồi chị thẫn thờ: “Mấy bữa nữa, làm cơm giỗ mẹ chắc phải mất tháng lương. Rồi biết lấy gì đi chợ đây?” Chồng chị xẵng giọng nói: “Thế thì giỗ mẹ năm nay chỉ dưa cà mắm muối. Ngoài vài người bà con cật ruột, tui không mời “mở rộng” ai cả. Cô ưng bụng chưa?”.

Tình huống ấy đã như giọt nước tràn ly. Anh chị lời qua tiếng lại đến mức thằng cu Đen đang đùa với chú cún con bỗng tiu nghỉu lùi vào một xó như đang bị “phạt góc”. Chị nó, bé Trang, lẳng lặng ôm mấy cuốn tập qua nhà ngoại rồi ăn cơm bên ấy. Bữa cơm chông chênh vì thiếu một người thân. Càng chông chênh hơn khi anh nghĩ: Hàng xóm hoặc bạn bè có hiếu hỉ họ đều mời mình. Giờ mình giỗ mẹ, không lẽ…

Thu Hường, cán bộ ngân hàng, chồng là giáo viên văn. Vợ chồng Hường đang “cầm hơi” với mức lương khởi điểm. Chị phàn nàn rằng cầm cả trăm ngàn đi chợ chỉ mua được mớ rau, lạng cá, vài quả trứng, trái mướp là hết nhẵn tiền. Ra về, có cảm giác ấm ức cứ như mình vừa bị ai móc túi. Chẳng biết làm gì để giúp vợ “cải thiện” thu nhập, anh giáo chỉ còn cách ăn tiêu dè xẻn. Anh em rủ nhậu anh thường thoái thác vì không thể “nhậu chùa” hoài. Bạn bè thật lòng, ép anh, không thoát nổi thì anh uống vội vài ly rồi kiếm cớ chuồn thẳng.

Vậy mà anh vẫn nghe những lời bóng gió. Nhiều lúc Hường “vô tình” kể về một cô bạn nào đấy sống sung túc nhờ ông chồng giỏi giang, đi chợ mua sắm tiền triệu mà không thấy xót. Cũng có lúc Hường “vô tư” nói về mức thu nhập cao ngất ngưởng của ông X. ngành này, ông Y. ngành kia… Mỗi lần như thế, anh không khỏi chạnh lòng, thấy trang giáo án như cánh đồng màu trắng mấp mô. Bóng áo cơm cứ nhập nhòe bên bóng chữ…

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.