Vỡ mộng giữa đại ngàn

02/04/2017 09:12 GMT+7

Hàng ngàn hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc vào sống “chui” trong các khu rừng tại H.Đam Rông (Lâm Đồng) đang khiến cho huyện nghèo này thêm gánh nặng.

Trong khi đó, chính các hộ này cũng đang đối diện với cuộc sống đầy khó khăn, đói nghèo hiển hiện.
Vào rừng tìm "đất hứa"
Con đường dẫn vào “làng Mông” tại tiểu khu (TK) 181 thuộc xã Liêng S’rônh, cách UBND H.Đam Rông chỉ chừng 15 km nhưng chúng tôi phải mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến nơi dù cưỡi trên “con ngựa sắt” của một công an viên ở xã. Đi trên con đường độc đạo rộng hơn 1 m với nhiều đồi dốc dựng đứng và trơn trượt, anh công an nói với vẻ lo lắng: “Cầu mong trời đừng mưa, chứ mưa xuống thì anh em mình chỉ có nước ở lại trong đó, bởi đường sá thế này thì đi bộ cũng không ra được”.

tin liên quan

Công chức ăn... mì gói trường kỳ vì dân
Giữa trưa, mây trắng vẫn hạ xuống xã Ga Ri, nhiệt độ có nơi 17oC, nên con đường vào bản như láng mỡ, trơn trượt. Món ăn thay bữa của công chức xã là mì gói.
Rẫy lấn dần lên rừng già
Ông Giàng Seo Thề (64 tuổi) là người có uy tín nhất và được xem như "trưởng thôn” ở vùng đất mới này. Ông vui vẻ mời chúng tôi vào nhà và câu chuyện “lập nghiệp” của ông cũng như dân làng ở đây được bắt đầu.
Khoảng 15 năm trước, ông từ Tuyên Quang vào Đắk Lắk, rồi nghe nói “vùng đất hứa” này nên tìm đến. Ban đầu, 5 hộ gia đình với 30 người lần mò theo đường mòn đi rẫy của bà con địa phương vào sâu trong rừng này phát rẫy. “Làm ăn khá hơn ở quê, thế rồi dần dần bà con ngoài đó kéo vào đây và đến nay làng này có 96 hộ với trên 500 nhân khẩu”, ông Giàng Seo Thề cho hay.
Cũng nằm trong rừng, nhưng đường vào TK 179 (xã Liêng S’rônh) tương đối dễ đi hơn. Tuy nhiên, từ H.Đam Rông không có đường đi mà phải vòng sang H.Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông, vượt qua 60 km mới vào đây được. Khu vực rộng mênh mông này không còn cây rừng nào mà thay vào đó là nhà cửa, ruộng vườn của 100 hộ với 600 nhân khẩu dân di cư tự do (DCTD), chủ yếu là người H’Mông đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên...
Theo UBND H.Đam Rông, tổng số dân DCTD từ các tỉnh phía bắc vào địa bàn huyện đến nay lên đến 1.277 hộ, với 6.397 nhân khẩu và họ sinh sống, canh tác tại các TK 177, 178, 179, 180, 181..., chủ yếu thuộc địa bàn xã Liêng S’rônh.
Đường đến "làng Mông" ở TK 181
Căng thẳng giữ rừng
Hầu hết những hộ dân DCTD đều là những người nghèo khó, khi di cư vào rừng cuộc sống của họ bắt đầu là “săn bắt, hái lượm” rồi “đốt, phá trọc, trỉa” nên hàng ngàn héc ta rừng ở đây đã bị phá trụi.
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Đam Rông, nhìn nhận: “Việc phá rừng làm rẫy của những hộ DCTD thời gian qua diễn ra phức tạp, dù chúng tôi tuyên truyền rất nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trong khi việc xử lý vi phạm rất khó, họ rất manh động, tổ chức đông người để chống đối. Không chỉ vậy, việc lập biên bản vi phạm xong rồi cũng để đó, mời họ lên giải quyết thì họ không lên, nếu làm mạnh thì họ lại chống đối ngay. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cũng khó, xử lý họ không chấp hành, tài sản họ không có gì để cưỡng chế. Dân DCTD ở trong rừng nên gây áp lực rất lớn cho công tác giữ rừng, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng”.
Mới đây, lực lượng kiểm lâm huyện và chủ rừng kiểm tra phát hiện đối tượng đang dùng máy múc san ủi mở đường trái phép với chiều rộng 3,5 m, dài hơn 500 m tại TK 179. Đoàn tiến hành lập biên bản nhưng tài xế xe máy múc không chịu ký vào biên bản, trong khi đó có khoảng 20 - 30 người dân tộc H’Mông kéo ra phản ứng và không cho đoàn làm việc.
Trước đó, vào giữa tháng 6.2016, lực lượng kiểm lâm Đam Rông và chủ rừng gồm 16 người kiểm tra tại khu rừng giáp ranh H.Đắk Glong đã bị hàng trăm người H’Mông cầm gậy gộc đuổi đánh, bắt cán bộ trong đoàn kiểm tra đứng ngoài nắng... lấy mất công cụ hỗ trợ và vu khống, tống tiền các thành viên trong đoàn. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng đến nay chưa xong.
Trẻ em người H'Mông gắn bó với lưng trâu
Đối diện đói nghèo
Cũng do xuất phát từ khó khăn, nghèo đói nên những người DCTD mới đi tìm vùng đất mới để mong đổi đời. Họ di cư chủ yếu thông qua mối quan hệ huyết thống và láng giềng với người đi trước, hoặc quan hệ thân quen. Nơi dân DCTD đến hầu hết là vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn và phần lớn họ chưa thực hiện đăng ký về hộ khẩu, hộ tịch, chưa có hình thức tổ chức thôn, buôn được chính quyền công nhận mà chủ yếu là tự xưng, tự quản.
Theo khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về tình hình dân DCTD tại TK 179, do người dân DCTD sinh sống ở nơi xa xôi hẻo lánh, chưa được phép định canh, định cư nên họ chưa được hưởng bất kỳ chính sách của nhà nước; vấn đề y tế, giáo dục, an sinh xã hội còn rất hạn chế.
Ông Giàng Seo Thề cho hay đến nay, trong làng (TK 181) có khoảng 50 người được đi học ngoài xã nhưng cũng chỉ học cấp 1, cấp 2 rồi nghỉ; nghỉ học rồi về nhà lấy vợ, lấy chồng sinh con đẻ cái, có nhiều bé gái mới 13 - 14 tuổi đã lấy chồng, có người mới 26 - 27 tuổi đã sinh 5 - 6 đứa con.
Ông Thề trần tình: "Cuộc sống bây giờ cũng khó khăn lắm, mình biết là phá rừng là sai nên giờ không phá nữa, chỉ phát những chỗ thấp, không có cây rừng để làm rẫy thôi. Năm trước chính quyền vận động ra xã Phi Liêng ở, nhưng một số người ra thấy ở đó rừng thông nhiều, không trồng lúa được nên quay về lại. Bây giờ dù chưa đói, nhưng mình cũng lo lắng lắm, đất đai thì không sinh sôi nữa, nhưng người thì cứ sinh ra nhiều, rồi đây không biết lấy gì mà sinh sống. Mình đã nói với bà con đừng có đẻ nhiều, nhưng họ không nghe, ai đẻ nhiều thì ráng chịu chứ mình hết cách rồi”.
Ông Trương Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh, cho biết thêm hầu hết những hộ DCTD trên địa bàn đều thuộc diện hộ nghèo, nơi họ ở trên đất lâm nghiệp nên cũng không được hỗ trợ đầu tư hạ tầng.
Báo cáo Ban Chỉ đạo Tây nguyên
Theo UBND H.Đam Rông, trước thực trạng trên, những năm qua huyện đã xin chủ trương và thực hiện 3 dự án ổn định quy hoạch, sắp xếp, ổn định đời sống cho dân DCTD, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành bố trí cho gần 200 hộ, một dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành sẽ bố trí cho 300 hộ. Đồng thời, huyện cũng báo cáo đề nghị Ban Chỉ đạo Tây nguyên tham mưu Chính phủ chỉ đạo các địa phương nơi có dân di cư quản lý chặt chẽ, không để dân DCTD đến các tỉnh khác và có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để tuyên truyền, vận động đưa họ trở về. Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị tỉnh xin quy hoạch ổn định dân cư tại chỗ một số vị trí. Hiện nay, huyện cho quản lý chặt chẽ, không để bà con DCTD phá rừng, lấn chiếm thêm đất lâm nghiệp và chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.