Vô tư xài sách sao chép - Kỳ 1: Những chiêu “luộc” sách tinh vi

21/08/2011 17:52 GMT+7

Từ các trung tâm ngoại ngữ đến trường học, giáo viên, học viên và sinh viên sử dụng giáo trình, tài liệu học tập… chủ yếu ở dạng photo và xem đó là chuyện bình thường.

Gần đây, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) họp báo công bố danh tính cụ thể gần 10 trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM ngang nhiên “luộc” 2 bộ sách TOEIC và TOEFL iBT cùng toàn bộ đĩa CD do đơn vị này mua bản quyền từ Tập đoàn xuất bản Compass Media-Mỹ.

Điều đáng nói, sau khi bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều trung tâm ngoại ngữ vẫn công khai lưu hành những cuốn sách photo, CD sao chép.


Ngổn ngang đĩa sách lậu - Ảnh: Như lịch

Bìa mình, “ruột” người

Tối 3.8, trong vai người đến tìm hiểu đăng ký học Anh văn tại cơ sở Úc Châu 1, chúng tôi được nhân viên ghi danh đưa ra những “giáo trình” tiếp thị, trong đó có  những cuốn sách TOIEC photo có bìa in màu, nhưng bên trong là  trắng đen, mỗi trang đều có logo của First News.

Ý kiến

Phát miễn phí cũng vi phạm luật!

Việc nhiều trường, trung tâm tự ý sao chép, phát hành các giáo trình dạy học ngoại ngữ để thu lợi nhuận là không thuộc trường hợp “không phải xin phép” như quy định trong điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) vì trực tiếp xâm phạm bản quyền của nhà xuất bản, đơn vị có giữ bản quyền công bố, phát hành.

Các trung tâm sao chép nhiều bản để phát cho các học viên sử dụng, kể cả việc có hay không có thu phí vẫn bị xem là hành vi xâm phạm bản quyền như đề cập tại điều 25 và điều 33 Luật SHTT. Tương tự, điều 28 Luật SHTT nghiêm cấm hành vi phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Các hành vi vi phạm trên tùy theo mức độ vi phạm, giá trị, số lượng các xuất bản phẩm bị sao chép, in ấn mà có thể bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng cho đến 500 triệu đồng (điều 23 Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13.5.2009 xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan). Thậm chí, hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan có quy mô thương mại theo điều 170 (a) Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009.

Luật sư Châu Huy Quang - Hãng luật LCT Lawyers

Đầu giờ chiều 4.8, tại cơ sở Úc Châu 3 (số 727 - 729 - 733 đường Kha Vạn Cân, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức), trong vai một phụ huynh muốn tìm hiểu các lớp học TOIEC cho con em, chúng tôi được cô nhân viên tên H. bán 3 quyển sách TOEIC photo (Developing Skills for the TOEIC Test, Starter TOEIC và TOEIC Analyst) và kèm 3 bộ CD với giá  tổng cộng 270 ngàn đồng. Khi chúng tôi đề nghị ghi hóa đơn thì cô H. nói: “Không cần hóa đơn đâu chị. Nếu CD nghe bị trục trặc, trong vòng 3 ngày từ khi mua đem ra đây tụi em sẽ đổi cho”. “Nhưng không có hóa đơn chứng minh mua ở đây, làm sao đổi được?” - chúng tôi hỏi. Cô H. đáp: “Được chứ chị! Nhìn hình màu hoa in trên CD là tụi em biết ngay là của trường mình”.

Không ít trung tâm ngoại ngữ đã “sáng tạo” ra những cách “luộc” sách khác nhau.

Trong đó, Trung tâm ngoại ngữ Anh văn Hội Việt - Úc (Vietnam-Australia Society, viết tắt là VAS) có cách “luộc”  sách “đáng nể” nhất. Thoạt nhìn, ai cũng ngỡ trung tâm ngoại ngữ này có giáo trình riêng biệt bởi lẽ, ở trang bìa sách và  CD “luộc” đều có logo, tên của VAS. Đặc biệt, trên đĩa lẫn sách luôn luôn có dòng chữ “For internal use, non-commercial” (tạm dịch: Chỉ sử dụng nội bộ, không vì mục đích thương mại) (?!). Tuy nhiên, chiều ngày 10.8, tại chi nhánh 2 VAS (số 429 Tùng Thiện Vương, P.12, Q.8), trong vai người đến tìm hiểu thông tin để đăng ký khóa học, anh S.- cộng tác viên bộ phận pháp chế của First News dễ dàng mua được quyển Starter TOEIC photo còn rất mới với giá 50 ngàn đồng kèm với 2 đĩa CD lậu là 20 ngàn đồng (có phiếu thu). Mặc dù “luộc” toàn bộ quyển Starter TOEIC nhưng VAS cũng cho ghi tên trường và logo trên bìa sách, bên dưới cũng vẫn trung thành với dòng chữ ‘“For internal use, non-commercial”.

Với nhiều quyển TOEIC khác, VAS “luộc” tinh vi hơn vì không ghi tựa sách gốc cũng như cắt bỏ một số phần, nhất là lời giới thiệu về bản quyền của First News. Giá các quyển sách cũng thể hiện sự tinh vi khiến nhiều người dễ nhầm tưởng giá sách photo của VAS rẻ hơn sách gốc. Chẳng hạn, quyển sách VAS tự đặt tựa là TOEIC 2 dày 215 trang, được bán với giá 45 ngàn đồng kèm 2 CD giá 20 ngàn đồng nữa. Thực chất, đây là cuốn sách copy từ quyển  Developing Skills for TOEIC Test dày 271 trang, có giá 72 ngàn đồng. Tương tự, quyển TOEIC chỉ có 119 trang (giá 25 ngàn đồng, chưa kể kèm theo 2 đĩa lậu có giá 10 ngàn đồng/CD), đã “luộc” từ quyển TOEIC Analyst dày gấp đôi, với giá là 54 ngàn đồng.

Bán sách đĩa lậu giá cao

Một trong những cơ sở ngoại ngữ được liệt kê trong “danh sách nối dài” vi phạm bản quyền của First News chính là trường Anh ngữ Quốc tế Hello (Q.Tân Bình). Ngày 12.8, Hello bán nhiều sách TOEIC cùng đĩa lậu cho một  thanh niên đóng vai  học viên đến đăng ký khóa học. Hello đã đưa ra hai phiếu xuất kho không rõ xuất xứ kèm theo dòng chữ “không giải quyết mọi trường hợp mất biên lai - Học phí đã đóng không hoàn trả lại”. Trong đó, một phiếu ghi tên 4 quyển sách TOEIC photo, với giá tổng cộng 180 ngàn đồng (45 ngàn đồng/quyển). Còn phiếu kia là 8 CD lậu kèm theo sách, với tổng giá 120 ngàn đồng. Đáng lưu ý, giá đĩa lậu ở Hello được bán 15 ngàn đồng/đĩa, cao hơn 50% giá đĩa gốc.

Bên cạnh những chiêu thức trên, một số trường đã phân tách quyển sách gốc thành nhiều phần, làm thành nhiều quyển riêng để thu lợi. Trung tâm Anh ngữ quốc tế Cali đã chia quyển sách gốc Developing Skills for the TOEFL iBT

(Intermediate) dày 753 trang làm thành 2 quyển sách cùng tên, trong đó một quyển đóng bìa màu hồng được chép từ trang 1 đến trang 333; quyển còn lại có bìa màu vàng, copy từ trang 337 đến trang 753. Điều đáng nói, 2 quyển sách trên Cali bán với giá 200 ngàn đồng trong khi sách gốc giá 130.000 đồng, tức sách lậu đắt hơn sách gốc đến 54%!

Đối với đĩa sao chép, nhiều nơi cũng cố tình bán cao hơn cả đĩa gốc (10 ngàn đồng/đĩa gốc). Cụ thể, Trung tâm u Việt Úc bán với giá 12 ngàn đồng/đĩa. Trong khi đó, mặc dù có sử dụng sách gốc nhưng hệ thống trường Anh ngữ quốc tế u-Mỹ (IWEP) lại bán tràn lan đĩa sao chép lậu và với giá rất cao. Tối 16.8, nhân viên IWEP tại cơ sở 2 (số 6 Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) đã bán cho một học viên mới 2 bộ CD TOEIC A và TOEIC B gồm 6 đĩa, mỗi đĩa giá 15 ngàn đồng…

Các trung tâm ngoại ngữ nói gì?

Photo sách tặng học viên

“Vào năm 2008, khi trường thành lập cơ sở đầu tiên ở Q.2 thì chúng tôi có đặt sách gốc của First News thông qua Công ty Đại Trường Phát. Lúc đó, chúng tôi mua và bán sách cho học viên theo giá gốc. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, nhận thấy học sinh, sinh viên là đối tượng khó khăn nên chúng tôi photo sách 85% là tặng cho học viên, còn 15% là bán cho những học viên cũ, không có điều kiện đến lớp. Và sách photo ở đây có giá chưa bằng ½ giá sách gốc. Bán sách gốc học viên không mua nổi. Ngay sách photo có khi 2-3 bạn mua chung 1 cuốn”. Ông Nguyễn Đức Hiệp Giám đốc trường Anh ngữ quốc tế u Việt Úc (EVAS) tại TP.HCM

Chỉ bán cho những người không phải là học viên!

“Trước đây, chúng tôi chỉ dùng sách photo để kèm tặng cho học viên mà thôi. Không tặng được sách gốc do giá cao. Trừ những người nào không phải học viên mà tự nhiên họ chạy vô nói rằng bán cho họ một vài cuốn sách để họ tham khảo, họ nói sách gốc mắc quá không mua thì bên chúng tôi không có sách gốc để đưa cho người ta nên phải bán sách photo cho họ. Bắt đầu từ ngày 1.8, VAS đã dùng sách gốc của First News để bán cho học viên rồi, không dùng sách photo để tặng nữa!”. Nguyễn Thị Thái Bình Quản lý nhân sự kiêm phụ trách mảng tư vấn của Hội Anh văn Việt Úc (VAS)

Chỉ có sách gốc!

“Ở tất cả các cơ sở của Úc Châu, khi học viên đăng ký đều được tặng sách gốc và không bán sách cho người ngoài”. Hằng - Người quản lý tại cơ sở 1 (đường Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.