Võ Lâm Tái Khởi: Thời của người làm game 'bất chấp'

Hạ San
Hạ San
19/09/2016 14:02 GMT+7

Sau những chiêu trò PR gây sốc của Võ Lâm Tái Khởi, chúng ta lại phải giật mình nhìn lại ngành game Việt, không khỏi buột miệng ngán ngẩm: “Bao giờ, ngành game Việt mới chịu lớn?”.

Không từ biện pháp ngụy tạo, “nhào nặn” sản phẩm

Tuy ấn định lịch ra mắt chính thức vào ngày hôm nay (19.9), nhưng từ 2 tuần trước, rất có thể game thủ Việt đã được nghe qua cái tên Võ Lâm Tái Khởicủa nhà phát hành VTC Mobile. Sự thành công này, xuất phát từ chiến dịch truyền thông vô cùng hiệu quả về mặt “phủ sóng” của đội ngũ đứng sau trò chơi.

Tuy nhiên, đồng thời, kế hoạch truyền thông này đang bóp chết giá trị thương hiệu của VTC Mobile.

Cụ thể, chiến dịch quảng bá này được khơi mào nhờ vào những mẩu quảng cáo trên mạng xã hội facebook gây tranh cãi: quảng bá Võ Lâm Tái Khởi nhờ vào hình ảnh Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG. Mục đích chính của kế hoạch này là nhằm khơi gợi ký ức của game thủ Việt về thời kỳ hoàng kim, sơ khai của game kiếm hiệp 2D. Chưa bàn đến nội dung thông điệp, việc sử dụng hình ảnh game đối thủ để quảng bá cho mình đã là chi tiết gây khó chịu.

VLTK 1

Sử dụng hình ảnh game khác để quáng bá

Tinh thần “kế thừa game bạn” này được bộ máy truyền thông của VTC Mobile áp dụng triệt để, đặc biệt là thông qua kênh mạng xã hội. Fanpage chính thức của trò chơi sử dụng Võ Lâm Truyền Kỳ như một đòn bẩy nhằm đánh bóng Võ Lâm Tái Khởi.

Đáng chú ý, về bản chất Võ Lâm Tái Khởi hoàn toàn không liên quan đến Võ Lâm Truyền Kỳ. Trò chơi “ồn ào” của VTC Mobile có tên thật là Hoàng Đồ Mobile, do hãng game Trung Quốc NSX phát triển. Trò chơi có bối cảnh vào thời Chiến Quốc, xoay quanh câu chuyện thống nhất Trung Hoa cổ đại, trong khi đó, loạt game Võ Lâm Truyền Kỳ của Seasun vốn tập trung vào giai đoạn triều đại nhà Tống. Phong vị gameplay giữa hai trò chơi cũng hoàn toàn đối lập.

VLTK

Hình ảnh Võ Lâm Truyền Kỳ được tận dụng triệt để

Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi ông Kiều Quang Hưng (Giám đốc Phát triển Võ Lâm Tái Khởi) đăng đàn chia sẻ quan điểm liên quan đến cuộc tranh cãi Võ Lâm Tái Khởi, Võ Lâm Truyền Kỳ. Theo đó, ông Hưng cho rằng game của VTC Mobile “chẳng hề dựa lưng một sản phẩm nào khác”. Tiện thể, ông Hưng cũng lên tiếng chê bai sản phẩm tâm điểm của VNGVõ Lâm Truyền Kỳ Mobile, gọi đây là game “hút tiền người chơi”.

Vào chiều hôm qua, Võ Lâm Tái Khởi tiếp tục gây “bão” nhờ vào đoạn clip được cho là ghi hình trước trụ trở nhà phát hành VTC Mobile. Cụ thể, đoạn clip thể hiện cảnh một đám đông game thủ đang chen chúc, xô lấn, cố vượt qua hàng rào của nhân viên bảo vệ tòa nhà. Khi người quay clip tiến lại gần và hỏi nguyên cớ vụ việc, một game thủ quay lại và gào to cái tên Võ Lâm Tái Khởi, sau đó tiếp tục sấn tới như một con thiêu thân để được “trải nghiệm” game.

[mecloud]BajMDLykJd[/mecloud]

Dù là thật hay dàn dựng, đoạn clip này cũng mang lại cảm giác phản cảm

Chứng kiến đoạn clip, phần đông game thủ đều bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng đây là chiêu bài dàn dựng thô thiển của đội ngũ truyền thông VTC Mobile. Số ít còn lại chia sẻ cảm xúc ghê sợ, kinh hãi trước cảnh tượng mà trò chơi điện tử gây ra với những người trong clip. Dù nhìn nhận vấn đề theo hướng nào chăng nữa, đoạn clip trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, quan điểm của xã hội về ngành game.

Nhìn rộng hơn một chút, không chỉ đoạn clip gây tranh cãi, mà gần như mọi tương tác truyền thông, quảng bá của VTC Mobile xoay quanh cái tên Võ Lâm Tái Khởi đều gây phản cảm, khó chịu, làm tổn hại hình ảnh của VTC Mobile trong mắt game thủ. Đến nước này, đành phải chịu thua trước cách làm “không biết điểm dừng”, từ bỏ tất cả để tạo sự chú ý của VTC Mobile.

Một ngành game “bất chấp”

Tuy sở hữu chiến tích dày cộm ngay từ trước khi ra mắt, nhưng Võ Lâm Tái Khởi còn khuya mới có thể đạt danh hiệu “ông vua tai tiếng” của ngành game Việt.

Vì để làm được điều này, Võ Lâm Tái Khởi buộc phải đánh bại trò chơi từng quảng bá bằng cách thuê cô gái trẻ cởi đồ trong quán net, vượt mặt cơn bão truyền thông của Tam Quốc Chịch, đánh bại những tranh cãi hư hư, thực thực xoay quanh cuộc tranh chấp GCafe… cùng rất nhiều, rất nhiều những vết nhơ khác luôn song hành với ngành game Việt.

Tam Quốc Chịch

Trong thời đại mà mạng xã hội lên ngôi, thành công của một trò chơi được định nghĩa bằng độ “phủ sóng” bất chấp tai tiếng, các sản phẩm game được trả về giai đoạn “mì ăn liền” nhờ nguồn cung cấp kém chất lượng từ Trung Quốc... thì hiển nhiên, cách làm truyền thông này đang mang đến hiệu quả kinh doanh tốt cho các nhà phát hành.

Tuy nhiên, kinh doanh tốt không bao giờ là điều kiện cần và đủ của khái niệm thành công. Giá trị thương hiệu, hình ảnh của người làm game… mới chính là những phẩm chất trường tồn, vô giá và tạo sức bật cho các doanh nghiệp có chỗ đứng trên bản đồ ngành game.

Thực tế cho thấy, cách làm việc bất chấp, coi rẻ hình ảnh bản thân, chính là những yếu tố kìm hãm sự phát triển của ngành game Việt bấy lâu. Đây là cội nguồn cho những chỉ trích bất tận của xã hội về mặt xấu của ngành game, trực tiếp ảnh hưởng cho sự phát triển chung toàn ngành.

Toy Odyssey

Những dự án game Việt bài bản, chỉnh chu như Toy Odyssey là niềm hy vọng hiếm hoi của ngành game nước nhà

Giờ đây, khi nhìn lại ngành game Việt sau hơn 10 năm trời phát triển, chúng ta dễ dàng nhận ra những bước tiên vô cùng chậm chạp, nặng nề. Trò chơi điện tử vẫn là mục tiêu công kích của xã hội, các trò chơi kém chất lượng “mì ăn liền” đang chiếm lĩnh thị trường, sự độc lập của ngành game bị bóp nghẹt vì đối tác Trung Quốc, chiêu trò truyền thông nhơ nhớp tràn ngập… bức tranh u ám ấy đã, đang được vẽ nên từng ngày.

Một ngày nào đó, nếu người “cha chung” này có mệnh hệ, có “đứa con” nào rơi lệ hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.