Sự kiện cậu bé Hào Anh đuổi mẹ ra khỏi nhà hơn 10 lần trong thời gian qua một lần nữa đặt ra một câu hỏi đối với xã hội chúng ta hiện nay. Liệu rằng lòng tốt của xã hội đã bị đặt sai?
|
Hẳn chúng ta ai cũng biết rằng Hào Anh đã có một tuổi thơ sống cách xa gia đình và bị hạo hành nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần. Việc sống xa gia đình và phải đi làm thuê cho người khác trong một thời gian dài đã dẫn đến một sự thiếu hụt về mặt giáo dục trong gia đình và nhà trường, hai đơn vị xã hội quan trọng nhất trong đời mỗi một con người. Mặt khác, việc hằng ngày phải tiếp nhận những trận đòn của chủ vựa tôm ngày xưa có thể đã để lại những “vết tích” quá khứ khó phai nhòa trong nhận thức của Hào Anh.
Những hành vi “lệch chuẩn” như bạo hành người khác nếu như không được giáo dục đầy đủ có thể trở thành những hành vi “bình thường” trong đời sống xã hội. Nghiên cứu của nhà xã hội học George Herbert Mead về cái tôi cho chúng ta thấy rằng nền tảng của mỗi một con người chính là cái tôi. Nhờ cái tôi mà chúng ta có thể phân biệt và nhận thức được rằng đâu là đúng sai, phải trái. Cái tôi cá nhân được hình thành và phát triển nhờ vào những kinh nghiệm xã hội khi cá nhân tham gia vào đời sống xã hội. Với những trường hợp như Hào Anh, việc tiếp nhận những cách thức hành xử bằng bạo hành đối với người khác có thể là những kinh nghiệm xã hội đã được học và nó có những ảnh hưởng lớn đến nhận thức của em sau này.
Việc xã hội chúng ta có những hành động như hỗ trợ về mặt tiền bạc để giúp em có cuộc sống tốt hơn là điều cần thiết. Nhưng liệu rằng điều đó đã đủ? Chúng tôi cho rằng với những trường hợp như thế này, cần sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt giáo dục trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Việc có nhiều tiền trong khi lại không được giáo dục về cách thức sử dụng đã dẫn đến hệ quả là chi tiêu không hợp lý. Những giá trị của đời sống gia đình, điều mà Hào Anh đã bị khiếm khuyết trong quá trình xã hội hóa khi đi làm thuê cho người khác là điều em cần phải được học.
Các tổ chức xã hội tại địa phương cũng có vai trò không kém quan trọng. Cần phải xem những trường hợp như Hào Anh là những trường hợp cần được trợ giúp một cách đặt biệt không chỉ về mặt kinh tế mà còn về pháp lý, tâm lý, giáo dục... Sự hỗ trợ cũng như cái nhìn của xã hội sẽ ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của cá nhân, điều này càng quan trọng đối với lứa tuổi vị thành niên.
Thông qua trường hợp của Hào Anh, xã hội cũng thấy được rằng để giúp cho một người nào đó, chúng ta cần những giải pháp toàn diện hơn. Vật chất là cần thiết nhưng nó sẽ mãi là không đủ.
Đỗ Hồng Quân (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM
>>Hào Anh đã xài 800 triệu của nhà hảo tâm như thế nào?
>>Xét xử vợ chồng hành hạ cháu Hoàng Anh
Bình luận (0)