Vội vã... dệt lụa

12/10/2011 22:55 GMT+7

Vở Bên cầu dệt lụa vừa ra mắt tại Nhà hát TP.HCM trong một không gian vừa sang trọng vừa gần gũi, khiến không ít khán giả kỳ vọng vào chất lượng nghệ thuật của vở diễn...

Nhà tổ chức đã khéo gây ấn tượng cho khán giả khi mới bước chân vào nhà hát nhờ những gian hàng bánh trái dân dã và hoạt động đờn ca tài tử tại gian sảnh bên ngoài. Người xem hy vọng với sự chu đáo, chăm chút về mặt hình thức điểm diễn như thế, họ sẽ được xem một vở diễn chất lượng cao, đánh thức trong họ niềm đam mê cải lương. Nhưng thực tế, có những điều chưa trọn vẹn...

Vai Trần Minh và Quỳnh Nga do Trọng Phúc - Thanh Ngân đóng tương đối khá, có thể làm hài lòng người xem. Tuy nhiên, vai Nhuận Điền lại khiến người ta thất vọng. Nhuận Điền tiếng là vai phụ, nhưng vai phụ này lại hay đến mức trở thành kinh điển, in sâu vào tâm trí người mộ điệu suốt mấy chục năm qua. Và có thể nói, nó là một vai khó hơn cả vai Trần Minh. Bởi nhân vật Nhuận Điền vừa trầm tĩnh, vừa kiên quyết, mạnh mẽ, vừa có cái học rộng của người trí thức, vừa có cái chân chất của người nông dân, mà lại có cả cái vô vi thong dong của những bậc tu tiên, bầu rượu túi thơ thênh thang sông nước. Diễn cho ra Nhuận Điền là một thử thách, đặc biệt khi đã có cái bóng quá lớn của NSƯT Thanh Tú từng khắc vào sân khấu. Cho nên không thể tập tuồng qua loa mà diễn nổi.

 
Trọng Phúc (vai Trần Minh), Thanh Ngân (vai Quỳnh Nga) trong vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: H.K 

Vậy mà diễn viên Hoàng Nhứt đã phải tập tuồng chỉ trong vòng 4 ngày. Anh nói từ 4 giờ sáng đã thức dậy học thoại, học lời ca. Làm việc cật lực, nhưng thời gian chuẩn bị quá ngắn nên kết quả cũng chỉ chừng ấy mà thôi. Khán giả chưa biết nội tình thì bực, còn người biết thì thương. Tuy nhiên, bực và thương hơn cả là cho một nền cải lương đang cố hồi phục nhưng gặp quá nhiều trở ngại.

Thực tế vai Nhuận Điền do diễn viên Lê Tứ đảm nhận, nhưng gần đến ngày diễn thì Lê Tứ từ chối. Đạo diễn vội đi tìm người “cấp cứu”. Hoàng Nhứt tiến thoái lưỡng nan, không nhận thì tội cho vở, còn nhận thì “nguy hiểm” cho tên tuổi của mình. Nhưng Lê Tứ cũng không phải là người có lỗi. Anh nói: “Chương trình dự kiến làm trong hè, mà kéo dài đến mấy tháng, có khi ngưng tập gần 2 tháng trời, khi thì đạo diễn bận, khi thì diễn viên bận, khi thì do ban tổ chức, tôi đâm ra hoang mang: không biết chương trình có thực hiện hay không, mình có diễn nổi không với thời gian tập ít ỏi. Và khi lịch diễn kéo dài đến tháng 10 thì tôi kẹt quay phim, đành phải từ chối!”. Lịch diễn kéo dài cũng khiến Quỳnh Hương, Trinh Trinh bỏ vai bởi ai cũng có những sô riêng đã hứa. Chưa kể, khi gọi diễn viên cũng chỉ “nói miệng” với nhau, chứ không ai được ký hợp đồng, hoặc ứng tiền trước, nên chẳng có gì ràng buộc nhau.

Ban tổ chức và đạo diễn thì than thở do kế hoạch phải chờ đài truyền hình duyệt, rồi chờ tiền, rồi chờ lấy được ngày đăng ký của nhà hát. Thậm chí, trang phục và thiết kế sân khấu cũng chỉ được ráp trước ngày diễn có một hôm. Tóm lại, cả một dây chuyền sản xuất bị động, không có tính chuyên nghiệp. Kết quả cuối cùng, khi truyền hình quay và phát sóng, hàng triệu người xem sẽ cảm nhận cải lương chưa phải là viên ngọc tinh xảo. Nhất là giới trẻ, cứ nghe nói vở này hay lắm, vở kia tuyệt lắm, mà khi đối diện lại khác xa.

Chợt nghĩ, cái tâm muốn khôi phục cải lương là tốt, nhưng không đồng lòng, đoàn kết, không có tổ chức quản lý chuyên nghiệp, thì cải lương còn vất vả lắm thay!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.