Hạ võ sĩ muay Thái
Năm 1966, Tổng cuộc Quyền thuật VN (ở miền Nam VN) tổ chức giải vô địch quốc gia. Sau khi hạ nhiều võ sĩ ở các vòng loại, trong 3 đêm cuối cùng võ sư Phi Long hạ liên tiếp 3 võ sĩ của võ đường Kim Kê rất nổi tiếng thời đó để đoạt chức vô địch.
Năm 1968, võ sư Phi Long tiếp tục giành chức vô địch tại giải võ thuật toàn Đông Dương mở rộng, có sự tham gia của các võ sĩ đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Sau trận chung kết, một số võ sư Thái Lan cho rằng võ cổ truyền VN ăn cắp các đòn, thế của họ và của võ cổ truyền Trung Quốc, khiến nhiều võ sư VN rất tức giận. Thậm chí, võ sĩ muay Thái không tin vào khả năng của nhà vô địch Đông Dương và thách đấu với võ sư Phi Long.
Lúc đó, võ sư Phi Long giải thích võ cổ truyền VN và vịnh xuân quyền của Trung Quốc giống nhau về đường quyền nhưng vẫn có nhiều điểm khác nhau; điểm cơ bản là khi đảo bộ thì võ cổ truyền VN úp bàn tay trong khi vịnh xuân quyền ngửa bàn tay. Muay Thái và võ cổ truyền VN có giống nhau về đường đánh là gối và chỏ. Tuy nhiên, muay Thái chỉ có chỏ tới và gối bay còn võ cổ truyền VN rất đa dạng về các đòn chỏ và gối. Các võ sĩ Thái Lan không tin nên võ sư Phi Long tức giận nói: “Trong chiến tranh, người Thái từng bại dưới tay người Việt thì chúng tôi ăn cắp võ thuật để làm gì. Nếu không tin, lên đài, tôi đánh nhiều đòn gối, chỏ cho thấy điểm mạnh của võ cổ truyền VN”. Ông Long cũng tuyên bố trước nhiều người là sẽ đánh nốc ao võ sĩ muay Thái ngay trong hiệp 2.
Trận đài quy định có 3 hiệp đấu nhưng khi hiệp đấu thứ 2 diễn ra được 2 phút thì võ sĩ muay Thái đã bị võ sư Phi Long hạ nốc ao. Không một võ sư, võ sĩ nào dám lên đài thách đấu với ông nữa. “Khi lên đài, lối đánh của muay Thái thế nào thì võ sĩ họ cứ đánh theo thế ấy. Còn tôi, tôi cũng đánh theo sở trường của mình là dùng đòn chân nhiều hơn đòn tay. Qua nhiều trận thượng đài, tôi nhận ra rằng một cái đá có tác dụng bằng ba cái đánh. Khi đánh nhau, nếu dùng tay đánh liên tục 3 đòn vào một vị trí thì đối phương mới thấm đòn nhưng tôi đánh trúng một đòn chân thì có thể hạ nốc ao. Đòn chân có ưu thế dài hơn, mạnh hơn đòn tay nhưng muốn sử dụng nó thì phải tập luyện cho nhiều, chứ đưa một chân lên đá thì dễ mất thăng bằng”, võ sư Phi Long nói.
tin liên quan
Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Suýt bỏ mạng vì bị trả thùBất bại trên sàn đấu nhưng võ sư Phi Long (73 tuổi, ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định) đã nhiều lần bị đối thủ đánh “chết đi sống lại” để trả thù.
Truyền đòn hiểm cho Lê Cung
Tại Nhà hát Hoa Mộc Lan (Kon Tum), võ sư Phi Long cũng có trận thượng đài đáng nhớ với một võ sĩ gốc Campuchia rất nổi tiếng đương thời là Lam Chinh, vốn là lính tăng thiết giáp của chính quyền Sài Gòn. Lam Chinh thủ đài, tuyên bố thách đấu sinh tử với mọi võ sĩ. Khi ông Long thách đấu thì Lam Chinh nhận lời ngay và tuyên bố sẽ hạ đối phương trong hiệp 1. Nhiều võ sư ở Tây nguyên khuyên ông Long không nên đấu vì Lam Chinh không chỉ mạnh, giỏi võ mà còn có bùa chú... Tuy nhiên, ông Long nhận ra rằng khi thượng đài, Lam Chinh cậy khỏe, hay gồng cơ thể lên chịu đòn, chờ đối phương sơ hở là ra đòn hiểm để hạ gục. Khi trận đấu diễn ra, ông Long di chuyển linh hoạt, liên tục tấn công vào các điểm yếu của Lam Chinh như mắt, tai... khiến đối thủ ngã gục ngay trong hiệp 1.
“Tôi tấn công liên tục nên Lam Chinh bối rối, không triển khai được các đòn đánh sở trường của mình. Khi Lam Chinh lùi về sau để tránh đòn tay thì tôi tung đòn đạp hậu bằng chân sở trường. Trúng đòn quá mạnh, Lam Chinh gục ngay”, võ sư Phi Long kể.
Võ sư Phi Long tiết lộ rằng năm 2001, võ sĩ Lê Cung (võ sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Việt thường gọi là Cung Lê) từng được ông chỉ điểm nhiều đòn hiểm, trong đó có đòn đạp hậu. Đến nay, võ sĩ Lê Cung vẫn sử dụng các kỹ thuật đánh này trong những lần thượng đài để hạ gục đối phương.
Thông qua các võ sĩ và đệ tử của võ sư Phi Long tại Mỹ, Lê Cung nghe kể về tiếng tăm và những kỹ thuật thượng đài của ông. Trong lần về VN, Lê Cung tìm đến võ sư Phi Long xin chỉ điểm. Khi gặp nhau, ông Long nói mình đã xem nhiều trận đấu của Lê Cung nên biết rõ sở trường, sở đoản của võ sĩ này, biết Lê Cung học được nhiều kỹ thuật đánh rất hay... Trong vòng một ngày, võ sư Phi Long chỉ điểm cho võ sĩ Lê Cung 5 đòn độc để hạ đối phương, gồm: Phản tiền chi hậu, đồng tử bái Quan Âm, liên hoàn cước, nghịch lân cước, không tâm cước. Sau đó, 2 người đi chơi cùng nhau vài ngày để trao đổi về võ thuật.
“Lê Cung là võ sĩ tài năng, sở hữu nhiều kỹ thuật thượng đài độc đáo. Tôi hay xem những trận đấu của Lê Cung trên truyền hình, cậu ta vẫn hay sử dụng những đòn mà tôi chỉ điểm cho. Cũng giống như tôi, Lê Cung hay hạ đối phương bằng đòn đạp hậu này sau khi đã tấn công dồn dập”, võ sư Phi Long nói.
Bình luận (0)