'Nếu là hoa xin làm hoa anh đào, nếu là người xin làm người võ sĩ' - câu nói nổi tiếng của người Nhật nhằm đề cao loài thánh hoa và những samurai trí dũng làm nên biểu tượng cho xứ Phù Tang.
Thành Matsumoto vào mùa hoa anh đào nở rộ - Ảnh: shutterstock |
Giữa cơn mua phùn rét buốt khi bầu trời đã sẩm tối, chiếc xe uyển chuyển băng qua con đường núi quanh co, đưa chúng tôi đến một trong những dấu tích còn lại của một thời đất nước Nhật Bản bị thao túng bởi các Mạc phủ. Thành Gifu, ở tỉnh Gifu, thấp thoáng hiện ra trên đỉnh núi cao chót vót.
Đến lưng chừng núi, chiếc xe dừng lại để đoàn khách tiếp tục hành trình bằng cáp treo. Những tưởng cáp treo có thể đưa mọi người lên đỉnh - nơi thành Gifu tọa lạc, nhưng chúng tôi còn phải vượt qua chặng thứ ba là những bậc thang hẹp, khúc khuỷu đến mức các lan can, tay vịn không đủ để mọi người an tâm. Trời càng lúc càng tối khiến chúng tôi thắc mắc hàng trăm năm trước, khi chưa có đèn điện và những phương tiện hiện đại, các ninja làm sao có thể đột nhập vào thành giữa trời tối với đường đi gập ghềnh như thế.
Tương truyền rằng ninja không chỉ thoắt ẩn thoắt hiện, leo trèo điệu nghệ, võ nghệ cao cường, thuần thục nhiều loại vũ khí, bắn cung tên và thổi ám khí cực kỳ chính xác... mà còn có khả năng ngụy trang tài tình, trí nhớ tuyệt vời. Ninja gắn liền với hình ảnh những kẻ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, mà đôi khi chỉ là các hợp đồng giết mướn, do thám, tập kích… nhằm thỏa mãn tham vọng tranh hùng xưng bá của các lãnh chúa suốt thời kỳ Mạc phủ kéo dài từ cuối thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 19. Đó là giai đoạn Thiên hoàng chủ yếu đóng vai trò bù nhìn, chính quyền nằm trong tay tầng lớp võ sĩ được biểu trưng bởi lực lượng samurai.
Các lỗ châu mai trong thành Matsumoto
|
Một số khí giới người Nhật từng dùng thời Mạc phủ - Ảnh: Ngô Minh Trí
|
Samurai không như người ta tưởng
Về mặt ngữ nghĩa, samurai có nghĩa là những kẻ hầu người hạ, nên danh xưng này không tương xứng với vị thế của các samurai. Do vậy, danh xưng samurai hầu như chỉ được người nước ngoài sử dụng, còn người Nhật đơn giản gọi các samurai là bushi, tức võ sĩ. Rộng hơn, bushi không chỉ đại diện tầng lớp trên trong số thuộc hạ của các Shōgun (mạc chúa) hay các Daimyō (lãnh chúa) trấn giữ các vùng miền mà còn là đại diện cho cả một tầng lớp lớn hơn, bao gồm cả các Shōgun và Daimyō, hành xử đúng tinh thần bushido - võ sĩ đạo.
Nói là đạo, bởi đó là một hệ thống quy tắc gắn liền tinh thần thượng võ, quân tử dành cho những bậc trí dũng. Từ nhỏ, những bushi đã được học hành tử tế, thậm chí còn thuần thục cả cầm kỳ thi họa, lễ nghĩa, am hiểu tổ chức trận mạc. Vì thế, các bushi không chỉ là những tay võ biền, chỉ biết đánh nhau chém giết như nhiều tác phẩm điện ảnh lột tả, mà còn là những con người văn võ song toàn.
Đặc biệt, các bushi luôn thấm nhuần lòng trung thành, nên thường suốt đời chỉ phục vụ một chủ. Chủ nhân qua đời, họ lại tiếp tục phục vụ cho con cháu của chủ nhân. Nếu vì một lý do nào đó, chủ nhân qua đời và con cháu của chủ nhân cũng không còn, các bushi sẽ trở thành kẻ vô chủ và được gọi là ronin - lãng nhân, lang bạt hết phần đời còn lại. Tất cả những phẩm chất ấy khiến hầu hết giai tầng trong xã hội phong kiến Nhật Bản đều kính trọng các bushi. Cho nên, nếu có phạm phải lỗi lầm lớn đến mức phải trả giá bằng cái chết, các bushi thường được ban cho một cái chết danh dự bằng nghi thức seppuku - tự mổ bụng. Trước khi thực hiện nghi thức này, nhiều tay kiếm còn tự viết một bài thơ để chiêm nghiệm về cuộc đời.
Đối với các bushi đích thực, cái chết chỉ nhẹ như một bông hoa anh đào - loài hoa tàn khi nó đẹp nhất. Theo truyền thuyết, hoa anh đào ra đời từ cái chết của một bushi, người tự rạch bụng mình để tạ lỗi với người yêu. Sau một đêm, tuyết đã phủ kín thân thể chàng võ sĩ bên ngôi mộ của người yêu. Sáng hôm sau, trên lớp tuyết trắng chỉ còn loài hoa lạ mơn mởn thắm tươi và người ta gọi tên là hoa anh đào. Bởi thế, người Nhật vẫn gọi hoa anh đào là linh hồn của người võ sĩ.
Bộ giáp của một bushi - Ảnh: Ngô Minh Trí
|
Ngôi thành Quạ Đen
Samurai - sakura không chỉ là cặp biểu tượng trong truyền thuyết của người Nhật mà còn song hành ở những dấu tích xưa cũ từ thời Mạc phủ đến nay. Bằng chứng thể hiện rõ nhất chính là khi người ta tìm đến thành Matsumoto, còn mang tên thành Quạ Đen, là một trong bốn lâu đài quốc bảo và thuộc loại cổ nhất còn sót lại ở xứ sở Phù Tang.
Lâu đài chính bên trong thành dù cao đến 6 tầng nhưng ngoại trừ chân nền được làm từ những tảng đá lớn xếp lại, phần còn lại chủ yếu được làm từ những cây gỗ lớn được thiết kế cực kỳ công phu. Bên trong là một cấu trúc phức tạp với những cầu thang rất dốc, nối liền các tầng lầu. Tuy là một lâu đài, nhưng tòa nhà này chính xác lại là boong ke phòng thủ, chiến đấu sau cùng của lãnh chúa, còn gia đình lãnh chúa sống trong khu nhà lân cận. Đan xen trên những bức vách là những lỗ châu mai để những người thủ thành có thể bắn tên, nổ súng chống lại kẻ địch. Đến nay, bên trong tòa nhà này vẫn còn lưu giữ hầu hết các loại khí giới phổ biến mà người Nhật từng dùng suốt thời Mạc phủ như kiếm, giáo mác, cung tên, súng hỏa mai, quả nổ...
Từ trên nhìn xuống, người ta có thể thấy rất rõ khu vực rộng lớn được làm nơi sinh sống của các bushi. Khu đất bao quanh thành còn được rải kín sỏi đóng vai trò của một hệ thống cảnh báo, bởi nền sỏi sẽ giúp tạo nên tiếng ồn lớn hơn khi bị một lực lượng nào tiến quân tấn công. Bao quanh còn có những cây hoa anh đào được trồng khá nhiều. Đây là loại cây gần như không thể thiếu bên trong các thành trì ở Nhật. Bởi chúng không chỉ tô điểm, tạo nên sắc thắm vào mỗi độ xuân về, mà còn là nguồn thực phẩm cho các võ sĩ trong những lúc thành bị vây khốn.
Ngày nay, những ngôi nhà của các võ sĩ không còn nữa, các bushi cuối cùng cũng đã trở thành người thiên cổ. Mạc phủ thì càng lùi xa vào dĩ vãng để lại một nước Nhật hiện đại, với vị Thiên hoàng đang sống an bình trong hoàng cung vốn là thành trì của Mạc phủ sau cùng - Mạc phủ Tokugawa. Thứ trường tồn đến ngày nay chỉ là dân tộc Nhật Bản cùng hoa anh đào, loài hoa không phải là quốc hoa mà chính xác là thánh hoa đối với họ.
Bình luận (0)