- Võ lâm truyền kỳ - Chín năm cuồng nộ đam mê
- Cao thủ Võ lâm từ game bước ra đời thực
- Nhờ game, tôi bước tiếp với ước mơ đời mình
"Năm 1140. Lời đồn về tấm bản đồ “Sơn Hà Xã Tắc” được lan truyền trong giang hồ, đây là một thiên hạ bảo tàng mà nếu ai chiếm được nó thì nội trong ba năm sẽ sẽ trở thành “Thiên hạ đệ nhất”. Nhân sĩ võ lâm vốn đông, nhưng không phải ai cũng thoát khỏi cám dỗ; quần hùng chỉ vì muốn tranh đoạt bức bản đồ này mà quên mất hai chữ chính nghĩa. Võ lâm đại loạn từ đây…
Những môn phái lớn trong giang hồ đều cử những đệ tử đắc ý xuống núi truy tầm bảo đồ. Thiên hạ quần hùng vì tranh giành tấm bản đồ mà đã xảy ra nhiều trận quyết chiến trời long đất lở, tử thương vô số, thương vong trầm trọng. Giang hồ võ lâm chìm trong biển lửa."
Giang hồ đại loạn
Khởi nguồn một... tình yêu
Năm 2005, thời điểm những tác phẩm kiếm hiệp của tác gia Kim Dung vốn đã vô cùng phổ biến, lại càng thu hút hơn, khi đi đâu cũng có thể thấy mọi người bàn tán và tranh luận, về những "Quách Tĩnh", "Lệnh Hồ Xung", về những bảo vật võ lâm như "Ỷ Thiên Kiếm", "Cửu Âm Chân Kinh" .v.v.
Giai đoạn này, internet bắt đầu phát triển ở Việt Nam, như một hệ quả tất yếu trò chơi trực tuyến cũng du nhập vào. Hai cái tên đầu tiên phải kể đến đó là Gunbound và MU, một theo phong cách casual và một theo phong cách nhập vai. Cả hai đều tạo ra những cơn sốt nhất định.
Rồi như một câu chuyện cổ tích, Võ lâm truyền kỳ xuất hiện đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ.
Còn nhớ lần đầu tiên tôi biết về trò chơi này là qua "Thế giới Game" - một tạp chí khá nổi chuyên viết về game (lúc đó báo điện tử chưa thịnh hành như bây giờ). Hình ảnh mười hiệp khách vai kề vai trong tấm poster, nào "Thiếu Lâm", "Cái Bang" chính nhân quân tử, nào "Đường Môn", "Ngũ Độc" bí hiểm tinh anh cùng những dòng giới thiệu về bối cảnh trò chơi, về đặc trưng từng môn phái đã kích thích, thôi thúc bản thân phải chờ đợi và thử bằng được trò chơi này.
Hẳn nhiều người cũng đã đọc qua về hành trình gian khó của ông Lê Hồng Minh khi đưa Võ lâm truyền kỳ về với người dân đất Việt. Âu cũng là cái "duyên", cái "duyên" trong cụm "Kiếm hiệp tình duyên" - tên gốc của Võ lâm khi còn ở bên Trung Quốc. Bởi, theo như người viết được biết, mục tiêu đầu tiên của ông Minh không phải là Trung Quốc, mà là Hàn Quốc - mảnh đất màu mỡ của ngành game thời bấy giờ.
Theo cách nhìn của tôi, đây thực sự là một canh bạc lớn của VNG (công ty Vinagame ngày ấy), nhưng điều đặc biệt ở canh bạc này là không có người thua cuộc. Tất cả đều thắng, dù lớn hay nhỏ, dù theo bất kỳ khía cạnh nào. Từ nhà phát hành, cho đến cộng đồng người chơi, rồi đến cả một nền công nghiệp game đang rất hứa hẹn. Võ lâm truyền kỳ đã mở ra một chương mới cho lịch sử làng game trực tuyến ở Việt Nam.
Ông Lê Hồng Minh - Cha đẻ, người anh hùng đã mang Võ lâm truyền kỳ về Việt Nam
Sau bao chờ đợi và ngóng trông, cuối cùng thì ngày ấy cũng đến, cái ngày chúng ta sẽ không bao giờ có thể quên, cái ngày mà tôi như được sinh ra lần nữa, cái ngày mà huyền thoại sống bắt đầu - ngày 21 tháng 3 năm 2005. Sau khi được Việt hóa giao diện và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Võ lâm truyền kỳ đã chính thức ra mắt người chơi Việt Nam vào ngày hôm đó.
Một thời vàng son
"Con đó, đánh con đó", "Trời ơi khỏe dữ chạy qua chết hết nhím lấy gì tau luyện", "Nhặt cái áo lẹ lẹ không nó nhặt mất giờ". v.v.
Những hình ảnh có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào, từ nhà riêng, quán net, ra đến tận công sở. Võ lâm truyền kỳ đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Già trẻ lớn bé, đàn ông hay phụ nữ, bất kỳ mọi tầng lớp nào trong xã hội cũng đều có thể tiếp cận và tận hưởng nó. Thành phần chủ yếu tham gia vào Võ lâm chính là học sinh và sinh viên. Nhiều người đến với Võ lâm để giải trí và xả stress sau những giờ học tập căng thẳng, nhưng khi tận mắt chứng kiến, từ đồ họa, bối cảnh, các kỹ năng môn phái, người ta mới biết thế nào là "yêu từ cái nhìn đầu tiên".
Những ngày đầu
Những ai tìm được đến với Võ lâm, để rồi gắn bó với nó ắt hẳn cũng phải có cái duyên. Với nhiều người, Võ lâm truyền kỳ là một người bạn, là một nửa cuộc sống của họ lúc bấy giờ. Chắc chả ai có thể quên được những giây phút ấy, những giây phút miệt mài cầy cuốc cùng anh em ngoài quán nét, đánh heo ở Ba Lăng huyện, lần đầu học "khinh công" ở võ sư, bước chân vào Biện Kinh mịt mù khói lửa, hay Lâm An thành tráng lệ nguy nga .v.v.
Thậm chí đến khi nhà phát hành tuyên bố thu phí giờ chơi, dù đón nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phần đông ngươi chơi vẫn nhiệt tình ủng hộ. Những người đã đi làm thì không nói, những học sinh sinh viên thì luôn tiết kiệm từng đồng ăn sáng, hay tiền được ba mẹ cho tiêu vặt, dành dụm để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình.
Và đỉnh cao của Võ lâm truyền kỳ, chính là khi VNG tuyên bố cập nhật lên phiên bản hai - Sơn hà xã tắc. Cộng đồng không thể giấu được niềm vui khi chứng chiến đứa con cưng của mình thay da đổi thịt, thêm nhiều tính năng mới nhằm phục vụ người chơi: Nhiệm vụ Hoàng Kim, Boss sát thủ, trang bị Hoàng Kim môn phái .v.v. Số người chơi ngày một lớn dần. Thời đó ra quán net, 10 máy thì phải có 9 máy là đang chạy Võ lâm truyền kỳ. Người thì hì hục luyện công, người thì đi đánh boss kiếm đồ khủng, người chạy đi làm Dã Tẩu mong một ngày mở ra trang bị An Bang - Định Quốc.
Phiên bản mới - Đánh dấu thời đỉnh cao
Võ lâm ngày xưa vui lắm, cảm xúc lắm. Lúc cấp thấp thì là tranh nhau con boss xanh, rồi than thở ỉ ôi vì nhiệm vụ môn phái làm mãi chẳng xong. Lên tầm trung trung thì tập tọe đánh nhau, gì mà cấp 30 thanh máu đã đỏ ngòm (điểm pk 10). Lên cao hơn nữa thì đó là những buổi chiều đẫm máu ở cổng Biện Kinh, hay những tối thơ mộng trên đỉnh Hoa Sơn Cảnh Kỹ Trường. Nhớ lại hình ảnh luyện kỹ năng 9x kiểu thủ công, kéo 20 nick con lên đảo tẩy tủy làm bia tập bắn.v.v. Nhiều kỷ niệm lắm, nhiều ký ức lắm, ngồi với nhau mà kể ra thì chắc chẳng bao giờ hết được.
Gắn bó từ những ngày đầu với game trực tuyến ở Việt Nam, chắc chắn một điều chưa có bất kì một trò chơi nào có thể vượt mặt Võ lâm truyền kỳ về tính cộng đồng. Chơi Võ lâm không phải chỉ chơi vì bản thân, mà còn đó những anh em, anh em trong môn phái, anh em trong bang hội. Tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia, nhưng nhiều mối hảo hữu, từ thế giới ảo được đưa ra ngoài đời thật, từ những kiếm khách giúp đỡ nhau luyện công trong game, đến người thật việc thật đỡ đần dìu dắt cho nhau ngoài cuộc sống.
Nhiều lúc tự nhủ anh em trong game còn tốt hơn anh em ngoài đời. Có người bảo là vì thế giới ảo, nên cho nhau chả mất gì. Đúng là thế, cho nhau thì chả mất gì, nhưng cái được hơn cả chính là cái "tình", cái "duyên" đã đưa những người anh em đến với nhau.
Bằng hữu giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn
Nói đến cái "duyên", chính Võ lâm truyền kỳ đã se duyên cho nhiều đôi lứa. Khi chơi game, người ta thường mang chính tính cách của bản thân để thổi hồn vào nhân vật. Nhiều người ở bên ngoài đời thật, họ sống kín, hoặc sống khác nhiều so với con người thật của mình bởi nhiều rào cản, định kiến xã hội. Thế nhưng khi vào trong trò chơi, họ được tự do làm những điều mình thích, sẽ không ai dám chê bai, ý kiến, bởi khi đó, họ được là chính con người mà họ mong muốn. Làm quen nhau trong game, nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc gặp mặt ở ngoài, bởi chính trong game họ mới hiểu được con người nhau, hiểu được giá trị thực trong một thế giới ảo.
Ai bảo trong game không có tình yêu đẹp?
Thế giới này nếu không có tình yêu, thì không có sướng vui, đau buồn, nhưng hỡi ôi, sẽ không còn chút thi vị lãng đãng, không có bắt đầu, không có kết thúc, không có trông ngóng đợi chờ, không có mưu dơ kế bẩn, không có liều lĩnh ngang tàng, cũng không có...đớn hèn mít ướt, mọi thứ sẽ nghèo nàn tẻ nhạt biết bao! Và thế giới Võ lâm cũng vậy, ai dám nói ở đó không có tình yêu? Ai dám nói đó chỉ là trò chơi, mong manh, hư ảo, phù phiếm, hoang đường? Vì thực sự, tình yêu, dẫu ở ngoài đời này, có bao giờ thoát khỏi cái trạng thái mong manh hư ảo phù phiếm hoang đường, có bao giờ thoát khỏi thân phận một... trò chơi?
Khi giá trị lấn át giá trị
Lịch sử phát triển của VNG cùng Võ lâm truyền kỳ được đánh dấu ở những lần Thiên Hạ Đệ Nhất Bang, nơi mà anh hùng hội tụ, có thể coi như Luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn, tranh chức Minh chủ Võ lâm vậy. Cũng có thể coi đây là một cuộc Offline quy mô toàn quốc, nơi cả thế giới võ lâm tựu chung, nói về những thành công, nhưng mục tiêu đạt được ở cả hai thế giới. Làn ranh giữa ảo và thật gần như bị xóa nhòa.
Nhưng cũng những ngày tháng ấy, ảnh hưởng hai mặt của Võ lâm truyền kỳ lan tỏa ra cả ngoài xã hội với tầm mức mà không một nhà phát hành hay cộng đồng game thủ nào có thể khống chế nỗi. Các câu chuyện xã hội tiêu cực, dần dà được gắn vào... game, thậm chí, định danh luôn với Võ lâm truyền kỳ. Tranh cãi chán chê, rồi những ràng buộc được đặt ra, rồi những vòng kim cô thả từ trên trời xuống...
Chơi Võ lâm nói riêng, hay bất kỳ trò chơi trực tuyến nào, người chơi đều có thể nhận được hoặc mất đi hai loại giá trị.
Loại thứ nhất là giá trị về tinh thần, về tình cảm. Đó là anh em, và bằng hữu, là những giây phút thăng hoa trên chiến trường Tống Kim, hay ngậm ngùi thua trận công thành để lọt lãnh địa cho bang khác ...
Một thời oanh liệt - khói lửa ngập trời
Giá trị thứ hai tất nhiên là về kinh tế, như đã nói ở trên ranh giới giữa ảo với thật vô cùng mong manh. Chắc chả ai có thể quên cái ngày mồng 8 tháng 9 năm 2007 đã có một sự kiện làm khuynh đảo cả thế giới Võ lâm, thậm chí gây chấn động ra cả xã hội. Tại quán cafe Làn sóng xanh (Hà Nội), một buổi đấu giá vật phẩm được VNG tổ chức, tâm điểm là chiếc "Toàn thạch giới chỉ" - cộng kỹ năng vốn có 2, kháng băng 23%. Chiếc nhẫn này được coi là bảo vật giá trị nhất Võ lâm thời bấy giờ, sau những hồi tranh chấp gay cấn, cuối cùng đã thuộc về nhân vật Excavator (server Châu Giang) với mức giá đỉnh lên tới 251 triệu đồng.
Một món đồ ảo mà giá trị tới vậy. Nhiều luồng dư luận trái chiều, người gọi đó là "hành động của sự cuồng game", nhưng nhiều người chơi khác, những người hiểu và yêu game thì biết, đó là một hành động tượng trưng cho đam mê. Khi mà bạn thực sự đam mê thì không có gì là không thể.
Nhưng nói đến giá trị, bất kỳ một nhà phát hành nào cũng hướng đến một tựa game cuốn hút được người chơi, mà muốn cuốn hút thì phải thay đổi, phải mới lạ, để không bị thụt lùi cũng như bị lấn át bởi những game thời kỳ sau này.
Chỉ có điều hướng đi của VNG đã rời xa dần người chơi, rời xa dần những tâm huyết một thời của game thủ, thậm chí có thể coi như một sự phản bội lại chính đứa con cưng của mình. VNG đưa vào nhiều chức năng mới, nguyên tố mới, nhưng chính lại đánh mất đi giá trị cốt lõi của Võ lâm truyền kỳ. VNG đã đưa ra những bước đi vô cùng sai lầm.
Còn nhớ khi chức năng Bạch Cầu Hoàn ra đời, đã có cực kỳ nhiều phản đối được đưa ra, khi mà công sức của người chơi hoàn toàn bị phủ nhận, mất công cầy cuốc bấy lâu, nay chỉ cần nạp thẻ vào là có được hiệu quả hơn gấp nhiều lần. VNG đã tự tay đánh sập tượng đài của làng game Việt. Nhiều người đã tuyên bố bỏ game, xóa nhân vật, vì sự bất công mà chức năng này mang lại.
Đã không còn như xưa ...
Đúng, nhà phát hành game cũng cần phải sống, cũng cần phát triển, nhưng khi mà cách phát triển lại hướng quá nhiều vào lợi nhuận trước mắt, mà bỏ qua cảm nhận của người chơi thì cũng chính là tự ký vào giấy chứng tử cho bản thân mình.
Nhiều người đã khóc, những giọt nước mắt đã rơi khi phải rời xa Võ lâm.
"Một nỗi buồn, một khoảng trống khó có thể lấp đầy. Đâu rồi những người bằng hữu khi xưa, Võ lâm giờ đây đã khác rồi, mất đi bản chất của chính mình rồi. Một người bạn mà tôi hằng yêu mến, đặt nhiều niềm tin và hy vọng giờ đã không còn. Quá thất vọng và chán nản vì NPH. Đối với tôi và trong mắt anh em bây giờ là một Võ lâm "xu hóa". Võ lâm cho chúng tôi niềm vui, kinh nghiệm sống nhưng cũng lấy đi của chúng tôi quá nhiều, tôi tự hỏi phải chăng chỉ vì đồng tiền mà Võ lâm & VNG đánh mất đi bản chất của chính mình" - tâm sự của một game thủ Cái Bang, server Tung Sơn.
Liệu còn có ngày mai?
Những server private mọc lên như nấm, hầu hết là phiên bản Công thành chiến - Sơn hà xã tắc. Có thể không bền vững bởi không có một sự tổ chức chuyên nghiệp, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều người có tình yêu vô cùng mãnh liệt với Võ lâm truyền kỳ.
Ai nói đó là những server lậu? Mặc kệ! Game thủ thừa biết, nhưng họ vẫn chơi, vẫn chấp nhận bỏ tiền. Lựa chọn ấy của game thủ có phải là một câu hỏi đau đớn cho Võ lâm truyền kỳ - Cửu niên trùng phùng?
9 năm, một chặng đường không hề ngắn ngủi. Có những người đã từ bỏ, có những người vẫn chơi, vẫn gắn bó với game, nhưng cái nhiệt huyết đã không còn nữa, chỉ là họ cố níu giữ những gì đã ăn sâu vào tiềm thức, những gì là kỷ niệm, những kỷ niệm mà bất cứ ai đã từng chơi Võ lâm sẽ không bao giờ quên, rồi chờ đợi vào một ngày kia đứa con tinh thần được hồi sinh.
Tượng đài liệu có trở lại ?
Chẳng có gì đã qua đi hay biến mất cả, vì hình như chúng cũng chỉ là một giấc mơ, hoặc là cái gì đó đẹp hơn sự thực...
Ôi, thời gian trôi nhanh thật đấy, cái thời ngày ngày đạp xe ra quán net luyện skill,... Nhớ những phút giây ban đầu khi mà lọ mọ đánh quái, làm nhiệm vụ Hoàng Kim, Dã Tẩu mới sung sướng làm sao, đánh mãi không xong con boss nhiệm vụ chính tuyến Lý Mạc Sầu... Làm nhiệm vụ phụ tuyến phải trả lời trắc nghiệm mà lôi giấy bút ra ghi chép đàng hoàng, cho anh em về sau không gặp khó khăn. Rồi làm được nhiệm vụ 5x Cái Bang sướng đến nỗi mất ngủ cả đêm...
Ngày ấy giao lưu anh em hảo hữu đông vui nhộn nhịp làm sao, đi thành nào cũng đông nghịt người... Cổng Biện Kinh thì lúc nào cũng rôm rả chữ xanh chữ vàng, chữ tím... Tống Kim, Công Thành chiến thì khỏi nói, huy hoàng làm sao, phấn khích làm sao khi bang mình chiếm phá được trụ. Ngũ độc "sida", Đường Môn bạo vũ, Thiếu Lâm đạt ma, Võ Đang nhân kiếm, Ma Nhẫn, Thúy Yên cô tiên, Nga My phong sương, Nga My buff, Côn Lôn lốc,... những biệt danh ấy đã đi sâu vào tâm trí.
Cái thời ấy Võ lâm thật vĩ đại, chỉ tiếc giờ những điều đó đã mãi mãi ra đi...
Một thời để nhớ!
(Một vài hình ảnh, kỉ niệm đẹp về Võ lâm truyền kỳ)
Một mình chu du thiên hạ
Luyện skill kiểu thủ công
Săn boss Hoàng Kim
Biện Kinh - nơi kẻ thù gặp mặt, bằng hữu kết giao.
Nếu bạn đã từng chơi Võ lâm truyền kỳ dù chỉ một lần, bạn thực sự đã có một tuổi thơ cực đẹp.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một game thủ gắn bó với Võ lâm truyền kỳ từ những ngày đầu
Bình luận (0)