Chẳng phải mới kết hôn hay còn là vợ chồng son rỗi, đã trên 50 tuổi với con cái đùm đề, thế mà anh Phương và chị Ánh vẫn được bạn bè và người thân gọi là 'vợ chồng trẻ con', bởi những chuyện giận hờn của họ.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Chẳng phải mới kết hôn hay còn là vợ chồng son rỗi, đã trên 50 tuổi với con cái đùm đề, con trai lớn tốt nghiệp đại học, ra trường, đã có người yêu; con trai nhỏ vào năm thứ nhất, thế mà anh Phương và chị Ánh vẫn “được” bạn bè và người thân gọi là “vợ chồng trẻ con”, bởi những câu chuyện giận hờn của họ.
Mới đây, khi Long, con trai út của anh chị, điện thoại tới nhà cô Hương - bạn thân của mẹ, lo lắng hỏi mẹ có ở đấy không, thì mọi người mới biết chị Ánh lại giận chồng mà… bỏ đi.
Mấy lần trước cũng vậy, cứ buồn chuyện gì là chị Ánh lại “ra đi”, thường chị cũng chỉ đi khỏi nhà khoảng một hai buổi, rồi khi thì con cái tìm mẹ về, khi thì anh Phương được báo tin để đón chị về, khi thì chị tự về.
Lý do của những giận hờn này thường nhỏ nhặt, có khi là do chị tự... suy diễn mà thôi. Như có lần anh Phương đi dự họp lớp phổ thông về, anh cứ tấm tắc khen một cô bạn cũ sao từng này tuổi rồi vẫn trẻ đẹp thế, lại còn đang độc thân (đã ly hôn)!
Lần khác thì hai vợ chồng coi một bộ phim, bàn về bộ phim ấy, anh Phương mạnh dạn nêu quan điểm: nếu sống với nhau mà mệt mỏi quá (như trong phim) thì nên ly hôn, chẳng nên kéo dài đời sống hôn nhân, để rồi mắc sai lầm khó tha thứ…
Đang tranh luận, tự nhiên chị Ánh im lặng, một lát sau anh Phương chẳng thấy vợ đâu. Đến chập tối cũng không thấy vợ về nấu cơm như mọi ngày, điện thoại không bắt máy, anh Phương đang lo lắng, vò đầu bứt tóc, thì cậu con trai cả thủng thẳng nói: “Mẹ nhắn cho con là mẹ cần đi vắng mấy hôm, để tĩnh tâm! Ba đừng lo cho mẹ”.
Nếu chuyện “ra đi” đâu đó không ai biết là “độc quyền” của chị Ánh, cộng với vô số kiểu giận khác như không nấu cơm cho... một mình chồng (chỉ nấu 3 suất của ba mẹ con thôi), dọn sạch tủ lạnh, đồ ăn sẵn (một gói mì tôm cũng không có), không chịu ủi đồ cho anh nguyên một tuần… để anh bị “cô lập”, phải tự thân vận động (điều mà anh rất ghét và rất lúng túng - điểm yếu của anh), thì anh Phương cũng có cách giận hờn “độc chiêu” của mình.
Biết vợ không thích bà chị chồng - vốn tính tình hơi dữ dằn, mỗi khi giận vợ là anh Phương “đi thăm bác Ba”, tất nhiên “báo cáo” đàng hoàng, anh xách gói sang bác Ba ở vài hôm, đủ làm chị Ánh đứng ngồi không yên.
Vì sau đấy thể nào chị cũng nhận được những lời mát mẻ, cay độc của bà chị chồng vốn sống độc thân, khó tính. Một kiểu giận nữa: anh Phương tự đi mua đồ cho mình, xách về nhà, giở ra săm soi, hỏi con về món đồ đó đắt rẻ thế nào, chất lượng ra sao, ba mua có hớ không… mà không đoái hoài gì đến chị! Đó là cách làm chị dằn vặt.
Phải biết rằng từ khi lấy nhau, nhất nhất những gì anh dùng, thời trang anh mặc, phụ kiện anh diện… đều là do chị sắm, chị luôn tự hào mình là người có gu và nhờ chị mà anh trông phong cách như bây giờ. Một ngày nào đó, anh đeo cái cà vạt anh mua, mặc cái áo anh mua - thì ngày đó chị như bị “ra rìa”. Tất nhiên sau giận hờn thì những món đồ anh mua lại bị xếp xó hoặc… cho ai đó, nhưng thỉnh thoảng những giận hờn kiểu “tuổi teen” như vậy vẫn tái diễn chỉ vì những lời nói vu vơ của đối phương!
“Thôi thì “mỗi người mỗi tính”, cơ bản là ba mẹ cháu vẫn luôn yêu thương nhau” - nghe cô Hương nói, Long tạm yên lòng, nhưng cậu vẫn lo, một ngày nào cả ba và mẹ đều già yếu, những kiểu giận hờn này cũng chứa nhiều nguy cơ.
Bình luận (0)