Chiều 12.10, trong khói nhang nghi ngút và không khí tĩnh mịch của chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM), bên linh cữu của điêu khắc gia Nguyễn Sang là hình ảnh người bạn đời Kim Thanh đôi mắt quần sâu vì buồn bã và khóc hết nước mắt nhớ thương ông.
Điêu khắc gia Nguyễn Sang (pháp danh Thiện Tấn, sinh ngày 7.8.1957. Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) đã từ trần lúc 2 giờ 15 phút ngày 10.10.2022 (nhằm ngày 15.9 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 68 tuổi sau thời gian chống chọi với bệnh u đa tủy.
Ở TP.HCM, tên tuổi ông bà Nguyễn Sang - Kim Thanh quá nổi tiếng. Tính đến nay, có lẽ ông bà là hai điêu khắc gia có số lượng tượng danh nhân nhiều nhất Việt Nam, với gần 500 người nổi tiếng đủ các lĩnh vực |
Tượng Hoàng đế Quang Trung của vợ chồng điêu khắc gia Kim Thanh - Nguyễn Sang |
Điêu khắc gia Nguyễn Sang chăm chút tượng luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc ông còn sống |
T.L |
Giọng buồn bã và đôi lúc nghẹn ngào, điêu khắc gia Kim Thanh kể: “Anh ấy mạnh mẽ lắm, dù biết mình khó qua khỏi nhưng vẫn cố gắng chịu đựng những cơn đau cứ ập tới tàn phá cơ thể. Con Covid-19 ác lắm, nó tàn phá hết mọi sức đề kháng trong máu của anh. Bàn tay anh tím bầm, dù cả đêm tôi ngồi xoa cho anh bớt đau nhưng mọi thứ đều không thể qua được…”.
Ở TP.HCM, tên tuổi ông bà Nguyễn Sang - Kim Thanh quá nổi tiếng. Tính đến nay, có lẽ ông bà là hai điêu khắc gia có số lượng tượng danh nhân nhiều nhất Việt Nam, với gần 500 người nổi tiếng đủ các lĩnh vực: lãnh tụ, danh nhân văn hóa, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ như: Hàm Nghi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phan Kế Bính, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Đào Tấn, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hữu Loan, Bùi Giáng, Sơn Nam, Tô Hoài, Trần Văn Khê, Hà Thị Cầu…; Tượng các nữ danh tướng và anh hùng lực lượng vũ trang: Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu, Tạ Thị Kiều, Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Rành…; Tượng mẹ Việt Nam anh hùng: Trần Thị Gàn, Bùi Thị Mè, Trần Thị Viết, Nguyễn Thị Vĩnh, Lê Thị Lượng, Huỳnh Thị Phước, Nguyễn Thị Đợi, Nguyễn Thị Tráng...; Tượng các nhà giáo: GS Hoàng Như Mai, GS Hoàng Tụy và tượng nhiều vĩ nhân thế giới: Picasso, Einstein, Beethoven, Mozart.
Ông bà từng có 5 cuộc triển lãm riêng tại Hà Nội, TP.HCM, quê hương Long An của ông bà và tham gia 70 triển lãm của nhiều đơn vị khác: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 7, Hội Mỹ thuật VN, Hội Mỹ thuật TP.HCM... Đến đâu, “cặp đôi” Nguyễn Sang - Kim Thanh cũng nhận sự quan tâm, thích thú của khán giả yêu mến. Chính GS Vũ Khiêu còn viết tặng ông bà câu đối: Tinh hoa tỏa xuống bàn tay ngọc/Thần sắc bừng lên bức tượng vàng.
Nhà điêu khắc Nguyễn Sang từng có tâm nguyện: “Qua sách báo, tôi thấy nhiều anh hùng dân tộc tài đức vẹn toàn, đi vào lòng dân nên rất thích. Vì vậy còn sức khỏe là vợ chồng tôi còn sáng tác. Tuy nhiên, kinh phí làm tượng rất tốn kém. Để có tiền đúc tượng danh nhân, vợ chồng tôi phải làm thêm nghề đúc tượng cho những ai có nhu cầu muốn báo hiếu cha mẹ, tặng thầy cô, bạn bè… Chúng tôi muốn có thật nhiều kinh phí đúc được tượng đồng danh nhân để lưu giữ cho đời sau”.
Vì vậy, thể theo nguyện vọng của gia đình điêu khắc gia Nguyễn Sang, bà Kim Thanh đã quyết định không nhận tiền phúng điếu mà thay bằng hình thức Hồi hướng công đức để có tiền thực hiện những công tác thiện nguyện và đúc tượng cho các bậc tiền nhân, người anh hùng như di nguyện của người đã khuất, nhằm thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở của điêu khắc gia Nguyễn Sang.
Điêu khắc gia Kim Thanh bên linh cữu chồng tại Vãng sanh Đường chùa Xá Lợi (89 Bà Huyện Thanh Quan, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) chiều 12.10 |
QUỲNH TRÂN |
Thông tin PV Thanh Niên có được, vào sáng mai 13.10, nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ đọc điếu văn thay mặt gia đình điêu khắc gia Nguyễn Sang trước khi di quan đi hoả thiêu. Hiện linh cữu của ông đang đặt tại Vãng sanh Đường chùa Xá Lợi (89 Bà Huyện Thanh Quan, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Lễ nhập quan lúc 13 giờ ngày 10.10. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 13.10, sau đó linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM).
Và bài thơ Tiễn bạn hoạ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang của nhà thơ Lê Minh Quốc cũng đã ra đời giữa lúc khóe mắt nhà thơ rưng rưng, khóc thương người bạn thân thiết:
Miệt mài khắc tượng con người
Âm vang còn lại một đời tài hoa
Đường trần bạn đã đi qua
Vẫn còn dấu ấn - dù xa nghìn trùng…
(12.10.2022)
Khi đến với cuộc đời này, nghệ sĩ Nguyễn Sang đã tận hiến tâm lực của mình vì Cái Đẹp ở trần gian mà anh đã bắt gặp. Với anh, cùng người vợ thuỷ chung mà anh rất yêu thương là Kim Thanh đã đồng hành “như chim liền cánh, như cây liền cành” thì Cái Đẹp ấy chính là chân dung các nhân vật lừng danh đã được công chúng ngưỡng mộ. Có thể nói đây là một quá trình bền bỉ, thể hiện năng lực sáng tạo dồi dào nhất của vợ chồng anh. Năng lực ấy, còn trải dài theo năm tháng.
Với nhiều người, khi một tác phẩm đã hoàn thành, đó là công sức của một người. Nhưng với trường hợp của nghệ sĩ Nguyễn Sang, có một điều thú vị còn là kết quả chung với người vợ nữa. Điều này, cho thấy tình yêu giữa anh và chị không chỉ gắn bó trong cuộc sống hằng ngày mà còn cả trong nghệ thuật.
Khi nhớ về anh và mối tình tuyệt đẹp của anh: Nguyễn Sang - Kim Thanh, bao giờ chúng tôi cũng nghĩ đến những “cặp đôi” nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam như trường hợp nhà thơ Đông Hồ - nhà thơ Mộng Tuyết, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan - nhà thơ Hằng Phương, nhà thơ Vũ Tú Nam - nhà văn Thanh Hương… Mối tình của hai nhà điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh đã trở thành “biểu tượng” gắn kết bền chặt của tình chồng nghĩa vợ, cả hai cùng nâng cánh bay trong vòm trời nghệ thuật. Do đó, khi chúng ta vĩnh biệt anh Nguyễn Sang, hẳn chúng ta biết chị Kim Thanh - “một nửa” của đời anh còn ở lại đau đớn chừng nào.
Nhà thơ Lê Minh Quốc
Bình luận (0)