Vô địch AFF Cup quan trọng hơn World Cup?

08/11/2018 13:18 GMT+7

Rất nhiều người làm bóng đá Việt Nam (VN) và cả người hâm mộ đều cho rằng đội tuyển VN đủ khả năng giành một suất dự World Cup vào năm 2026, khi giải đấu này tăng lên 48 đội, trong đó riêng châu Á sẽ có 8,5 suất.

[VIDEO] MINH PHƯƠNG BÌNH LUẬN TRƯỚC TRẬN ĐẤU
Suy nghĩ này đến sau những thành công của lứa trẻ như đội U.19 lọt vào World Cup U.20, U.23 giành ngôi á quân tại vòng chung kết U.23 châu Á và vào bán kết tại ASIAD 18.
Niềm tin này càng được nhân lên khi vào tháng 5.2018 Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF), một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất nước hiện nay, đã mời ông Philippe Troussier, một HLV người Pháp đầy tài năng khi từng kinh qua 7 đội tuyển quốc gia và dự ba kỳ World Cup, làm cố vấn chiến lược đào tạo và phát triển cầu thủ với mục tiêu dự World Cup 2030 của bóng đá VN. Không chỉ lãnh đạo PVF mà ngay cả lãnh đạo VFF cũng rất hồ hởi trước việc ông Troussier sẽ sang VN làm việc vì với kinh nghiệm và năng lực đã được chứng minh trong quá khứ, rất khó ai có thể đưa ra sự nghi ngờ.
Cái mốc thời gian để bóng đá VN đạt được mục đích thoạt nhìn còn đến 12 năm, một quãng thời gian được xem khá dài, nhưng thời gian được xem là dài ấy sẽ trôi qua rất nhanh, như trái bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều tuyên bố của lãnh đạo VFF các nhiệm kỳ trước rằng bóng đá VN sẽ sớm góp mặt tại World Cup. Như ông cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi sang TP.Johannesburg, nơi diễn ra trận đấu khai mạc và chung kết World Cup 2010, để dự họp thường niên của LĐBĐ châu Á và FIFA đã từng nói rằng “tôi tin, với những cải tiến mang tính đột phá trong thời gian gần đây, như nâng chất giải V-League, đầu tư cho thế hệ trẻ, tăng cường cọ xát quốc tế..., một ngày không xa nữa, giấc mơ World Cup sẽ đến với VN chúng ta”.
Xa hơn nữa, có một câu chuyện rất thú vị của cố nhà báo Chánh Trinh viết trên một tạp chí thể thao năm 1987 về ước mơ dự World Cup của bóng đá VN. Dù chỉ là câu chuyện tưởng tượng nhưng nhà báo Chánh Trinh khi đó không chỉ mơ đội tuyển VN sẽ dự World Cup mà còn gặp đội Pháp trong trận chung kết World Cup 2002 tại sân Công viên các hoàng tử. Và ước mơ của ông đã một nửa thành hiện thực khi World Cup 1998 tuyển Pháp lần đầu vô địch thế giới tại sân Stade de France (thay sân Công viên các hoàng tử). Nhưng nửa giấc mơ còn lại của ông vẫn chưa thể thành hiện thực cho đến khi ông mất (năm 2005).
Ý tưởng của PVF được xem là vô cùng tích cực và đáng ghi nhận, nhưng chỉ một mình họ thực hiện kế hoạch này mà không có sự giúp sức của VFF và các tổ chức khác thì cũng rất khó thành công. PVF đã dám ước mơ và bắt tay thực hiện, điều ngay cả những lãnh đạo các nhiệm kỳ trước của VFF chưa từng làm được mà chỉ nói suông trước báo giới, nên họ rất cần sự chung tay góp sức từ bây giờ chứ không chỉ là lời nói cho sướng miệng.
Nhìn sang Thái Lan, đối thủ mà bóng đá VN luôn mong muốn vượt qua, khi chúng ta mới chỉ đưa ra kế hoạch trên giấy thì họ đã có những bước tiến rất dài cho mục tiêu này. Ngày từ năm 2011, sau khi mua lại đội bóng đang chơi tại Premier League là Leicester, tỉ phú Vichai (vừa qua đời vì tai nạn máy bay) đã có ước vọng đưa tuyển Thái Lan dự World Cup 2026. Để thực hiện kế hoạch, ông từng chi ra cả trăm triệu USD để đưa 30 cầu thủ trẻ tốt nhất của bóng đá xứ sở chùa vàng sang ăn tập tại đội bóng nước Anh. Đặc biệt những tài năng trẻ này chỉ ở đội tuổi 11-13 và được tuyển chọn ngặt nghèo từ khắp nước dưới sự giám sát của hai cựu tuyển thủ Thái Lan là Kiatisak và Thonglao. Toàn bộ chi phí tập luyện, ăn ở, đi lại... đều do tỷ phú Vichai bao trọn gói. Quá trình tuyển chọn và đưa sang Leicester diễn ra liên tục. Qua 4 năm đã có 30 cầu thủ trẻ Thái Lan tới tập luyện và lập lên một đội trẻ có tên Team. Đa số đều đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn được các HLV của Leicester đánh giá rất cao.
Điều đáng nói là những cầu thủ của Team Siam được tuyển chọn và đầu tư không phải để nhằm tranh đoạt vinh quang tại SEA Games hay AFF Cup, mà cái đích họ hướng tới là trụ lại tại châu Âu, thi đấu cho các đội bóng danh tiếng trước khi trở lại quê nhà để cùng đội tuyển nước này chinh phục những giải đấu tầm châu lục lẫn thế giới, cụ thể là đoạt vé dự World Cup 2022 hoặc 2026.
Còn chúng ta thì sao?
Gần chục năm trước ông Đoàn Nguyên Đức chỉ “dám” đưa ra mục tiêu đến năm 2015 hoặc 2017 VN sẽ đoạt HCV SEA Games với lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… sau nhiều năm được đầu tư huấn luyện bài bản. Thế nhưng dù đã hai kỳ đại hội liên tiếp đã qua chúng ta tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Còn lớp cầu thủ kế cận như U.16 hoặc U.19 đều thất bại nặng nề ngay sân chơi khu vực Đông Nam Á.
Rõ ràng, từ ước muốn đến hiện thực còn là một khoảng cách xa vời vợi.
Bây giờ chúng ta đang hừng hực quyết tâm hướng đến chức vô địch AFF Cup, trong khi người Thái lại không đặt nặng thành tích ở giải đấu này khi chấp nhận không dùng 4 ngôi sao đang chơi ở nước ngoài để dành cho giải đấu cao hơn là Asian Cup 2019. Với họ, thành công ở Asian Cup mới chứng tỏ trình độ bóng đá của họ phát triển để có thể hướng đến những mục tiêu cao hơn như suất dự World Cup. Nên nhớ tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á họ đã lọt đến vòng đấu cuối cùng.
Vậy với bóng đá VN, vô địch AFF Cup hoặc SEA Games vẫn quan trọng hơn dự World Cup?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.