Võ sư Võ Thiện Đường - Ảnh tư liệu
Miếu thờ Bạch Hổ ở đình Tân Lộc Đông (khu vực Tân Mỹ, P.Tân Lộc) |
Vang danh khắp Đông Dương
Vào những năm 1935 - 1965, Thốt Nốt được coi là trung tâm võ đài của miền Tây. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Nô (tác giả cuốn biên khảo Người Thốt Nốt xưa và nay), thời đó, ở Thốt Nốt xuất hiện cùng lúc 3 lò luyện võ: lò võ của võ sư Đỗ Văn Hoằng (Ba Hoằng) ở cù lao Tân Lộc, lò võ của võ sư Sáu Kiết ở Trung An (Trà Ếch) và lò võ Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt (Trà Bay). Trong đó, lò võ Bạch Hổ được người đời biết đến nhiều nhất và tiếng tăm còn đến tận ngày nay.
Võ sư Võ Thiện Đường (Năm Đường) sinh năm 1912 tại Tân Lộc Tây, Thốt Nốt. Sau khi lập gia đình, ông về sống luôn bên vợ ở Trà Bay, nay là P.Thốt Nốt (Q.Thốt Nốt). Từ hồi thanh niên, ông đã có cơ hội thọ giáo nhiều võ sư danh tiếng với các trường phái như: Thiếu lâm tự, quyền anh, taekwondo và võ cổ truyền dân tộc. Ngoài ra, ông còn học thêm cả cách đánh bốc của võ Thái Lan để chuẩn bị cho những chuyến “thượng đài” ở nước bạn. Điểm độc đáo của Võ Thiện Đường là ông còn nghiên cứu cả thế đánh dưới nước, thế đá của gà chọi… để sáng tạo nên thế võ cho riêng mình. Những đòn này đều trở thành “bí kíp”, làm rạng danh võ đường Bạch Hổ về sau.
Năm 1938, ông quyết định sang Campuchia để thi thố tài năng. Hai trận đầu tiên hạ võ sĩ người Thái bằng những đòn trí mạng ở Xiêm Riệp đã mở đường cho ông. Đến thủ đô Nam Vang, ông tiếp tục đánh bại những đối thủ người Miên, Lào, Miến Điện… Thời điểm này, tên tuổi của Võ Thiện Đường đã vang khắp Đông Dương.
Võ đường Bạch Hổ
Năm 1943, ông trở về nước và cưới vợ. Niềm say mê nghiệp tổ không dứt, ông chu du khắp các võ đài miền Trung, miền Nam từ Đà Nẵng, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn, rồi trở về các tỉnh miền Tây. Võ Thiện Đường cũng từng chạm trán với những võ sĩ của vùng Thất Sơn.
Trước tài nghệ của Võ Thiện Đường, người đời đã tặng ông danh xưng Bạch Hổ. Nhà nghiên cứu Đoàn Nô lý giải: “Bạch Hổ là “tướng tinh”, biểu tượng sức mạnh của Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu. Cọp là chúa tể sơn lâm, cọp trắng lại là chúa tể của chúa tể, ngầm ý nói Võ Thiện Đường là nhà vô địch”. Ngoài ra, Bạch Hổ còn gắn liền với truyền thuyết về con cọp trắng thường lội qua sông đến ở cù lao Tân Lộc vào mùa nước nổi những năm 1780 - 1800. Hiện nay, miếu thờ Bạch Hổ vẫn còn ở chùa Ông Đạo Xuân (khu vực Lân Thạnh, P.Tân Lộc), đình Tân Lộc Đông (khu vực Tân Mỹ, P.Tân Lộc). Hằng năm, vào ngày vía Bà Chúa Xứ, người dân địa phương vẫn tổ chức cúng, dâng tờ cử… xin Bạch Hổ bảo vệ dân làng.
Võ Thiện Đường đã từng dạy võ vào những năm đầu thập niên 50 nhưng đến năm 1959, ông mới thực sự “đăng đàn thượng bảng”. Xuất phát từ danh hiệu được người đời dành tặng và cả câu chuyện truyền thuyết, ông đã đặt tên lò võ của mình là võ đường Bạch Hổ. Lò võ Bạch Hổ đã góp phần không nhỏ giữ yên bình cho vùng đất Thốt Nốt khi dạy cho người dân những thế võ phòng thân. Nhờ đó đã đẩy lùi những tên cướp táo tợn với hành động tống tiền, thậm chí giết người vào những năm 1958 - 1960.
Không chỉ học võ để tự vệ, người dân Thốt Nốt còn hăng hái tham gia các cuộc thi đấu. Ông Vũ Quốc Hải, ông “chánh bái” đình làng Tân Lộc Đông, cho biết hồi xưa, vào mỗi dịp lễ kỳ yên, ngoài mời các gánh hát bội tới biểu diễn, đình còn tổ chức những cuộc giao lưu võ thuật rất sôi nổi. Đặc biệt, nơi nào có sự xuất hiện của võ sư Võ Thiện Đường, nơi đó thu hút đông đảo bà con đến xem. Thời đó, người ta còn coi đánh võ là nghề có thể kiếm sống được. Tới nay, ở Thốt Nốt còn lưu truyền mấy câu ca dao: “Chợ Thốt Nốt có lập đàn khán võ/ Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông/ Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng/ Để anh đi đánh võ kiếm tiền đồng nuôi em”.
Năm 1985, võ sư Võ Thiện Đường qua đời vì bệnh nặng trong hoàn cảnh thiếu thốn, không tiền chạy chữa.
Hương Giang
Bình luận (0)