Xin được hỏi ngay: Tại sao anh lại muốn mở công ty người mẫu?
Vì tôi thích. Sau thời trang thì tôi thích người mẫu.
Anh có sợ cạnh tranh?
Ở Mỹ có hơn 1.000 công ty người mẫu, Philippines cũng được khoảng vài trăm. Còn ở Việt Nam mình, công ty người mẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi thấy đây là một thị trường còn bỏ ngỏ rất nhiều.
Với lại, mỗi công ty có một hướng đi riêng. Bên tôi, tôi muốn hướng cho người mẫu con đường chuyên nghiệp, chứ không phải kiểu người mẫu rẻ tiền, háo danh, bằng mọi cách phải đi thi cho bằng được, đạt mấy cái giải tầm bậy tầm bạ. Và tôi định hướng người mẫu theo đúng chất người mẫu chứ không phải hoa hậu.
|
Anh quen với công việc thiết kế phụ thuộc vào cảm xúc, nhưng chuyện kinh doanh người mẫu thì không đơn thuần như vậy. Người quản lý người mẫu lúc nào cũng lắm chiêu nhiều trò, còn anh, anh dự tính thế nào?
Mỗi công ty đều có chiến lược của họ. Tuy nói công ty người mẫu của tôi là mới, nhưng thực tế tôi đã làm việc với giới người mẫu, đứng ra tổ chức các chương trình, tuyển chọn người mẫu, lăng-xê người mẫu... đã mười mấy năm. Từ đó đến nay, có rất nhiều người mẫu được tôi lăng-xê như: Quỳnh Thi, Phi Thanh Vân... Ai trong nghề cũng biết, không có tôi thì không có Phi Thanh Vân. Ngày trước, Phi Thanh Vân không bao giờ được lên báo. Tôi đã đứng ra can thiệp rất nhiều vì tôi biết, Vân là người có tiềm năng.
Anh có dự tính sẽ đẩy người mẫu của mình đi thi những cuộc thi sắc đẹp không?
Chuyện đó phải xem lại. Ngay bản thân tôi khi được mời làm ban giám khảo những cuộc thi người đẹp, tôi cũng phải xem xét kỹ. Nếu người đẹp bên tôi mà đi thi những cuộc thi ao làng, không ra gì thì điều đó chỉ mang đến cho tôi sự nhục nhã.
Nghe nói những người mẫu nổi tiếng về đầu quân cho Công ty VC Modelling sắp tới từng thuộc Công ty PL như: Hương Giang, Hoàng Yến…?
Thật ra họ là những người mẫu tự do, không thuộc độc quyền của công ty nào hết. Những người nổi tiếng họ không dại gì mà ký độc quyền cho công ty nào. Bản thân tôi thì muốn tạo ra những nhân tố mới, điều đó rất tuyệt vời! Và tôi cũng không muốn lấy người mẫu ở công ty khác qua bên mình. Chúng tôi kết hợp làm việc với nhau như anh em rất tốt, tại sao phải bắt ký độc quyền?
Nhưng ký độc quyền với người nổi tiếng sẽ có lợi chứ?
Tôi nghĩ TP.HCM hiện tại người mẫu đã cũ nhiều lắm, chưa có nhân tố mới. Với lại, hãy để các em có hướng đi theo cách của mình.
Vậy công ty anh đã tìm được “gà” chưa?
Có rồi! Tôi nghĩ là sau ngày khai trương mọi người sẽ biết rõ về VC Modelling hơn. Từ xưa giờ tôi rất hạn chế xuất hiện trên báo, nhất là báo mạng. Tôi không thích nay phải nói cái này, mai phải nói cái kia. Vì không nhắc đến cái tên Võ Việt Chung, tôi cũng không sợ mọi người sẽ quên mình.
Có một tờ báo mạng thấy tôi ăn mặc đồ hiệu nhiều nên đề nghị tôi chụp hình mấy đôi giày để đưa lên, tôi ngạc nhiên hỏi “làm gì?”. Những thứ không thuộc về chuyên ngành của mình, thật sự tôi ít quan tâm tới. Không nhất thiết phải lên báo để nói “tôi đeo bao nhiêu cái nhẫn kim cương, tôi đi xe gì…”, lố quá! Cái đó nghệ sĩ Việt Nam mình lúc này hay làm, hen? (cười). Đôi lúc tôi thấy nó thật khập khiễng, tội nghiệp cho họ. Nhiều người thật rỗng tuếch trong suy nghĩ. Những người đẳng cấp thì họ sẽ cảm thấy cần kín tiếng.
Vậy, đối với những chuyện nghệ sĩ mất kim cương hột xoàn này nọ… theo anh nghĩ là sự cố của họ hay do báo chí gài bẫy để họ lên tiếng?
Nếu bây giờ nhà báo gài bẫy, muốn tôi lên tiếng về chuyện đó, tôi không thích nói thì làm gì được tôi! (cười lớn)
Anh không ngại đụng chạm một vài người?
Không, tôi không ngại.
Đó là quan điểm của nhà thiết kế, còn một khi đã mở công ty người mẫu, làm sao để công ty của anh, người mẫu của anh được công chúng đón nhận nhiều hơn nếu anh không xuất hiện trên báo chí?
Bên tôi sẽ có hướng đi riêng. Tôi không muốn phải tự xưng danh cho người mẫu của tôi là “nữ hoàng…” này kia. Tôi thấy dạo này Việt Nam mình rất nhiều người thích làm nữ hoàng với ông trùm quá! Có vẻ báo chí mình cũng dễ dãi với mấy danh xưng đó, thấy người ta kêu rồi kêu theo. Ví dụ, mình chưa từng có cuộc thi nào về đồ lót thì làm sao có “nữ hoàng đồ lót”? Nếu lỡ một sáng thức dậy, người ta bỗng dưng gọi tôi là “ông trùm thời trang” thì chắc tôi sẽ rất sợ. Tôi chỉ muốn mình đơn giản là một người làm đẹp thôi!
Tôi khẳng định, tôi muốn công ty mình đi theo hướng đa quốc gia, đẩy người mẫu ra thế giới và ngược lại một cách chuyên nghiệp, chứ không thể một công ty người mẫu mà lại đưa người mẫu đi thi cuộc thi hoa hậu nào đó ở miền xa xôi.
Anh đi nước ngoài nhiều, anh thấy cách thức lăng-xê người mẫu ở các nước khác với Việt Nam mình như thế nào?
Những công ty người mẫu nước ngoài luôn đưa ra những kế hoạch bắt buộc phải theo, họ không cần thiết là “cô này đẹp hay cô kia tôi có quen biết”, và đối với những cuộc thi model, trước đó khoảng 3 đến 6 tháng, họ sẽ chọn lựa ra người nổi bật nhất trong tất cả các hạt giống. Người được chọn sẽ có cuộc lột xác hoàn toàn. Và đặc biệt là người mẫu quốc tế không quá chú tâm vào kích cỡ vòng một.
Trở lại chuyện thiết kế nhé, có vẻ bây giờ có nhiều nhà thiết kế quá! Cứ làm được một hai bộ thời trang là có thể trở thành nhà thiết kế rồi. Anh nghĩ sao về điều đó?
Đến bây giờ đối với tôi, ba từ “nhà thiết kế” còn đòi hỏi tôi phải cố gắng hơn nhiều lắm. Trong cuộc đời tôi có nhiều lần thăng hoa cảm xúc, nhưng không phải lúc nào tôi cũng vừa lòng với bản thân. Dù ngày hôm nay đã hơn mười năm trong nghề, vẫn có những khi tôi không dám đưa bộ sưu tập ra công chúng.
Những cái tên anh đặt cho bộ sưu tập của mình nghe có vẻ rất thuần Việt và mang hơi hướm phương Đông…
Tôi rất cân nhắc trong việc đặt tên cho bộ sưu tập, vì nó nói lên được nhiều thứ. Tôi đã gặp trường hợp bị copy ý tưởng. Ví dụ như việc một nhãn hiệu áo dài khá nổi tiếng đã lấy tên bộ sưu tập Ngọc Viễn Đông của tôi để đặt cho đồ của họ.
Vậy tại anh lại để yên, không đá động hay kiện cáo gì vụ đó?
Mình làm như vậy là vô tình mình cho người ta được ngang bằng mình.
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Ngân Vi
(thực hiện)
Bình luận (0)