Vợ chồng trẻ ở Ba Lan

02/05/2009 10:52 GMT+7

Một gia đình nhỏ trong căn hộ bé ở thủ đô Ba Lan. Nơi ấy có một giấc mơ lớn, giấc mơ sống đường hoàng của những đứa con xa nhà.

- Cháu bận con nhỏ, chỉ đi bán thuê cho người ta lương 400, chồng cháu đầu bếp quán bar 700, cộng lại được 1.100 đô. Hơn 1.000 đôla một tháng! Nhà mình nghe vậy chắc giật mình. Bên này thì chẳng thấm tháp gì chú ạ. Cảnh vợ chồng con cái như tụi cháu còn hơi “vênh” nữa đấy. Đây nhá, tính sơ sơ chi phí nhà cháu mỗi tháng...

Anh chồng ôm đứa con gái chừng 3 tuổi đang thiêm thiếp ngủ trong lòng, cô vợ tay cầm bút vạch từng khoản chi trên giấy rồi tiếp lời:

- Để cháu quy ra tiền đô cho chú dễ hiểu... Tiền thuê cái nhà phòng rưỡi tí ti thế này thôi chú ạ, mất 250. Điện thoại, điện nước, ga đốt, lò sưởi bỏ rẻ cũng 150 nữa. Nhà trẻ mẫu giáo bán trú cho đứa nhỏ 150, hai cái vé xe buýt tháng mất gần 50, ăn uống tiêu pha cả nhà ba người gói ghém tất tật mỗi ngày cũng khoảng 15 đô. Vị chi cả tháng hết 450. Đấy chú xem, tổng cộng đã đi tong gần cả số lương hai đứa rồi...

Anh chồng phụ họa thêm: “Còn tiền đóng bảo hiểm, làm giấy tờ mỗi năm. Tiền này nọ lặt vặt sinh ra. Lỡ dịp nào tụi cháu có chuyện đau ốm thì tiền khám bệnh thuốc men là gay go đấy...”.

Tôi là người khách lạ mang hộ món quà từ nhà gửi sang, ngồi chơi thăm hỏi dăm ba chuyện làm ăn, ai ngờ hai đứa tính tình xởi lởi thay nhau kể chuyện đời sống sinh hoạt giờ đây ở Warsaw. Chúng cũng chẳng khách sáo tự “kể khổ” chuyện mình một cách rất thoải mái. Trong đầu tôi vỡ lẽ dần việc bố mẹ chúng ở VN tại sao cứ băn khoăn, lo lắng và lại càng không hiểu nổi lý do gì giữ chân chúng lại nơi đây.

Nhiệm vụ “mục sở thị”

Bố mẹ anh chồng là bạn bè thuở hàn vi của tôi, giờ đã về hưu nhưng nhà cửa kinh tế cũng chẳng đến nỗi nào. Gần đây, tình cờ biết tôi hay qua lại Ba Lan, họ viết thư, cho địa chỉ rồi năn nỉ nhờ tôi gắng tìm đến nơi ở của cậu con một. Người mẹ thổ lộ tâm tư trên trang giấy: “Chúng tôi có mỗi mình nó là con trai. Lo cho đi du học Đông u cũng là cố lắm, ai dè mới được hơn một năm đã dính chuyện yêu đương con cái. Thế là lấy nhau, bỏ hết học hành lao vào làm ăn để sống qua ngày nơi xứ người.

Lắm lúc nghĩ giận nó quá, nhưng rồi cũng thương! Cái thằng lớn đầu lộc ngộc nào đã biết gì, ở nhà sai đi mua quả trứng không biết lựa vậy mà sang đó không hiểu sao làm được đầu bếp có tiền lấy vợ nuôi con... Thật tình tôi không biết tương lai chúng nó ra sao. Chắc chúng còn giấu nhà nhiều điều... Con dại cái mang!

Nhờ bác đến tận nơi “mục sở thị”, xem thực tế chúng sinh sống thế nào. Có tệ lắm thì ở nhà tìm đường viện trợ đỡ đần cho chúng nó. Còn bi đát quá, mong bác khuyên răn giùm để chúng nó kéo nhau về, chúng tôi là cha mẹ vẫn dang tay rộng cửa...”. Tôi chẳng thể chối từ vì mình cũng từng lo lắng khi những đứa con sống ở “bên Tây”.

Căn hộ của đôi vợ chồng trẻ nằm tận tầng 10, tuềnh toàng cỡ chừng hơn 20m2 được gọi là “phòng rưỡi”, xây dành cho người độc thân có từ thời bao cấp ở Ba Lan. Buồng bếp và nhà tắm nhỏ xíu, chủ nhà để lại cho người thuê tủ lạnh và máy giặt đã cũ chạy kêu rầm rầm. Tôi nhìn đồ đạc của đôi vợ chồng thấy chẳng có gì ngoài chiếc tivi cỡ 16 inch và một đầu video hiệu LG.

Hai cái nệm đặt sát nhau, trên đầu là chiếc vali lớn xếp ngổn ngang đầy quần áo người lớn, trẻ con. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy trên bộ bàn ghế góc phòng là cái kệ rất nhiều sách và bộ máy tính được phủ vải hoa xanh cẩn thận.

- Các cháu đi Tây sống như thế này, ở nhà bố mẹ có lo lắng không? - tôi tìm cách lựa lời.

- Ấy chết, xin chú đừng nói gì cả. Nói thật với chú, hơn năm nay chúng cháu mới ra thuê riêng, thế này là khá rồi đấy. Bố mẹ cháu đâu có biết, tất cả là lỗi tụi cháu. Quyết lấy nhau rồi lại quyết có con hơi bị sớm nên giờ phải ráng chịu thôi... - cả hai nhìn nhau cười vô tư.

- Nhà mình bây giờ đã khá hơn trước nhiều. Sao các cháu không có ý định trở về hay đưa con về ông bà ngoại?...

Hai vợ chồng đều nín lặng giây lát trước câu hỏi của tôi.

Giấc mơ

Trong câu chuyện tâm tình sau đó, tôi được biết thời gian dài vừa qua, cả hai phải cố gắng vượt qua nhiều phen sóng gió để tồn tại nơi đất khách quê người. Anh chồng bao năm quen được gia đình chăm lo nuôi nấng, nay cam chịu đắm mình trong khói bếp học cách mưu sinh. Bàn tay chỉ quen gõ máy vi tính, nay vừa làm vừa học đủ mọi thứ từ cách nhặt rau, gọt hành, thái thịt rồi đảo muôi lắc chảo, xào nấu thành thạo món này món kia...

Sau bao cố gắng, cho đến một ngày đã không cảm thấy hổ thẹn nhận lương tháng 700 đô kiếm được bằng nghề đầu bếp quán bar... Số tiền không quá lớn nhưng đâu phải người Việt nào ở Ba Lan cũng kiếm được trong thời kỳ này.

- Hai năm trước vợ cháu sinh con nghỉ ở nhà, chúng cháu chỉ sống bằng một đồng lương phụ bếp thôi. Hồi đó ăn ở thiếu thốn tạm bợ lắm, thế mà không hiểu co kéo chắp vá thế nào rồi cũng xong. Bây giờ thì tạm ổn, con cháu gửi nhà trẻ, vợ cháu nhận làm chân kế toán, trông coi thêm sạp hàng cho người quen trên chợ nên cũng đỡ...

Cô vợ chỉ tay vào góc nhà hào hứng tiếp lời chồng: “Đấy chú coi, giấu anh ấy cháu làm thêm giờ dăm tháng, tiền bỏ ống cũng đã sắm được bộ máy vi tính để anh ấy ôn lại bài vở ngày xưa.

- Chú yên tâm, một ngày nào đó chúng cháu sẽ trở về nơi có cha mẹ, gia đình. Còn bây giờ chúng cháu phải lấy lại đã. Vâng, cố đòi lại mọi thứ đã chậm trễ, từng mất đi trong thời gian khổ ải vừa qua... “Sông có khúc, người có lúc” phải không chú?

Tự nhiên tôi bỗng thấy có thiện cảm với lời nói chân thật hơi vẻ ông cụ non của anh con trai mới 26 tuổi đời. Nhìn hai vợ chồng lúc này thật hạnh phúc. Họ đã từng hứng chịu hậu quả của những suy tính bồng bột, hành động sai lầm của tuổi trẻ và giờ đây lại sẵn sàng chấp nhận thử thách trước mắt, chờ cơ hội để vượt lên phía trước. Gia đình nhỏ bé của họ dù còn khó khăn vất vả nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười, tràn đầy tình yêu thương. Họ hoàn toàn không có ý định lui gót trở về trong tình thế này. Họ không muốn cha mẹ buồn phiền một lẽ, nhưng cái chính tôi biết họ không thể chấp nhận khi phải mang nỗi mặc cảm thất bại trước con mắt của người thân, bè bạn và bà con láng giềng.

Mọi hoài nghi lo lắng vẩn vơ trong tôi trước cuộc sống còn đầy gian truân của đôi vợ chồng trẻ người Việt lúc này bỗng tan biến từ hồi nào. Lòng tôi lâng lâng một niềm vui khi nhiệm vụ nhận lời tìm đến tận nơi “mục sở thị” đã hoàn thành và rất may khỏi cần đưa ra lời “thuyết khách” bất đắc dĩ nào nữa.

Tôi gửi ngay e-mail với một câu ngắn gọn cho vợ chồng người bạn: “Các cháu nhà ta mạnh khỏe, hạnh phúc. Mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp nơi đất người. Gia đình cứ yên tâm!”.

Theo Phi Va (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.