Ra đi lúc hai mươi về đã ba mươi lăm. Máu hơi xấu, chừng đó tuổi đã phơ phơ nên không riêng tù mà đời cũng gọi Toàn Đầu Bạc. Nghe anh về em trai em gái em rể cháu kêu bác gọi cậu đến thăm. Hai ông bà già Hùng và Thanh - cha má của Toàn - mừng chi xiết kể. Mừng chứ. Đứa con hoang đàng trong Kinh thánh lưu lạc trở về, ông bố còn làm tiệc ăn mừng nói chi thằng con tù tội. Mà cái sự vụ tù của Toàn cũng vì bênh em mà ra cả.
Thằng Tình em Toàn yêu một cô. Cô ta lại yêu thằng khác. Tuổi mười tám xốc nổi Tình tìm gã kia gây sự. Gã kia có võ gia truyền nên tẩn cho Tình một trận sưng mặt. Tình bèn chạy về méc anh Toàn. Toàn cũng có chút đỉnh võ thuật nên nóng mũi đi tìm gã kia thử chơi cho biết thấp cao. Em út bị ăn đòn không nói chuyện phải quấy là không được. Gã kia mười tám trẻ trâu xem trời bằng mảnh vung bể thì Toàn chỉ là cái củ thìu biu. Xét cần tao chơi luôn mày - gã nói - mày muốn gì? Nổi khùng lên Toàn vung tay ra đòn, nhắm không lại gã kia đâm đầu chạy. Phải chi thôi thì hay quá. Toàn chân rượt theo tay nhổ đại một cây cọc hàng rào phang thẳng vô đầu gã kia một phát. Vậy là vô nhà giam xé lịch.
Tù là một chuyện. Còn bồi thường cho bị hại là chuyện khác. Nếu gia đình tích cực khắc phục thì cơ hội miễn giảm sẽ được xét qua những kỳ lễ lạc, bằng không cứ mút chỉ cà tha. Ba đứa em, hai gái một trai bàn với cha má bán bớt đất lo cho bên bị hại. Có bồi thường họ viết cho cái bãi nại cũng đỡ phần nào. Ông bà Hùng Thanh bán một mẫu lo tang ma và tòa biểu bồi bao nhiêu gia đình thường bấy nhiêu. Còn lại một mẫu ông bà chia làm năm phần. Mỗi phần hai sào. Hai ông bà già một phần, Toàn một phần. Trong khi Toàn thụ án thì em út nên vợ nên chồng, rất chi hạnh phúc trên hai nghìn mét vuông đất của chúng. Hai ông bà già tuyên bố rằng đất của thằng Toàn tao trông coi. Đứa nào muốn hai sào của tao và má tụi bây thì dễ thôi. “Biết” tao cho. May cho ông bà Hùng Thanh là thằng Tình lấy trúng cô vợ con nhà giàu nên tiền đối với nó như phấn thổ. Hai thằng em rể thì cha vợ cho hai sào nên có nhà có vườn. Làm ăn được, cái gọi là “biết” với ông bà già vợ hai ông rể rất chi sành.
Toàn Đầu Bạc về đời thì ông bà Hùng Thanh đã ngoài sáu mươi. Cái nhà ngự trị trên bốn sào vườn trồng rặt một giống chuối Lá Sim. Trong nhà có một lò đắp bằng đất để nấu bánh chưng bánh tét. Lá chuối có sẵn. Sát bên lô cao su nên cành nhánh cả thân chết khô là không thiếu. Nhờ cái nghề này hai ông bà già đôi tháng đi thăm nuôi Toàn Đầu Bạc một lần, chả cần sự góp sức của dâu rể. Tù về, Toàn bắt tay vô phụ cha má. Mẹ cha ơi... gã bạc đầu giỏi một cái hết biết luôn. Hắn ta gói bánh chưng bánh tét đẹp tuyệt. Lại chịu khó thay bà già đi bỏ mối khắp nơi. Nhìn hắn chịu thương chịu khó, hiền như bột ai cũng thương. Ngay cả cái gia đình có thằng con ngã ngựa bởi Toàn cũng khen:
- Tội nghiệp thằng Toàn. Con nào bá vô nó là ngon lắm đa nghe.
Con nào là sao? Xin thưa. Ba mươi lăm tuy đang xoan nhưng cái án giết người, ngay dân chơi còn ớn nói chi đàn bà con gái. Kiếm được một cô để đi với Toàn đến hết cuộc đời là hơi khó. Tù lâu năm nên vấn đề giao tiếp của Toàn cũng có phần hạn chế. Tầm tuổi thì chồng con đầy đống. Nếu chồng chết chồng chê thì cũng một nách vài nhóc tì. Chưa có gia đình thì có hư có thúi, chẳng cô nào ngu bá vô một gã tù lớn tuổi bạc tóc. May quá. Một thằng em rể của Toàn dẫn anh vợ đi bổng bỏ trong mấy quán đèn mờ karaoke ôm iếc. Những quán này thì cứ đàn ông là anh ráo chả luận tuổi. Một cô ôm Toàn than rằng chồng em nó theo vợ nhỏ. Tại sao hả anh? Tại con kia nó già nhưng có tiền. Tục gọi già mà giàu. Con cái hả? Có một đứa nhưng bên nội bắt mất anh ơi...
Nàng tên Ngà. Ngà cũng xinh cũng tươi, mới ngoài hai mươi một chút. Vừa nghe Toàn nói làm vợ anh đi nàng đắc co cái rụp. Chả trầu cau dạm hỏi cưới xin mà có vợ chả phải ông trời bù trừ cho Toàn đấy sao? Đời mà. Tha nhân nói nồi tròn úp vung tròn. Một tù một phong trần ráp lại cũng chồng vợ như ai chứ bộ chơi à.
Ấm êm của Đầu Bạc và Ngà ngắn ngủn ngùn ngun. Hôm ấy đang chỉ vẽ cho con dâu cách gói bánh thì bà Thanh ngã ngang ra chiếu. Cô con dâu không hề biết chi đến cái gọi là tai biến bởi cao máu ở tuổi già. Cô vực mẹ chồng dậy và thế là mặt bà bị biến dạng rồi liệt hai chi dưới. Bầy em dâu rể bảo rằng phải chi cứ để má nằm yên vậy thì đâu nên nỗi. Trong nhà có cô em gái út tên Lan. Lan không ưa bà chị dâu ôm iếc karaoke nên:
- Tại bà nên má tui vậy đó.
Vậy là vợ chồng Toàn Ngà tạm gác vụ bánh tét bánh chưng để đưa mẹ lên đa khoa huyện. Được hai ngày chồng phân công vợ chăm mẹ. Toàn về nhà tiếp tục chưng tét bỏ mối. Ở nhà ông Hùng một mình buồn tình rót rượu uống chơi. Chân nam đá chân chiêu nên té cái oành và Toàn cũng đưa cha già nhập viện. Già cả huyết áp cao lại rượu thì tai biến phải rồi. Phải chi cả hai đi luôn một hơi về âm phủ. Mẹ cha ơi - tha nhân nói - chết quả là không dễ.
***
Kể đến đây Năm Lựu Đạn nâng chén trà chiêu một ngụm phán rằng:
- Khổ thì chả có cái nào giống cái nào. Khi bị đời đả ai cũng cho là mình khổ nhất, thực ra có sống trong bệnh viện mới thấy cái khổ của mình so với tha nhân là vặt vãnh.
- Nói vậy chứ đã bệnh thì ai cũng đau, mà đã đau thì cái chi chả nhất hả chú Năm. Ngay nhức răng thì cũng nhứt chứ không hề là nhị răng. Khà khà khà...
- Tao không nói kẻ nằm bịnh. Tao nói đến người dưới chân giường nuôi bịnh kìa.
Có ăn nằm trong “hồi sức tích cực” - Năm tiếp tục - mới thấm thía thế nào là trần ai khổ hạnh. Bệnh còn lê chân được như bà Năm mà mỗi khi vệ sinh Lựu Đạn phải thò tay xuống cổ nâng vợ ngồi dậy, đặt từng chân xuống giường rồi xỏ dép. Cho hai tay vào nách nâng người bệnh đứng dậy rồi ôm eo ếch mà hát câu “Từng bước từng bước thầm” nhưng không hề là “Chiều tím màu mến thương” bởi nơi đến là toilet. Đến rồi, tạm thời người bệnh vịn cửa đứng chờ, người chăm bệnh vào trong làm sạch nơi vệ sinh bằng cách xả nước và lau sạch cái chỗ ngồi. Toilet nhà còn bẩn nói chi nơi năm cha bảy mẹ. Không tự mình đứng được thì người bệnh còn lâu mới ngồi được. Năm Lựu Đạn nhẹ nhàng - cực nhẹ nhàng cho người bệnh ngồi xuống rồi đứng chờ:
- Có những điều mà vợ chồng mới giúp nhau được chứ con cái khó lắm bây ơi. Không phải không làm được nhưng người bệnh cực kỳ nhạy cảm. Họ luôn có suy nghĩ mình đang là gánh nặng. Chăm bệnh phải luôn luôn tươi tỉnh như hoa nở sớm mai mặc dù trong lòng trìu trĩu trăm mối âu lo... khổ lắm... Nhưng nhìn thằng Toàn Đầu Bạc chăm cha tao thấy mình sướng rên chứ chả khổ chi ráo. Ai cũng thấy cái tôi của ta chà bá lửa là bởi không chịu nhìn người khác... Ngó lên chả bằng ai nhưng nhìn xuống thì...
Sau cấp cứu, sau thở ô xy ông Hùng mở mắt nhìn đời rồi chỉ tay vào miệng, cái miệng méo xẹo sau tai biến còn nói năng chi nữa. Toàn đưa chai nước nhưng ông lắc đầu. Ra ông đói và muốn ăn. Đã tai biến còn tiểu đường là mệt lắm. May quá. Hàng từ thiện chay mặn đều có. Sáng trưa chiều có hết. Sáng Toàn đi nhận cháo chay trưa chiều cơm chay cho cả cha và má. Toàn chăm cha cùng phòng với Năm Lựu Đạn. Cô vợ Ngà lo cho má chồng ở phòng kế cận. Khi bà xã Năm Lựu Đạn nhập phòng thì Toàn đã ngự trị ở hồi sức tích cực được nửa tháng.
Toàn rất khoái Lựu Đạn bởi ông kêu gọi từ thiện ngay trong phòng. Chỉ vào một bệnh nhân bụng to như cái trống bởi xơ gan rồi nói bằng giọng hài hước:
- Cha nội này nô vợ nô con nô người thân, quê tận Vĩnh Long. Hắn ta tha phương nhưng bất ngờ ngọa bệnh. Anh chị em và cô bác nên giúp hắn vài đồng viện phí...
Vậy là kẻ hai, người một trăm trong chớp mắt lão già xơ gan được ngoài một triệu. Riêng Toàn Đầu Bạc chung hai trăm:
- Ông giỏi quá bố già.
- Không bằng một góc của mày. Mày mới thiệt là giỏi.
- Con thì đàn ông chăm đàn ông cũng chả có chi lớn...
- Lớn chớ. Tao bình thường bởi nước mắt chảy xuống còn mày mới thiệt là nước mắt chảy ngược.
Đi không được ông Hùng phải nằm tại chỗ để vệ sinh. Khi chất thải trong cái tã giấy làm ông khó chịu thì chuyện tháo tã làm sạch rồi bó lại là chuyện rất nhỏ. Vệ sinh toàn thân để người bệnh không ngứa ngáy cũng không có chi là lớn. Cho ông Hùng ăn mới là chuyện không hề nhỏ. Toàn phải bón từng muỗng một cho cha già tội nghiệp. Cái miệng không bình thường nên mở ra cũng khó lắm. Mở ra đã khó thì nhai làm sao hả trời đất? Phải hết một tiếng đồng hồ mới xong bữa cơm cho ông Hùng. Sau ăn là uống, sau uống là tiêu tiểu. Uống ăn tiêu tiểu và rên rỉ là chuyện của người bệnh. Người chăm có bổn phận làm cho sạch sẽ mát mẻ những điều đó. Con cái Năm Lựu Đạn ngày ghé thay cha chăm mẹ một lần vào buổi chiều. Cô Lan - em gái út của Toàn - cũng vậy. Nhưng cô gái sang cả như bà hoàng khá là chao chát. Cô ta kể lể với già Năm:
- Chú biết không...
Có vậy Năm mới biết vì sao Toàn bị tù và biết luôn cô Ngà là gái quán bar:
- Bà Ngà lấy anh con chả qua bốn sào đất chú ơi. Đất xưa kia cây vàng một mẫu nay một sào một tỉ… nghĩa tình gì thứ đó. Anh con bị bà Ngà cho ăn bùa mê thuốc lú. Cái thứ bỏ chồng bỏ con vì tiền mà bán thân thì ra dịch gì... Bả tuổi dần anh con tuổi mão nên vừa vô nhà là tai họa đến liền... chị em con nói rồi nhưng anh Toàn con không tin thế gian có thánh thần thiên địa chi hết. Ai nói chi nói ổng cứ thinh thinh lù lù như tàu điện vậy.
Những lúc em gái em dâu Toàn chăm cha, con cái già Năm chăm mẹ thì Năm và Toàn ngồi ở hành lang bệnh viện:
- Thở dài nghe ảo não dữ chú Năm - Toàn nói - buồn gì nói nghe chơi chú.
- Mày ba mươi bảy vợ mày mới hai lăm… qua cái ải này tao thấy chua quá Toàn.
- Cay đắng còn qua thì chua chát nghĩa chi chú.
- Mày chứ vợ mày liệu cay đắng chua chát qua nổi không?
- Hơn cả cay đắng là khi người đàn bà vượt cạn. Quý hơn cả tính mạng là con cái của họ. Mất cái quý nhất thì đau đớn lắm. Không mất mà như mất thì đau đớn hơn chú Năm à. Vợ của con là một người như vậy.
- Là sao?
- Đẻ ra bị bên nội bắt mất con. Không mất mà như mất cái quý nhất rồi chú ơi.
- Nhưng em gái chú mày…
- Không sao đâu chú. Con tự biết cách xử lý.
***
Ở bệnh viện tình người mặn mà lắm. Sự mặn ấy thường không quá một tuần. Cá biệt như bệnh tình bà Năm thì mười hai ngày sau phải chuyển viện. Ở nơi mới thì có bạn cùng phòng khác, những nghĩa tình khác được hình thành. Bi hài kịch mới của bệnh tật làm những cái cũ bị lùi về thì quá khứ. Những âu lo về tật bệnh và sự héo mòn của cái hầu bao, ngay kẻ có ăn có để còn ngồi đâu tính toán đó nói chi hèn mọn như Năm Lựu Đạn. Chính những điều này đã làm Năm ta quên đi một Toàn Đầu Bạc và cặp vợ chồng già bị tai biến. Một thực tiễn không thể chối cãi là, bất kỳ ai khi bệnh tật, nhất là bệnh hiểm thì âu lo của người thân là lớn nhất. Lớn gấp trăm lần cái tôi thường nhật. Chính điều này khiến họ quên đi người và chuyện vừa tiếp tức thì, nói chi chuyện đã là hôm qua hay trước đó.
Ở đa khoa tỉnh mười lăm ngày vợ chồng Năm Lựu Đạn mới lên taxi với tờ giấy xuất viện và một mớ thuốc cùng cái đơn hẹn ngày tái khám. Ở lần tái khám thứ hai Lựu Đạn có mặt ở đa khoa huyện nhà, bởi đa khoa tỉnh bảo bệnh đã lui nên tái ở nhà cho đỡ hao tốn. Bốn giờ sáng người bệnh ngồi chờ đông xấp xỉ dân Ấn Độ đi hành hương về đất thánh. Một người đứng ra nhận sổ khám chữa bệnh. Khi nộp sổ, Lựu Đạn áng chồng sổ chừng ngoài trăm cuốn. Y như rằng. Khi nhân viên phát thứ tự thì số của bà xã Năm là một trăm hai mươi. Mẹ cha ơi... Nhưng ở bệnh viện sự đợi chờ không mỏi mòn lắm. Vì sao? Vì dân gian có câu rảnh rỗi sinh nông nổi. Nghe thiên hạ bố láo bố toét, sự nghiệp đời mình ly kỳ có, láo xạo cũng có.
|
Một già hỏi một già:
- Ông ở đâu?
- Bình Sơn.
- Ấp mấy?
- Ấp 2.
- Biết thằng Toàn Đầu Bạc không?
- Biết. Nó gần nhà tui. Tui chủ trì vụ tang ma cha má nó và cả vụ bán đất đai luôn.
Nghe nói đến Toàn Đầu Bạc, già Năm vội lắng tai:
- Sau khi ba má nó cưỡi hạc quy tiên - ông già tiếp tục - thiệt là ơn trời... vợ chồng Hùng Thanh về âm phủ là quá xá phải. Bằng không... ái chà... bằng không dám hai vợ chồng Toàn Ngà chia tay là chắc nụi. Vậy mà không hiểu sao...
- Sao là sao? Lúc tôi ở hồi sức tích cực thấy thằng Toàn là muốn ngộp thở. Con vợ nó mới là chịu hết xiết... Tụi nó sao rồi?
- Hai đứa về miền Tây hết rồi.
- Đúng rồi... tôi thấy con Ngà mà ở xứ này dễ chi được với hai con em dâu. Bán hai sào ở đây về miền Tây là đại gia liền. Hai ngàn triệu dư đủ để ra ông bà chủ.
- Phải chi vậy thì chả có chi phải bàn.
Ông già đái tháo đường và suy thận kể rằng sau đám ma, ba đứa em, một trai, hai gái của Toàn ghé qua nhà yêu cầu ông anh đâu ra đó hai sào đất của cha má để lại. Hai sào mà chia bốn thì một đứa có năm trăm triệu ngon ơ. Thời tấc đất tấc vàng, hôm qua tay trắng chỉ cái chớp mắt là nên ông nên bà. Ba đứa em tuy ăn nên làm ra nhưng gì thì gì, năm trăm triệu không hề là chuyện nhỏ. Đôi ba dăm bảy triệu thiên hạ còn tham nói chi vài trăm. Toàn bảo với em út rằng mấy cô chú chia làm sao thì anh chịu làm vậy. Cầm phần của mình sau khi bán đất, Toàn nói với thằng em tên Tình:
- Vợ anh bầu bì rồi, anh quyết định đưa cô ấy về miền Tây sinh sống. Anh giao bàn thờ ba má và miếng đất hai sào của anh cho chú....
Chú em và hai bà cô ngỡ ngàng trước quyết định của anh trai. Từ ngỡ ngàng họ nhận ra một cái gì đó kỳ lạ. Kỳ lạ hơn là Toàn Đầu Bạc đã dùng năm trăm triệu của mình vào việc cho mỗi đứa em một trăm. Dĩ nhiên là bầy em mặt mũi nào nhận đồng bạc ấy và thằng Tình cũng không dám nhận hai sào đất của ông anh. Họ quyết liệt từ chối.
- Rồi sao? - Người nghe hỏi.
- Sau đó bầy em phải nhận vì thằng Toàn định đem cả đất cả tiền làm từ thiện.
- Mẹ cha ơi… nó bị điên à? Mà sao ông rành vậy?
- Ông bị lãng rồi hả? Đã nói là tui gần bên anh em nhà thằng Toàn. Tang ma cha má nó tui chủ trì và cái vụ thằng Toàn đòi bán đất làm từ thiện con Út Lan kể tui nghe… Tui cũng nghĩ như ông vậy… thằng Toàn khi ở tù chắc bị thoi dữ lắm nên bị điên.
Năm Lựu Đạn lắng nghe nhưng ông ta không nghĩ Toàn bị điên. Là kẻ khá truân chuyên, Năm hiểu rằng khi một kẻ cùn mòn đời mình với mười lăm năm khổ tận trong tù ngục thì ắt hẳn phải đớn đau nhiều hơn mười lăm năm lưu lạc của cô Kiều. Vài tháng trong không gian bệnh tật của hồi sức tích cực trong tư thế những kẻ tỉnh táo, đứng nhìn cái chết sẽ biết thế nào là mơ mộng và chỉ có những kẻ mộng mơ là còn sống sót…
Những kẻ ấy chắc chắn biết thế nào là đủ. Khi đã đủ thì như một nhà thơ đã viết:
tâm hồn tôi đêm nay sẽ mỉm cười nụ cười phật tổ vô lượng từ tâm khi khói hương mờ tỏa đóa sen hồng nếu em về làm gốc bồ đề giải thoát bóng đổ dài đổ suốt phương đông (*)
(*) Thơ Nguyễn Quang Tấn
Bình luận (0)