Trong dịp hội ngộ võ phái Lê Thanh Huynh Đệ tại
TP.Quy Nhơn (Bình Định) vào các ngày 23 và 24.1, tất cả các huynh đệ, sư đồ của môn phái cùng dành một phút mặc niệm sư tổ Lê Đại Hoan (1915 - 2006).
Con nhà giàu mê võ
Theo
võ sư Lê Thanh Tùng (71 tuổi, con trai cố võ sư Lê Đại Hoan), Chưởng môn võ phái Lê Thanh Huynh Đệ, võ sư Lê Đại Hoan tên thật là Nguyễn Văn Hoan, sinh ra trong một gia đình giàu có nhất làng Phước An (nay thuộc xã Phước An, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Cha của ông Hoan là ông Nguyễn Văn Xuân được người làng Phước An gọi đầy tôn kính là ông Cả. Nhà có điều kiện, lại thương con trai nên ông Cả Xuân mời một vị võ sư tên Lê Đại về ăn ở trong nhà để dạy võ cho ông Hoan.
Ông Lê Đại là người từ nơi khác đến làng Phước An sinh sống, tuy giỏi võ nghệ nhưng lại thích một cuộc sống ẩn dật. Gặp học trò đam mê võ nghệ, tâm tính hợp ý nên ông Lê Đại dốc lòng truyền thụ tất cả những tâm huyết của mình cho học trò.
Gắn bó được 12 năm thì thầy Đại qua đời, ông Hoan vô cùng thương tiếc. Để tưởng nhớ công ơn của thầy, ông Hoan lấy tên của thầy Lê Đại ghép với tên Hoan của mình thành tên Lê Đại Hoan và sử dụng tên này trong suốt cuộc đời hoạt động võ thuật của mình.
Năm 1954, ông Lê Đại Hoan đưa vợ con lên Sài Gòn sinh sống. Nhờ biết tiếng Pháp, ông Hoan xin vào làm thư ký tại một nhà kho ở bến cảng Khánh Hội của hệ thống thương cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn, TP.HCM ngày nay). Trong quá trình làm việc, nhiều lần chứng kiến phu bốc vác, lao động làm thuê bị băng đảng giang hồ “bảo kê” tại khu vực cầu cảng Khánh Hội chèn ép nên ông Hoan bênh vực.
Nhiều lần cảnh cáo không thành, tên cầm đầu băng đảng là Trần Kiệm dẫn theo khoảng 10 đàn em chặn đường đánh dằn mặt khi ông Hoan đang đạp xe trên đường đi làm về. Trần Kiệm đứng bên ngoài áp trận để đàn em xông vào đánh hội đồng nhưng ông Hoan không hề nao núng, quay lưng vào một bờ tường để đánh trả.
Sau khi ông Hoan đánh ngã vài tên đàn em, những người còn lại không dám xông vào. Trần Kiệm đứng bên ngoài quan sát càng “nóng máu” nhảy vào tấn công. Giao tranh được vài chiêu thì Trần Kiệm trúng đòn nằm gục xuống đường, đám đàn em còn lại bỏ chạy hết.
“Người dân sống gần cảng luôn bị ấm ức vì bị bọn giang hồ chèn ép nhưng thấy bọn chúng bị trừng trị thì lại vỗ tay hoan nghênh rồi lan truyền câu chuyện này. Bọn giang hồ từ đó cũng tránh mặt, không dám xung đột trực diện với cha tôi nhưng không biết vì sức ép nào mà thời gian sau đó lãnh đạo cảng lại buộc cha tôi nghỉ việc”, võ sư Lê Thanh Tùng kể.
Võ sĩ Lê Thanh Tùng (bên phải) giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường trong trận chung kết hạng cân 51 kg tại giải vô địch võ thuật năm 1970
|
Bạn bè và người dân ở gần cảng khuyên ông Lê Đại Hoan mở võ đường dạy võ để mưu sinh. Khi đó, một người bạn thân bán rẻ căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận (nay là Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để gia đình ông Hoan sinh sống. Khoảng năm 1956, ông Hoan mở võ đường tại khu đất trống gần nhà để dạy võ, còn vợ gánh hàng rong đi bán kiếm tiền nuôi con.
Năm đó, ông Lê Thanh Tùng mới 6 tuổi cũng được cha dạy võ cùng thế hệ đệ tử đầu tiên như Lê Thanh Long, Lê Thanh Hiệp, Lê Thanh Sinh… Hầu hết các võ sinh tại võ đường Lê Đại Hoan đều được ông đặt biệt danh: Lê Thanh, Lê Phi hay Lê Tuấn + tên của võ sĩ. Võ đường Lê Đại Hoan đã đào tạo ra nhiều võ sĩ, võ sư nổi tiếng trong giới
võ thuật Việt Nam.
“Sinh thời, cha tôi không chỉ dạy về quyền cước mà còn chú trọng dạy đạo đức cho các học trò của mình. Trong đó, ông khuyên học trò luôn luyện võ có thành tựu phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ, đau đớn, bền bỉ. Luôn giữ vững tinh thần tối thượng võ thuật chính là khiêm cung và hành động theo hiệp nghĩa. Đỉnh cao của võ chính là đạo, là yêu thương chứ không chỉ là đòn thế tuyệt kỹ để trở thành người vô đối”, võ sư Lê Thanh Tùng nói.
Giải đấu tranh huy chương làm bằng vàng
Một trong những giải đấu làm nên tên tuổi của võ đường Lê Đại Hoan là giải vô địch võ thuật tại Hội chợ Kỹ Nông Công Thương do
Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam tổ chức ở Quận Nhất (Sài Gòn) vào năm 1970. Giải đấu có 8 trận chung kết thì võ đường Lê Đại Hoan có 4 người tham gia, gồm: Lê Thanh Ngọc hạng 46 kg, Lê Phi Hùng hạng 48 kg, Lê Thanh Tùng hạng 51 kg và Lê Thanh Tịnh hạng 54 kg.
Trong đó, võ đường Lê Đại Hoan có 2 người đoạt chức vô địch. Trong đó, Lê Thanh Tùng giành huy chương Vàng sau khi đánh thắng võ sĩ Minh Cường (của võ đường Minh Sang - ở Sài Gòn), Lê Thanh Ngọc thắng Từ Duy Tuấn (võ đường Từ Thiện, môn đệ của võ sư Hồ Văn Lành).
Võ sĩ Lê Thanh Tùng (bìa phải) giành giải vô địch năm 1970, tiếp theo là các võ sĩ Minh Cường, Lý Ngọc Long
|
Trận chung kết giữa 2 võ sĩ Lê Thanh Tịnh (võ đường Lê Đại Hoan) và Trần Mạnh Hùng (võ đường Trần Xil) trở thành đề tài bàn tán nhiều ngày sau giải đấu. Tại vòng bán kết, võ sĩ Lê Thanh Tịnh đã hạ nốc ao võ sĩ Trần Beo, đàn anh của Trần Mạnh Hùng tại võ đường Trần Xil. Vì vậy, nhiều người nghĩ võ sĩ Lê Thanh Tịnh sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong trận chung kết với Trần Mạnh Hùng.
Vào trận, võ sĩ Trần Mạnh Hùng bị đánh tơi tả nhưng đến cuối trận được xử thắng điểm. Không chấp nhận học trò bị xử bất công, ông Lê Đai Hoan quăng trả lại huy chương Bạc lên đài. Vì vậy, võ đường Lê Đại Hoan bị Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam treo găng 6 tháng.
Các võ sư, võ sinh thuộc võ phái Lê Thanh Huynh Đệ chào đón võ sư Lê Thanh Tịnh (người cầm hoa) về dự hội ngộ của môn phái
|
Những trận chung kết còn lại phần thắng thuộc Từ Thanh Nghĩa (võ đường Từ Thiện), Xuân Thanh (võ đường Xuân Bình), Hùng Nhạn (võ đường Tây Sơn Nhạn), Trần Mạnh Hiền (võ đường Trần Xil), Minh Thành (võ đường Minh Thành).
“Đây là giải đấu đầu tiên và có thể là duy nhất ở Việt Nam mà huy chương Vàng được làng bằng vàng thật. Mỗi huy chương được làm từ 5 chỉ vàng 24 K. Vì vậy, khi trao giải hay xem các ảnh chụp khi trao huy chương, nhiều người dễ dàng nhận ra huy chương Vàng rất nhỏ so với huy chương Bạc, huy chương Đồng”, võ sư Lê Thanh Tùng kể.
Sau giải đấu tại Hội chợ Kỹ Nông Công Thương, đoàn võ sĩ người Miên do võ sư Hồ Liên Ngọc (người Miên gốc Việt) dẫn đầu tìm đến võ đường Lê Đại Hoan để
thách đấu với 4 võ sĩ: Lê Thanh Ngọc, Lê Thanh Tịnh, Lê Thanh Tùng, Lê Phi Hùng. Tuy nhiên, trong 4 trận thì đoàn võ sĩ Miên thua 3 hòa 1.
Gặp lại "đối thủ" sau 50 năm
Võ sư Lê Thanh Tịnh (bìa phải) tặng hoa cho võ sư Lý Xuân Hỷ trong dịp hội ngộ của võ phái Lê Thanh Huynh Đệ
|
Năm 1970, tại Gia Lai, võ sĩ Lê Thanh Tịnh (võ đường Lê Đại Hoan) có trận đấu đáng nhớ với võ sĩ Lý Xuân Hỷ (hiện đã 81 tuổi, ở P.Đập Đá, TX.An Nhơn, Bình Định), người được mệnh danh là “Hùm xám Tây nguyên”. Cả 2 đều là võ sĩ nổi tiếng, liên tiếp giành chiến thắng mỗi khi thượng đài nên được nhiều người theo dõi. Kết quả, trọng tài xử thắng giành cho Lê Thanh Tịnh, đây là trận thua duy nhất trong đời của võ sư Lý Xuân Hỷ.
Trước khi ra Quy Nhơn dự hội ngộ võ phái Lê Thanh Huynh Đệ, võ sư Lê Thanh Tịnh đã nhờ ban tổ chức liên lạc, tìm địa chỉ nhà của võ sư Lý Xuân Hỷ để ông tự mình đến nhà thăm. Hai người vốn xem nhau như bạn bè sau trận thượng đài từ 50 năm trước nhưng đến năm nay mới có dịp hội ngộ.
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)