Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Đức Hạnh, Chánh văn phòng Sở TB-LĐ-XH tỉnh Tây Ninh về tình trạng đi lao động “chui”.
Ông V.V.L (ngụ H.Hòa Thành) kể lại chuyện bị sập bẫy “cò” vì quá tin tưởng - Ảnh: Giang Phương |
Dính bẫy “cò” xuất khẩu lao động
Nhắc lại chuyện bị dính bẫy “cò” xuất khẩu lao động đi Nhật Bản cách đây gần 2 năm, ông V.V.L (53 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, H.Hòa Thành, Tây Ninh) vẫn bức xúc vì mất tiền một cách đáng tiếc.
Ông L. cho biết, vào đầu năm 2015, V.M.H (32 tuổi, con trai ông L.) được người quen giới thiệu với người phụ nữ tên N.T.M.V (29 tuổi, ngụ TP.Tây Ninh, Tây Ninh) kèm theo lời quảng cáo “từng đưa nhiều người đưa lao động sang Nhật rất uy tín”. Ông L. kể: "Khi gặp nhau, V. giới thiệu là nhân viên công ty cung ứng lao động sang Nhật có trụ sở tại Hà Nội. Thủ tục đi xuất khẩu lao động rất đơn giản, chỉ cần giấy khám sức khỏe, ngày làm việc 8 tiếng, công việc là gia công linh kiện điện tử với mức lương 1.700 USD/tháng, nếu tăng ca hưởng thêm 50 USD/giờ. Chi phí trọn gói là 7.500 USD và yêu cầu gia đình đặt cọc từ 2.500 USD trở lên".
Nghe bùi tai, ông L. đặt cọc cho V. 2.550 USD, rồi ký vào bản "Hợp đồng đi làm việc nước ngoài".Thế nhưng, dù ký hợp đồng gần 1 năm nay con trai ông vẫn chưa đi được. “Nhiều lần, tôi làm căng thì V. cứ hứa hẹn hoàn trả tiền nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận lại được đồng nào”, ông L. bức xúc. Trong khi đó, anh H., lý giải việc tin tưởng V.: “Bản thân tôi đã từng đi Nhật một lần. Thủ tục không hề đơn giản, phải phỏng vấn rất phức tạp nhưng vì V. đảm bảo đơn giản, nhanh gọn nên ban đầu cũng hơi nghi ngờ. Tuy nhiên, thấy người quen của ông già giới thiệu và V. cam kết chắc nịch, có ngày giờ nhận Visa nên cũng tin tưởng".
Tương tự, anh N.M.Đ.(23 tuổi, ngụ xã An Tịnh, H.Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết: “Gia đình tôi cũng đặt cọc trước 2.000 USD cho “cò” V. rồi mỏi mòn chờ đợi cho đến tận bây giờ”. Bà N.T.Đ (57 tuổi, mẹ anh Đ.) cho biết: “Thấy có người quen đứng ra đảm bảo nên gia đình an tâm để cho thằng con trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Để có tiền, gia đình phải chạy đi vay nhiều nơi với hy vọng nó sang Nhật làm việc gửi tiền về trả. Do “cò” hứa ngày bay cụ thể, nên tôi phải chạy đi vay thêm 10 triệu đồng để sắm va ly, quần áo, thuốc men... nhưng gần 1 năm nay vẫn chưa thấy bay, còn “cò” thì bặt tăm".
Nhiều trường hợp đến kêu cứu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chánh văn phòng Sở TB-LĐ-XH tỉnh Tây Ninh cảnh báo: “Việc người dân xuất khẩu lao động “chui” ra nước ngoài cực kỳ nguy hiểm cho chính bản thân người lao động, nhất là qua môi giới của “cò”. Bởi đối tượng này không thông qua bất kỳ đơn vị thẩm quyền nào của Sở, Do đó rủi ro cao, ngành chức năng khó can thiệp kịp thời khi quyền lợi người lao động bị xâm hại. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp người thân của người đi lao động nước ngoài phản ánh tình trạng bị lừa đảo mất tiền khi thông qua “cò” xuất khẩu lao động. Có trường hợp bị chủ ngược đãi, giam lương hoặc làm quá giờ quy định, bị bỏ mặc phải tự tìm đường liên hệ với người nhà để kêu cứu lên các cơ quan chức năng”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Phòng Lao động việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tây Ninh) cũng cho biết thêm, tại Tây Ninh, do có nhiều người dânphản ánh bị ngược đãi, lừa gạt khi xuất khẩu lao động sang ẢRập Saudi, ẢRập Xêút nên Sở đang hạn chế tối đa thị trường này. Trong khi đó, Nhật là thị trường lao động cực kỳ khó tính do đó điều kiện để đi lao động đến đây lại rất nhiêu khê chứ không đơn giản như “cò” hứa với người dân. Thị trường này đòi hỏi người lao động rất chặt chẽ từ sức khỏe, trình độ chuyên môn đến ngoại ngữ chứ không đơn thuần cứ đóng tiền cho “cò” để được hứa đến ngày bay. Việc người dân bị “cò” yêu cầu đóng trước khoản tiền lớn để làm thủ tục sau đó không được đi như thỏa thuận khiến người lao động mất trắng đang diễn ra khá phổ biến.
“Để đảm bảo an toàn, người lao động nên trực tiếp đến Sở LĐ-TB-XH hoặc Trung tâm giới thiệu việc làm (thuộc đơn vị của Sở này) để tìm hiểu cặn kẽ thị trường dự định đến và được hướng dẫn cụ thể”, bà Hồng nói.
Bình luận (0)