Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Tầm sư học võ

Nổi tiếng trong giới võ thuật từ trước năm 1975, nay đã quy ẩn nhiều năm nhưng những giai thoại về võ sư Phi Long, người được mệnh danh là “Độc cô cầu bại của võ thuật VN” vẫn được nhiều người truyền tụng.

Chỉ muốn học võ
Võ sư Phi Long tên thật là Trần Quốc Long (năm nay 73 tuổi, ở thị tứ Đồng Phó, thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định). Ông nội võ sư Phi Long là cụ Trần Chư, đã có 10 lần từ huyện Bình Khê (nay thuộc H.Tây Sơn) ra kinh đô Huế thi võ dưới thời triều Nguyễn nên người dân địa phương hay gọi là ông Mười Kinh. Cha võ sư Phi Long là cụ Trần Nghĩa Sỹ và người bác là cụ Trần Lại đều nổi tiếng về võ thuật ở địa phương. Ông Long được cha, sau đó là người bác truyền dạy võ nghệ từ nhỏ.
“Lớp võ của bác Bốn Lại hay luyện tập bên bờ sông Côn, đoạn chảy qua Đồng Phó. Ngoài tôi, lớp võ còn có 37 võ sinh khác. Một chiều thứ tư, lớp võ đang luyện tập thì bất ngờ bị sét đánh trúng, cả thầy và 36 đệ tử đều bị chết, chỉ có ông Nguyễn Thềm ở Đồng Phó may mắn thoát chết. Lúc đó, tôi đang đi học chữ không tham gia luyện võ nên may mắn thoát nạn”, võ sư Phi Long nhớ lại.
Thi đấu để kiểm tra trình độ võ thuật
Võ sư Phi Long tâm sự: “Tôi thi đấu không phải vì tiền, vì cái danh mà muốn kiểm tra trình độ võ thuật của mình đến đâu. Tôi lưu lạc khắp các tỉnh, thành ở miền Nam, mỗi khi nghe tổ chức đấu đài thì đến, gọi tên ngay người nổi tiếng nhất mà thách đấu. Nhờ sàn đấu, tôi trui rèn kỹ thuật đánh đài của mình, thoát ra rất nhiều so với các bài quyền cổ truyền”
Sau sự kiện kinh hoàng này, ông Long không được cha cho học võ, bắt tập trung vào học chữ. Được một thời gian, ông Long thưa với cha là “con học cái chữ không vào, chỉ muốn học võ thôi”. Ông Sỹ lần lượt mời những võ sư nổi tiếng đương thời như Nguyễn Thái Sơn (ở H.Hoài Ân, Bình Định), Trịnh Thiếu Anh (ở H.Hoài Nhơn, Bình Định) về nhà dạy võ cho ông Long. “Mỗi ngày luyện võ với thầy 2 buổi, được gia đình chu cấp rất kỹ về ăn uống nên tôi tiến bộ rất nhanh. Nhưng học với thầy Trịnh Thiếu Anh một năm thì xảy ra chiến tranh, thầy về quê nhà nên việc học võ của tôi lại dang dở. Chưa hài lòng với khả năng võ nghệ của mình, tôi tự tìm thầy võ nổi tiếng để học”, võ sư Phi Long kể.
Ông Long tìm đến nhà võ sư Huỳnh Liễu (còn gọi là Hương Kiểm Kính, ở xã Cát Hiệp, H.Phù Cát, Bình Định) xin học võ. Học được một năm, gia đình ông Liễu chuyển vào Phú Tài (TP.Quy Nhơn) nên ông Long cũng theo gia đình thầy để tiếp tục luyện võ thêm 2 năm nữa. Ông Long cùng con trai của ông Liễu là Huỳnh Thảo mở võ đường Phi Long Thảo. Ông Long bắt đầu sự nghiệp đánh đài và ngày càng nổi tiếng.
Khổ luyện từ sàn đấu
Võ đường Phi Long Thảo chỉ tham gia những trận đài ở tỉnh Bình Định nên ông Long tìm các võ đường khác để thử sức bên ngoài tỉnh. Đầu tiên, ông tham gia thi đấu cho võ đường của võ sư Lý Xuân Tạo (bác của võ sư Lý Xuân Hỷ, ở TX.An Nhơn, Bình Định) với tên Lý Quốc Long. Nhờ liên tục đánh thắng nên ông Long được võ sư Lý Xuân Tạo trả công mỗi trận đấu rất cao, từ 70.000 - 75.000 đồng/trận (thời điểm này mua một chiếc Honda 67 chỉ khoảng 37.000 đồng).
Đấu cho võ đường Lý Xuân Tạo, tên tuổi của ông Long nổi tiếng khắp Tây nguyên. Trong khi đó, ngay tại quê nhà ở H.Tây Sơn cũng có một võ sĩ nổi danh “không có đối thủ” là Hai Hượt (tên là Đỗ Hượt, học trò của võ sư Phan Thọ). Ông Long về quê tìm Hai Hượt thách đấu và tuyên bố sẽ hạ đối thủ ở hiệp đấu thứ nhất. Hai Hượt nhận lời, hai bên ký giao kèo sinh tử, thi đấu tại Trường hát Hồng Lạc ở Phú Phong (H.Tây Sơn). Tuy nhiên, sau khi nghe nhiều lời can ngăn của bạn bè, ông Hượt biết đối thủ của mình là một tay đấm nổi tiếng, chưa từng thất bại trên sàn đấu nên xin xả độ, hủy trận đấu.
Năm 1968, ông Long có trận thượng đài với một võ sĩ tên Trần Lâm tại võ đài Cam Phúc ở TX.Cam Ranh (Khánh Hòa). Bạn bè của Trần Lâm có rất nhiều người đi lính cho chế độ Sài Gòn mang cả súng, lựu đạn đến xem, cổ vũ rất đông. Đến hiệp đấu thứ hai, ông Long hạ nốc ao Trần Lâm. Khi ông Long vừa bước xuống đài thì có người cầm 2 viên gạch chạy đến tấn công tới tấp. Ông Long tháo chạy ra ngoài thì bị bạn của Trần Lâm ném lựu đạn đuổi theo. Có 4 quả lựu đạn được ném ra, ông Long may mắn chạy thoát nhưng có rất nhiều người khác thương vong.
Theo võ sư Phi Long, trước năm 1975, ở miền Nam có 3 tay đấm rất nổi tiếng là Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Minh Sang thì ông may mắn được 2 người trong số này chỉ dạy. Võ đường của võ sư Huỳnh Tiền (có biệt danh Cáo già miền Nam) có nhiều võ sĩ thượng đài giỏi nhưng khi nghe danh ông Long, võ sư Huỳnh Tiền cũng lôi kéo về thi đấu cho võ đường của mình. Khi thi đấu cho võ đường Huỳnh Tiền, ông Long lấy tên là Huỳnh Long.
Võ sư Minh Cảnh là nhà vô địch Đông Dương về quyền thuật, được mệnh danh là Võ vương Minh Cảnh, từng thắng được võ sư Huỳnh Tiền trên sàn đấu. Võ sư Minh Cảnh có một đệ tử rất nổi tiếng là Minh Chảy. Trong lần thượng đài tại Biên Hòa (Đồng Nai), ông Long hạ nốc ao võ sĩ Minh Chảy. Ngay đêm đó, võ sư Minh Cảnh nhận ông Long làm con nuôi và mời ông về thi đấu cho võ đường của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.