Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Rồng đen quy ẩn trên đèo An Khê

10/03/2017 10:37 GMT+7

Nổi tiếng trên sàn đấu lại điển trai, võ sư Phi Long (ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định) được nhiều người đẹp trao thân gửi phận nhưng cuộc đời ông luôn cô đơn.

Khát khao phát triển môn phái
Võ sư Phi Long thượng đài tổng cộng 87 trận, trong đó có 68 trận thắng knock-out, còn lại 19 trận thắng điểm hoặc hòa. Sau năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội Võ thuật H.Tây Sơn. Năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Nghĩa Bình mời ông về làm huấn luyện viên đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh (bộ môn đối kháng), phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn). Đến năm 1989, ông nghỉ việc lên Tây nguyên trồng cà phê nhưng lại thất bại. Năm 1999, ông Long dựng nhà ở đèo An Khê trên QL19, điểm nằm giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai để quy ẩn, chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu võ thuật... Để ghi dấu sự kiện này, ông Long làm bài thơ Rồng đen quy ẩn để nói lên tâm sự của mình, trong đó có những câu: Một đời oanh liệt đã qua/Rồng đen bay lượn quanh ta một thời/Ngược dòng chẳng chút thảnh thơi/Vẫn luôn canh cánh chuyện đời, võ lâm/Đêm nằm lặng lẽ âm thầm/Mở trang sử võ tím bầm ruột gan...
Nhiều người bất ngờ về điểm ở mới của võ sư Phi Long vì đây là nơi hoang vắng, không người ở, cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, ông Long cho biết mình chọn mảnh đất này để ấp ủ một dự định lâu dài cho môn phái Phi Long. Lúc ông mới có ý định, một đệ tử của ông làm nghề phong thủy, sống ở An Giang khuyên rằng tuổi của ông phải về nơi sinh ra ở quê ngoại H.An Lão (Bình Định) thì làm việc mới thuận lợi. Tuy nhiên, ông Long cho rằng vùng đất Tây Sơn, nơi khởi nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn, mới là điểm lý tưởng để phát triển võ thuật. “Tôi chọn mảnh đất rộng rãi, bằng phẳng ở đèo An Khê để xây dựng tổ đường cho môn phái. Hằng năm, các học trò tôi dạy võ ở khắp nơi sẽ đưa những đệ tử tâm đắc về đây để bái tổ, kiểm tra lại võ thuật... Sau này tôi mất đi, cơ ngơi này sẽ để lại cho một đệ tử nào tâm đắc nhất với võ thuật”, ông Long tâm sự.
Nguyện vọng của võ sư Phi Long là 63 tỉnh, thành trong nước đều có học trò của ông mở lò dạy võ. Đến nay, học trò của ông đã mở võ đường, dạy võ tại 32 tỉnh, thành và một số ở nước ngoài. Tất cả các võ đường của học trò võ sư Phi Long đều có tên bắt đầu bằng chữ Phi Long, như: Phi Long Hải (TP.HCM), Phi Long Du (Tây Ninh), Phi Long Nghĩa (Đồng Nai)... Thỉnh thoảng, sư phụ Phi Long lại ghé thăm võ đường của các học trò, truyền dạy hay kiểm tra võ thuật của các đệ tử trong môn phái.
“Nguyên tắc dạy võ của tôi là các học trò phải được trang bị thật vững cái gốc của võ cổ truyền, tránh tình trạng tam sao thất bản. Tôi dạy rất khó, học trò nào bướng thì trị ngay nhưng dần dần rồi họ sẽ hiểu và biết ơn tôi. Tôi không giàu, nhưng bây giờ muốn đi ra bắc hay vào nam đều dễ, chỉ cần điện báo cho học trò biết để lo liệu là xong. Thậm chí, bây giờ tôi đi chơi mà lại có nhiều tiền hơn đi làm”, võ sư Phi Long cười đầy mãn nguyện.
Cao thủ cô đơn
Võ sư Phi Long cho biết mình đã có 12 đời vợ và 6 người con (3 trai và 3 gái). Ngoài ra, ông còn có nhiều người tình. Rất nhiều người trong số này được xem là “sắc nước hương trời”. Người vợ cuối cùng của võ sư Phi Long là bà Trần Thị Cần cũng rời đất Đồng Phó lên đèo An Khê ở với ông. Năm 2009, bà Cần trở về Đồng Phó sinh sống, ông Long lại trở thành người cô đơn.
“Người ta nói trai ham sắc, gái ham tài mà. Tôi nổi danh trên sàn đấu, cao lớn nhưng lại trắng trẻo như thư sinh nên nhiều phụ nữ mê. Người đàn ông nào thấy gái đẹp không mê, tôi cũng muốn xây dựng một gia đình yên ấm, hạnh phúc với cô gái xinh đẹp như mọi người. Nhưng vì tôi quá đam mê võ thuật, lơ là chuyện vợ con nên họ dần xa tôi”, võ sư Phi Long nói.
Sống một mình giữa núi rừng, ngoài thời gian chăm sóc cây cảnh, võ sư Phi Long lại chuyên tâm vào nghiên cứu võ thuật và các bài thuốc võ. Theo ông, võ học phải dùng nhu thắng cương mới hay chứ dùng mạnh thắng yếu chỉ là chuyện đương nhiên. Những ngày này, võ sư Phi Long đang chuyên tâm vào nghiên cứu, kết hợp hầu quyền với lợi thế là sự nhanh nhẹn và miêu quyền với lợi thế uyển chuyển, nhẹ nhàng. Ngoài ra, ông Long còn cho rằng người luyện võ, ngoài thể lực còn phải luyện rất nhiều thứ như: luyện mắt, tai, mũi...

tin liên quan

Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Tầm sư học võ
Nổi tiếng trong giới võ thuật từ trước năm 1975, nay đã quy ẩn nhiều năm nhưng những giai thoại về võ sư Phi Long, người được mệnh danh là “Độc cô cầu bại của võ thuật VN” vẫn được nhiều người truyền tụng.
Nhờ luyện tập võ thuật thường xuyên, dù đã 73 tuổi nhưng võ sư Phi Long vẫn giữ được vóc dáng như thanh niên, dáng đi thẳng đứng, nhanh nhẹn. Mới năm ngoái, ông còn cưỡi xe máy từ Bình Định vào Ninh Thuận thăm học trò. “Già rồi, sống một mình cũng thấy cô đơn chứ, khi trái gió trở trời nằm một mình trên đèo cũng nguy hiểm. Tôi đâu có nấu ăn, toàn ăn quán suốt mấy năm nay. Có vài phụ nữ muốn tôi đến sống với họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn sống ở đây, vì còn phải thực hiện nhiều ý định về võ thuật đang còn dang dở”, võ sư Phi Long tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.