Với 'Hương', họa sĩ Nguyễn Thu Hương muốn quay về bên trong, tìm về chính mình

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/10/2022 10:01 GMT+7

Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, mà ngược lại, cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ. Lụa cũng như sơn mài, đòi hỏi sự cần mẫn, cảm xúc phải đủ "dày" để sáng tạo một tác phẩm.

Sau triển lãm cá nhân lần thứ nhất rất thành công tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) năm 2019 có tên Lụa của Hương và triển lãm cá nhân lần thứ 2 có tên Hương Lụa vào ngày 7.5.2021 tại Huyền Art House (TP.HCM) thì đến lần thứ 3 này, tên triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thu Hương chỉ còn một chữ Hương khai mạc chiều ngày 15.10.2022. Điều này phần nào cho thấy hành trình tìm kiếm, đúng hơn là quay về bên trong, tìm về chính mình của nữ họa sĩ.

Tác phẩm mới của chị tại triển lãm Hương

Cột mốc tròn 10 năm Nguyễn Thu Hương chọn lụa là chất liệu chính để vẽ (2012 - 2022) rất có ý nghĩa

nvcc

Nguyễn Thu Hương tự bạch: “Tôi quan sát hiện thực ngoài kia bằng đôi mắt mở to, vì muốn hiểu thấu bản chất sự vật hiện tượng, muốn tìm xem đâu là ranh giới đúng sai, hay dở, đẹp xấu... Nhưng, mọi hình ảnh cứ trôi qua vùn vụt không chờ đợi, tâm trí tôi chỉ kịp lưu lại một phần rất nhỏ hiện thực. Và rồi, cảm xúc chủ quan cùng với óc tưởng tượng đã biến chút nhỏ nhoi kia thành một 'hiện thực' khác. Như một đoàn tàu đã đi qua, mọi hình ảnh, màu sắc, hình dáng, và âm thanh được lưu trong ký ức sẽ không còn là nó nữa... Và hội họa của tôi ghi lại điều này”.

Cột mốc tròn 10 năm Nguyễn Thu Hương chọn lụa là chất liệu chính để vẽ (2012 - 2022) rất có ý nghĩa. Chị vẫn sử dụng miệt mài lụa dệt tay của làng Quan Phố, Duy Tiên (Hà Nam). Bởi, “trong thời gian là sinh viên khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi có tham gia triển lãm sinh viên của trường và được một số giải thưởng như: giải của lớp học người nước ngoài, giải của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là những bức tranh sơn dầu, lụa do tôi sáng tác, không phải bài tập. Có thể gọi lụa là các tác phẩm đầu tiên để gắn bó với lụa đến giờ”, họa sĩ Nguyễn Thu Hương bộc bạch.

Lần thứ 3 này, tên triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thu Hương chỉ còn một chữ Hương khai mạc chiều ngày 15.10.2022

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Song hành với cuộc hồi sinh sáng tạo, đó là nhận thức của nhà trường, cộng đồng và đặc biệt giới sưu tập nội địa về tranh lụa đã thay đổi theo hướng tích cực của nhiều họa sĩ trẻ. Có thể nói số tranh lụa Việt Nam được sưu tập trong một thập niên qua là nhiều nhất, nhiều hơn các thập niên trước đó cộng lại.

Đã có khá nhiều triển lãm cá nhân và nhóm về tranh lụa, các hội thảo, ra mắt sách… Trên thị trường quốc tế, tranh lụa Việt Nam dần được ưu chuộng, nhiều họa sĩ trong nước được mời đi dự triển lãm, hội chợ. Tại các nhà đấu giá quốc tế, tranh lụa Việt Nam - đặc biệt thời Đông Dương - có vị thế không thua kém gì các vật liệu khác, chất liệu khác như sơn dầu, sơn mài… Tất cả điều này đều có quan hệ hữu cơ đến tranh lụa đương thời, tạo niềm tin, sự hưng phấn trong sáng tạo.

Trả lời câu hỏi: "Tâm thế và cảm xúc của chị trước mỗi bức tranh là gì?". Nguyễn Thu Hương trả lời: “Mỗi bức tranh là cảm xúc riêng cá nhân khi bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả những gì xung quanh như nhìn thấy, gặp, chứng kiến. Không nhất thiết là của mình mà người khác hoặc người mình không quen biết, nếu để lại ấn tượng hoặc làm tôi luôn nghĩ đến, tôi sẽ vẽ lại theo cách của tôi”.

Tranh lụa của Hương cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, ngược lại, nó cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ. Bởi vì, lụa cũng như sơn mài, đòi hỏi sự cần mẫn, thời gian, do đó, cảm xúc phải đủ "dày" đủ "mạnh" để đi hết tiến trình sáng tạo một tác phẩm.

Tranh lụa của Hương cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, ngược lại, nó cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ

NVCC

Và từng ngày, nữ họa sĩ nhỏ nhắn, dịu dàng, xinh đẹp Nguyễn Thu Hương luôn biết sáng tạo ra nhiều tác phẩm phong phú, hấp dẫn, có bề dày và chiều sâu để thu hút người xem. Triển lãm Hương diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM) đến ngày 25.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.