Với tay đến trời

23/12/2012 11:13 GMT+7

Không chỉ thỏa mãn với góc nhìn tuy đa chiều nhưng vẫn là là mặt đất, nhiều người muốn ngắm danh thắng từ trên cao và có được cảm giác bay bổng trên tầng không.

Và sẽ thật đáng tiếc nếu các tour du lịch bỏ qua thú thưởng ngoạn hấp dẫn ấy.

Tại các địa điểm nổi tiếng trên thế giới hầu hết đều có những tòa tháp cao tầng gắn liền với tên tuổi thành phố, ngành du lịch các nước theo đó cũng rất chú trọng việc khai thác kinh doanh du lịch trên cao. Trong sách hướng dẫn, bản đồ, trang chủ giới thiệu địa danh... đều cung cấp thông tin về các tòa tháp có thể ngắm cảnh. Các tháp truyền hình, nhà chọc trời đều dành một phần hoặc nguyên tầng trên cao làm quán cà phê, nhà hàng cho du khách vừa ăn uống vừa thưởng ngoạn. Nhiều nơi thu tiền vé tham quan trên cao, giá đắt nhưng vẫn thu hút hàng đoàn dài chờ tới lượt.

Những tòa tháp, nhà cao tầng chọc trời

Anh Trung, một dân mê du lịch ở Hải Phòng, rất say mê các điểm trên cao. Đến bất kỳ địa danh nào trong ngoài nước anh cũng tìm đến điểm cao nhất có thể để ngắm toàn cảnh từ trên cao. Trong “bộ sưu tập” của riêng mình, anh đã sưu tầm được rất nhiều giấy chứng nhận của các tòa nhà chọc trời, tháp chuông nhà thờ, tháp truyền hình, đỉnh núi nổi tiếng...

Châu Á thì có các tháp truyền hình ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung Quốc), tháp đôi Petronas (Malaysia)... Châu u có tháp truyền hình Berlin (Đức), tháp Eiffel (Paris, Pháp), đu quay khổng lồ London Eye ở trung tâm London (Anh)... Mỹ thì có những tòa nhà chọc trời nổi tiếng ở New York, Chicago. Đến Úc, ghé Melbourne đã có tòa nhà cao thứ hai Úc Eureka Building xấp xỉ 300m ngay bên bờ sông. Còn ai muốn leo lên tầng không của cầu Sydney trên 100m phải đăng ký trước trên mạng, mà chỉ đặt cách vài tuần đã không còn chỗ.

Với đông đảo khách du lịch như anh Hưng (Hà Nội) và nhóm bạn, những tháp chuông các nhà thờ cổ kính cũng là điểm đến ưa thích. Không quản ngại những cầu thang xoáy trôn ốc rất hẹp chỉ một người đi vừa và ánh sáng trong lòng tháp yếu ớt, để tận hưởng không khí lồng lộng trên cao vài chục đến cả trăm mét, nhìn bốn phía khu trung tâm lịch sử các thành phố nổi tiếng, không mấy người phàn nàn đã trót dấn bước leo lên, leo xuống. Bù lại là cảm giác tuyệt vời khi được lặng người ngắm những thành phố huyền thoại với một màu ngói đỏ pha đá rêu phong trải dưới tầm mắt, những quảng trường đẹp đẽ, các con kênh xanh tấp nập thuyền, phà...

Với tay đến trời
Quang cảnh London nhìn từ London Eye - Ảnh: Nam Vinh

Các cao điểm tự nhiên

Các cao điểm tự nhiên như đỉnh núi, đèo cao, đồi dốc... cũng thu hút một số lượng lớn lượt khách du lịch tìm đến để có cảm giác... với tay đến trời. Không chỉ đỉnh Fansipan (Lào Cai) ngày càng thu hút đông khách nội địa nhiều lứa tuổi, không ít du khách Việt say mê khám phá đã và đang hướng tới những đỉnh núi ngút trời ở dãy Alps (châu u), Himalaya (châu Á), núi lửa Kilimanjaro (châu Phi) đầy thử thách...

Anh Trung kể có lần giữa trời tháng 6 nắng gay gắt tại thủ đô Athens, đã rất mệt sau cả ngày dài đi bộ tham quan nhưng trong kế hoạch vẫn còn đỉnh núi thiêng trong thần thoại Hi Lạp nên anh vẫn cố thực hiện theo đúng lịch vạch ra. Nhưng mới đến chân núi thì không tài nào bước tiếp được nữa, phải tìm chỗ chợp mắt trong bóng râm để lấy sức. Đó cũng là trải nghiệm thực tế của không ít du khách.

Cũng có nhiều cách để lên đến những tầng mây chứ không duy chỉ có cách tự leo trèo bằng chân. Những phương tiện hiện đại như thang máy, cáp treo... đã hỗ trợ rất nhiều cho sở thích “với tới trời” của con người. Ở những triền đồi trồng nho trên mạn sông Rhine nước Đức hay ở các khu trượt tuyết Thụy Sĩ, Áo... các xe cáp treo còn không có mái che. Du khách được cảm nhận nắng, gió, mưa, tuyết, hưởng trọn những xúc cảm rất thật.

Một tầm tay với...

“Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến ngõ nhà trời”... Những chuyến du lịch lên tháp cao, đi cáp treo rất thích hợp với gia đình có trẻ nhỏ. Di chuyển thuận tiện, nhàn hạ cho người lớn đi cùng và cho trẻ niềm thích thú mới mẻ..., chỉ tiếc VN còn bỏ ngỏ chưa khai thác triệt để hình thức tham quan trên cao này. Cáp treo mới chỉ được quảng cáo là phương tiện di chuyển thay vì phải leo bộ. Các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, Hà Nội chưa tạo trào lưu thu hút du khách lên uống cà phê ngắm cảnh. Ba Vì, Tam Đảo, Hàm Rồng (Sa Pa), Bà Nà, Lang Bian... Những khu du lịch núi đẹp tuyệt của nước ta, cũng có vô số điểm dừng chân thưởng ngoạn phong cảnh nhưng rất ít chỗ thiết kế dừng xe ngắm toàn cảnh núi non hùng vĩ, làm tăng cảm hứng khám phá vẻ đẹp đất nước...

Trong khi đó, những tuyến đường núi ở châu u dành cho khách bộ hành dù chỉ cao vài trăm mét cũng luôn bố trí chiếu nghỉ có lan can chắc chắn và ghế ngồi tựa lưng cho khách nghỉ chân ngắm cảnh. Cáp treo cũng không chỉ là phương tiện di chuyển khi các lồng cáp treo đều làm bằng kính trong suốt và có vận tốc chậm để người ngồi trong vẫn ngắm được cảnh trong khi di chuyển...

Cứ thế, đôi lúc trên đường dài rong ruổi xuyên Việt, cứ ước ao chỗ đấy chỗ nọ có thêm một điểm dừng...

Theo MINH LÝ - DU NHN \ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.