Vỡ đập thủy điện ở Lào: ĐBSCL 'phập phồng' lo thủy điện trên dòng Mê Kông

26/07/2018 06:27 GMT+7

Trong 2 năm liên tiếp Lào xảy ra 2 vụ vỡ đập thủy điện. Điều này càng khiến giới chuyên gia và cộng đồng lo ngại về các dự án thủy điện lớn trên dòng chính.

Các nhà môi trường luôn cảnh báo rằng lợi ích của thủy điện Mê Kông là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường trong toàn vùng.
Vỡ đập thủy điện ở Lào không phải lần đầu
Chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, Nguyễn Hữu Thiện, nhớ lại: Năm 2017 tại Lào, đập Nam Ao ở tỉnh Xaysomboun cũng vỡ làm ngập 7 làng. Với thảm họa vỡ đập lần hiện nay, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mê Kông thực sự đáng lo ngại. Sự cố này cho thấy tình thế rất bị động. chưa đạt trình độ chuyên nghiệp, tin cậy trong cách làm thủy điện ở lưu vực Mê Kông. Lẽ ra khi thiết kế đập đã phải có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Nam Noy đã không chứng minh được điều đó.
Theo ông Thiện, đối với ĐBSCL, điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền, đặc biệt là đối với dự án đập Sambor (Campuchia) trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất. Đập Sambor gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor. Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18 km, cao 56 m, có diện tích hồ chứa 620 km2, tích trữ nước ở cao trình 40 m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biển. Đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL, nếu phía trên có đập vỡ lùa nước xuống vỡ dây chuyền thì Sambor sẽ vỡ và khi đó ĐBSCL sẽ bị dìm trong nước ngay tức khắc.
Đập Xayaburi có khả năng gây động đất
Cũng theo ông Thiện, trong số đập phía trên thì đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011. Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động và các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn của Thái Lan đã cảnh báo rằng trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này.
Thực tế năm 2011 đã có 2 vụ động đất ở vùng Xayaburi, may là lúc đó chưa có đập. Sau này khi đập Xayaburi hoàn tất, với sức nặng của nước trong hồ chứa có thể đè lên vỏ trái đất gây động đất kích thích. Xayaburi mà vỡ thì nước sẽ lùa xuống đập kế tiếp bên dưới, cũng đang đầy nước, và lùa tiếp xuống đập kế tiếp với số nước 2 đập cộng lại và tiếp tục như thế đến đập Sambor. Khi đó Sambor chắc chắn sẽ vỡ.
Theo các chuyên gia, một mối nguy khác với ĐBSCL chính là các dự án phát triển kinh tế, cải tạo Biển Hồ (Tonlé Sap) ở Campuchia. Đây được xem là hồ điều tiết nước tự nhiên cho vùng hạ lưu vực Mê Kông gồm Campuchia và Việt Nam. Một khi các dự án trên làm ảnh hưởng tới diện tích hồ sẽ làm mất khả năng điều tiết tự nhiên ở nút chặn cuối cùng, khi đó rủi ro với ĐBSCL càng gia tăng.
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu Cần Thơ, lo ngại: Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây thời tiết rất bất thường có những trận mưa lớn mà lượng mưa có thể gấp đến 5 lần mức trung bình. Trong khi đó việc xây dựng các hồ chứa đập thủy điện thông thường đều tính toán theo những diễn biến thời tiết tương đối ổn định, theo mùa và có thể dự báo như trước đây. Việc gần đây thủy điện gần như đồng loạt phải xả lũ sau những trận mưa lớn lịch sử cho thấy lượng mưa đã không còn nằm trong tầm dự báo. "Hãy thử hình dung nếu một ngày nào đó, lượng mưa có thể cao tới mức các cửa xả lũ của thủy điện không thể đáp ứng thì rủi ro vỡ đập là khó tránh khỏi. Người ta không thể kiểm soát lượng mưa trong thời kỳ biến đổi khí hậu dữ dội như hiện nay. Các đập thủy điện trên sông Mê Kông phía thượng nguồn so với Việt Nam giống như “hiểm họa xuyên biên giới” đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta . Đây có lẽ là bài học xương máu cho những ai ôm ấp giấc mơ thủy điện"- ông Vinh khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.